Cách nhận biết nước ối và huyết trắng không phải mẹ bầu nào cũng biết. Bài viết sẽ hướng dẫn cách phân biệt hai chất lỏng tiết ra từ âm đạo này và cả nước tiểu.
Hiểu về khái niệm nước ối và huyết trắng
Nước ối là gì?
Trong thai kỳ, nước ối là một chất dịch bao quanh thai nhi, đóng vai trò quan trọng trong việc:
- Bảo vệ thai nhi tránh sự xâm nhập của các vi khuẩn bên ngoài
- Giúp thai nhi cử động tự do trong bụng mẹ, cho phép bé phát triển toàn diện theo đúng chuẩn cơ thể người
- Che chắn bé khỏi bị chấn thương khi ở trong bụng mẹ và có thân nhiệt ổn định
Lượng nước ối sẽ khác nhau tuỳ vào từng giai đoạn và không giống nhau ở mỗi mẹ bầu. Nhưng thông thường khi thai nhi được 37 tuần tuổi, nước ối đạt cao xấp xỉ 1000 ml. Nhiều trường hợp thai phụ có quá ít hoặc quá nhiều nước ối (thiếu ối hoặc đa ối) thì đều tiềm ẩn các nguy cơ xấu với thai nhi.
Còn huyết trắng là gì?
Đây là một dịch tiết ra từ âm đạo của người phụ nữ từ sau lứa tuổi dậy thì. Còn có tên gọi khác là dịch âm đạo hay khí hư. Vai trò của dịch âm đạo là:
- Chất bôi trơn, ổn định môi trường sinh dục, giữ ẩm nhằm hạn chế sự phát triển của các tác nhân gây bệnh trong âm đạo
- Là môi trường thuận lợi để tinh trùng khỏe mạnh dễ dàng bơi sâu vào vòi trứng để thụ thai
- Nói lên sức khoẻ vùng kín của người phụ nữ
Bình thường, khí hư tiết ra ít, dính, trong hay đục giống như hồ nước, không có mùi. Lượng dịch âm đạo tiết ra sẽ nhiều hơn thường trước khi rụng trứng hoặc trước kỳ kinh nguyệt hay khi đang mang thai. Vì thế, thường khiến cho thai phụ khá đắn đo không biết cách nhận biết nước ối và huyết trắng.
Cách nhận biết nước ối và huyết trắng
Trong 9 tháng 10 ngày, do ảnh hưởng của hormone hay những lý do khác, một số thai phụ sẽ tiết dịch âm đạo nhiều hơn. Sở dĩ có sự bối rối này là do sự thay đổi hormone trong quá trình mang thai khiến dịch âm đạo tiết ra nhiều hơn bình thường. Và càng gần đến thời gian lâm bồn thì dịch nhầy âm đạo sẽ tiết ra nhiều hơn do cổ tử cung dần mở rộng làm nút nhầy bị bật ra.
Nhưng đôi khi, tình trạng rỉ ối cũng có thể xảy ra và ảnh hưởng không nhỏ đến thai kỳ. Và học cách nhân biết nước ối và huyết trắng sẽ giúp ích cho mẹ rất nhiều.
Đặc điểm nhận biết dịch nước ối:
- Dịch chảy ra có màu trắng trong hoặc có chất nhầy hay chút máu
- Nước ối không có mùi
- Thường sẽ thấm ướt quần lót
Còn huyết trắng sẽ có những đặc điểm nhận biết sau đây:
- Thường có màu trắng đục hoặc vàng hay xanh
- Có thể có mùi tanh
- Dịch âm đạo chảy ra cũng có thể thấm ướt quần lót
Vậy cách phân biệt nước ối và nước tiểu như thế nào?
Mặc dù nhiều phụ nữ mang thai bị rò rỉ nước tiểu, đặc biệt là trong tam cá nguyệt thứ ba, nhưng nếu để ý một chút ta có thể dễ phân biệt.
Nước tiểu thường có đặc điểm sau:
- Có màu vàng
- Mùi amoniac khai, còn nước ối không mùi và huyết trắng thì tanh
Một dấu hiệu khác để nhận biết và phân biệt rỉ ối là thai phụ đi tiểu cho bàng quang thật rỗng. Sau đó, lót băng vệ sinh và theo dõi chất lỏng rỉ ra sau 1 tiếng. Nếu thấy có chất lỏng có màu vàng là nước tiểu, còn không có màu là nước ối. Một cách khác là ta dùng giấy quỳ thử. Nếu giấy quỳ tím chuyển màu xanh đen thì đó là nước ối.
Đã phân biệt được nước ối và huyết trắng nhưng chưa tới lúc lâm bồn thì phải làm sao?
Khi đã có câu hỏi này thì chắc hẳn phần nhiều có thể thai phụ bị hiện tượng rỉ ối. Và dưới đây là những việc mẹ nên làm:
- Đến thăm khám kịp thời ở các cơ sở y tế bởi khi ối bị rỉ, màng ối sẽ trở nên mỏng hơn và có nguy cơ vỡ bất cứ lúc nào
- Không nên quan hệ tình dục, ngâm mình trong bồn tắm quá lâu hay thụt rửa âm đạo
- Giữ gìn vệ sinh vùng kín sạch sẽ để phòng tránh viêm nhiễm
- Không nên dùng băng vệ sinh thường xuyên vì sẽ gây viêm nhiễm nặng hơn
Nếu đã xác định đây là nước ối nhưng chưa xuất hiện các cơn co thắt thì phải làm sao?
Điều này có khả năng là hiện tượng lâm bồn sẽ sớm xảy ra thôi. Hầu hết phụ nữ bị vỡ nước ối trước khi chuyển dạ và chỉ cảm nhận được những cơn co thắt đầu tiên trong vòng 12-24 giờ sau đó. Lúc này, mẹ hãy bình tĩnh, thay quần lót, lau cơ thể và lót một miếng băng vệ sinh trong quần lót mới. Sau đó, hãy nhờ người thân đưa đến bệnh viện gần nhất để thăm khám nhé.
Có những kiến thức cơ bản trong thai kỳ là một điều hết sức cần thiết để theo dõi sức khoẻ bản thân. Đồng thời, tránh hoảng loạn một cách vô ích. Nếu có gì còn bối rối, hãy luôn nhớ mẹ luôn có theAsianparent và bác sĩ thai sản bên cạnh nhé.
Xem thêm:
Vào ngay Fanpage của the Asianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!