Cách tập bé bú bình đúng đắn gồm những bước nào? Mẹ có biết phương pháp hiệu quả nhất để con chịu ti bình hay chưa? Hãy cùng tham khảo một số kinh nghiệm mà rất nhiều mẹ bỉm sữa đã áp dụng thành công dưới đây nhé!
Cho con bú giúp gắn kết tình mẫu tử, mang lại cảm giác hạnh phúc cho cả mẹ và bé, nhưng nhiều mẹ vì điều kiện không cho phép nên bắt buộc phải cho con bú bình. Trong cuộc sống bận rộn hiện nay, không ai có thể phủ nhận những tiện lợi của việc cho bé bú sữa bằng bình. Sau đây là những cách tập bé bú bình hiệu quả mẹ nên áp dụng.
Cho bé tập bú bình sau 6 tuần tuổi
Nhiều mẹ vừa mới sinh con xong một vài tuần đã vội nghĩ đến chuyện tập cho bé bú bình vì sợ nếu muộn hơn bé sẽ phân biệt được “thật giả” và từ chối bú bình. Thực ra, không cần phải lo lắng thái quá như vậy. Việc cho trẻ bú bình quá sớm có thể gây tác dụng ngược khiến bé không thèm ti mẹ nữa, khiến mẹ có nguy cơ mất sữa hoặc làm trẻ có khớp ngậm không đúng dẫn đến mẹ bị đau rát đầu ti hoặc nứt đầu ti.
Do đó, việc cho bé bú bình trước 6 tuần tuổi được khuyến cáo là không nên. Ở thời điểm 6 tuần, kỹ năng ti mẹ của bé đã thuần thục đủ để bé tiếp nhận bú bình.
Trên thực tế, bé chỉ cần 2-3 tuần là có thể quen với việc bú bình. Vì vậy, mẹ cứ bình tĩnh chờ đến thời điểm thích hợp hãy tìm cách tập bé bú bình nhé.
Để bé hơi đói một chút
Cách tập bé bú bình hay nhất là thực hiện khi bé đang hơi đói, lúc này bé sẽ buồn ngủ, mắt lơ mơ… Khi đó, phản xạ bú mút của trẻ lên cao nên dễ bảo hơn.
Tuy nhiên mẹ nên tránh cho con tập bú bình khi đang quá đói, bởi có nhiều bé trong cơn tìm kiếm ti mẹ, nhận được chiếc ti giả sẽ có cảm giác “thù địch” và không hợp tác. Ấn tượng xấu này sẽ khiến những lần tập ti bình về sau trở nên khó khăn hơn.
Ti giả càng giống ti thật càng tốt
Có những bé rất dễ tính, có thể vừa bú mẹ vừa bú bình. Tuy nhiên, 1 số thì lại nhất quyết không chịu ti bình khi đã quen ti mẹ. Trong trường hợp này, mẹ nên để ý một chút đến việc chọn loại bình và đặc biệt là núm vú.
Tốt nhất nên chọn loại núm vú giống thật nhất có thể, từ hình dáng, độ mềm, mùi vị đến tốc độ chảy sữa của núm vú. Bên cạnh đó, mẹ nên chọn loại bình có cổ rộng để dễ vệ sinh sạch sẽ.
Nên nhờ người khác cho con tập bú bình
Trẻ thường hay nhõng nhẽo khi gần mẹ, vì thế nếu người cho bé tập bú bình không phải là mẹ thì quá trình này sẽ trở nên dễ dàng hơn, bé sẽ dễ chấp nhận hơn. Trường hợp mẹ cho bé bú sữa công thức, có thể dùng khăn có mùi sữa mẹ quán quanh bình sữa khi cho bé tập ti bình cũng rất hiệu quả.
Cho bé chơi đùa để làm quen với bình sữa trước khi cho uống
Nếu bé được khám phá mọi thứ theo cách của mình, bé sẽ làm quen với việc bú bình nhanh hơn. Vì thế, mẹ hãy cho bé chơi đùa với núm ti giả hay bình sữa, để bé quen với sự có mặt của đồ vật này trước. Bé còn có thể sẽ tự cho bình sữa vào miệng, giống như cách bé hay làm với những đồ vật khác.
Không thay đổi tư thế khi đang cho bé bú bình
Tư thế khi cho bé bú bình cũng cần phải giống như đang ti mẹ bởi bé đã quen với việc tiếp xúc da mẹ và tư thế đó. Nếu vừa tập bé bú bình vừa thay đổi tư thế, bé sẽ khó chấp nhận cùng lúc 2 sự thay đổi.
Cần biết khi nào nên tạm thời bỏ cuộc
Không phải bé nào cũng thích ứng với việc bú bình ngay từ những lần tập đầu tiên. Trong phần lớn các trường hợp, ban đầu tập cho bé bú bình sẽ rất khó khăn.
Ngay khi bé từ chối bú sữa bình, hãy cất nó đi và thử lại vào một thời điểm khác. Mẹ không nên thể hiện thái độ căng thẳng và vội vã mà nên kiên trì nhưng giữ thái độ đủ hờ hững để không gây áp lực cho mình cũng như cho bé.
Một vài ngày sau mẹ có thể thử tập lại, có thể bé sẽ dần chấp nhận. Ban đầu nên cho bé tập mỗi ngày 1 lần, liên tiếp khoảng 1 tuần hoặc khi thấy con quen hơn thì có thể tăng cường độ lên vài lần 1 ngày. Khi đã quen ti bình rồi sau này có bú mẹ trực tiếp, trẻ vẫn có thể bú bình và ngược lại.
Xem thêm:
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!