Làm sao để bé bú bình được nhiều nhất có thể luôn là chủ đề giành được nhiều sự quan tâm của các mẹ. Với những mẹ cho bé bú sữa công thức hay chuẩn bị quay trở lại làm việc, bạn chắc hẳn không thể bỏ qua thông tin hữu ích trong bài viết này.
Nhu cầu bú bình của trẻ sơ sinh
Để tìm lời giải đáp cho thắc mắc làm sao để bé bú bình được nhiều, việc đầu tiên mẹ cần xác định chính là nhu cầu của các thiên thần nhỏ. Bởi tùy vào tình trạng sức khỏe, mỗi bé sẽ cần bú lượng sữa khác nhau.
- Với trường hợp trẻ sinh non, nhỏ con hơn so với tuổi thai hay không khỏe trong giai đoạn sơ sinh, con yêu nên được bú bình trong một khoảng thời gian ngắn trong khi chưa thể cho bú sữa mẹ.
- Bé cưng thường buồn ngủ hay có lượng đường trong máu thấp có khả năng cần được bú bình nếu bữa ăn cho con cần bổ sung thêm calo.
- Khi mẹ chưa kịp sản sinh ra sữa, bú bình lúc này sẽ giúp trẻ vượt qua cơn đói.
- Nếu trẻ bị tụt cân, bú bình là điều đáng được cân nhắc.
- Với các bé bị sứt môi hay vòm miệng, nuốt hay hít thở khó khăn, có vấn đề với phản xạ khi hút/nuốt, bú bình cũng được xem là giải pháp an toàn và hữu hiệu.
Với các chị em muốn nuôi con bằng sữa mẹ, việc bú bình có lẽ sẽ là một tin không vui. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là sẽ không thể nuôi con bằng sữa mẹ nữa.
Tùy thuộc vào phương pháp nào cần hơn vào thời điểm đó, theo các bác sĩ nhi khoa, bú bình sẽ là giải pháp thời điểm. Trong khi đó, bú mẹ trực tiếp lại là giải pháp lâu dài.
Làm sao để bé bú bình được nhiều?
Chọn núm vú bình sữa giống với ti mẹ nhất
Bạn nên chọn núm vú bình sữa càng giống đầu ti của mẹ càng tốt. Lời khuyên cho mẹ là núm vú cao su không được quá ngắn hay quá hẹp bởi điều này khiến bé khó mút.
Tốc độ dòng chảy của núm vú không nên quá nhanh vì sẽ khiến trẻ sợ cũng như không bú kịp. Đồng thời, tốc độ dòng chảy cũng không được quá chậm, sẽ khiến các thiên thần nhỏ bực bội do phải chờ lâu.
Để kiểm tra dòng chảy của sữa, khi mua, bạn có thể kiểm tra bằng cách dốc ngược bình rồi chờ sữa nhỏ giọt. Tốc độ chảy sữa của núm vú nên là 1-2 giọt/giây sẽ phù hợp với trẻ sơ sinh nhất.
Làm ấm núm ti và bình sữa
Nhiều trẻ vẫn thích bú sữa nóng hơn sữa ở nhiệt độ thường. Lúc này, mẹ cần làm hâm ấm không những sữa bên trong bình mà còn cả ti bình. Bí quyết này này sẽ giúp cho bé bú có cảm giác ấm áp như bầu sữa mẹ đấy!
Nhờ người khác cho bé bú bình
Nhiều trường hợp con nhất quyết không chịu bú bình sữa do mẹ cầm trên tay vì luôn muốn “rúc” vào bầu ngực của bạn. Khi đó, trẻ sẽ khóc đòi ti mẹ cho bằng được. Vì vậy, các chị em có thể nhờ ông bà hay ba của bé để luyện bú bình cho con nhé.
Chọn tư thế “chuẩn”
Vì thời gian để bú hết bình có thể sẽ kéo dài nên bạn cần chọn lựa tư thế dễ chịu nhất cho các thiên thần nhỏ. Tư thế cho trẻ bú bình đúng cách là mẹ hãy vòng một cánh tay ra để đỡ đầu bé để con ngẩng đầu lên theo hướng 45 độ.
Điều này sẽ giúp trẻ không bị nuốt quá nhiều không khí. Sau đó, mẹ chỉ cần điều chỉnh đầu và cổ cho bé thoải mái. Khi ôm con lâu, tay của bạn có thể bị mỏi. Lời khuyên cho mẹ là hãy dựa lưng sẵn vào một chiếc gối rồi đổi vị trí hai tay cho nhau vào giữa buổi cho trẻ ăn nhé.
Vỗ ợ hơi cho bé
Khi dạ dày “tí hon” của trẻ sơ sinh bị chứa quá nhiều khí, con có khả năng bị no dù vẫn chưa bú đủ lượng sữa cần thiết. Lúc này, vỗ ợ hơi sẽ là bí quyết hữu hiệu để giúp không khí trong dạ dày trẻ được thoát ra ngoài.
Qua bài viết này, chắc hẳn ba mẹ đã tìm được câu trả lời cho vấn đề làm sao để bé bú bình được nhiều rồi đúng không nào! Chúc cho bạn sẽ sớm luyện tập cho bé nhà mình sử dụng thành thạo bình sữa nhé.
Xem thêm:
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!