Cách nấu đồ ăn dặm cho bé 6 tháng đơn giản nhất nhưng vẫn đầy đủ dinh dưỡng luôn là quan tâm của mẹ. Các phương pháp ăn dặm được nhiều mẹ áp dụng gồm có 3 phương pháp phổ biến nhất: ăn dặm truyền thống, ăn dặm kiểu Nhật và Baby Led Weaning (BLW – bé tự chỉ huy).
Cách nấu đồ ăn dặm cho bé 6 tháng phổ biến nhất
Hiện nay có nhiều phương pháp ăn dặm mà các mẹ có thể tham khảo như: ăn dặm kiểu Nhật, ăn dặm truyền thống, ăn dặm kết hợp truyền thống và kiểu Nhật, ăn dặm BLW (Baby Led Weaning – bé tự chỉ huy). Mỗi phương pháp đều có những ưu và nhược điểm riêng, việc lựa chọn cách thức nào sẽ tùy thuộc vào nhu cầu và tình trạng riêng của mỗi gia đình. Tuy nhiên, dù lựa chọn phương pháp nào thì mẹ cũng phải ghi nhớ những nguyên tắc cơ bản sau đây:
Mẹ nên cho bé ăn các thức ăn xay, nghiền nhuyễn. Có thể bắt đầu bằng bột ngũ cốc giàu sắt trộn với sữa mẹ hoặc sữa bột. Khi bé đã bắt đầu quen với việc ăn các chất rắn, mẹ có thể tiếp tục với các loại trái cây và rau quả và thịt nạc.
- Lượng thức ăn dặm: 1 bữa/ngày
- Lượng sữa bột/sữa mẹ: Tùy theo nhu cầu của bé
- Độ mềm của thực phẩm: Nghiền nhuyễn
Thứ tự các loại thực phẩm cho bé ăn:
- Ngũ cốc (Bắt đầu từ cháo trắng nghiền thật nhỏ)
- Rau củ, quả (Cà rốt, khoai tây, khoai lang, bí đỏ, chuối, bơ)
- Thịt lợn, thịt gà nạc
Những dấu hiệu cho thấy bé đã sẵn sàng ăn dặm
Khi mẹ nhận thấy bé yêu nhà mình có những dấu hiệu sau đây chứng tỏ bé đã sẵn sàng bắt đầu ăn dặm:
- Có thể tự ngồi dậy mà không cần sự trợ giúp từ bố mẹ
- Hợp tác ăn, không còn đẩy thức ăn ra khỏi miệng, hay từ chối thức ăn khi mẹ đút ăn.
- Bắt đầu sẵn sàng tập nhai bất kì thứ gì khi mẹ cho vào miệng
- Biết dùng tay để nắm bất cứ cái gì bé thấy và cho vào miệng gặm
- Thích thú và háo hức tham gia vào bữa cơm của gia đình
Thực đơn cho trẻ ăn dặm 6 tháng phương pháp truyền thống
Đây là phương pháp “lâu đời” được nhiều mẹ Việt áp dụng nhất hiện nay. Với cách chế biến các món ăn dặm truyền thống, mẹ sẽ nấu cháo trắng kết hợp chung với các loại thực phẩm như rau, củ, thịt, cá, tôm… Mọi thứ đều được làm nhuyễn bằng cách xay, tán hoặc ray.
Tùy thuộc vào thời gian nhiều hay ít cũng như điều kiện kinh tế mà mẹ có thể chú trọng đến cách chế biến cũng như thành phần. Khi quá bận rộn mẹ sẽ thường nấu chung cháo với thịt và rau rồi xay nhuyễn và đút con ăn. Còn nếu thư thả hơn, cách thức thực hiện sẽ phức tạp hơn một chút chẳng hạn:
- Nấu cháo riêng, chế biến thực phẩm luộc, xào, hấp như thế nào để đảm bảo giữ được nhiều chất
- Thường xuyên thay đổi nhiều loại thực phẩm khác nhau để mang đến sự mới lạ cho bé
Cháo thịt bò măng tây
Nguyên liệu
- Nửa bát cháo trắng
- 1 cây măng tây
- 10g thịt bò
- Dầu ăn (ô liu, dầu mè)
- 1 tép tỏi nhỏ
Cách thực hiện
- Rửa sạch sẽ thực phẩm bằng nước lạnh, măng tây lấy phần non cắt khúc
- Thịt bò băm nhuyễn. Khi đã chuẩn bị xong thì bắt nồi lên bếp cho ít dầu ăn và tỏi vào phi thơm.
- Cho thịt bò, măng tây vào xào đều đến khi chín thì tắt bếp, đợi nguội rồi mang đi xay nhuyễn. (Có thể cho vào cháo xay chung)
- Nấu cháo thật nhuyễn rồi cho hỗn hợp trên vào, dùng đũa khuấy đều vài phút rồi tắt bếp.
- Sau đó múc ra bát và bắt đầu cho bé thưởng thức.
Thực đơn cho bé ăn dặm 6 tháng tuổi kiểu Nhật
Phương pháp này cầu kỳ hơn theo kiểu truyền thống. Do đó, mẹ phải mất khá nhiều công sức cũng như thời gian để chuẩn bị và chế biến. Thay vào đó nếu thành công kết quả sẽ ngoài sức tưởng tượng của mẹ.
Thực phẩm được chế biến riêng biệt không trộn lẫn vào nhau giúp bé nhận biết được mùi vị cũng như mẹ có thể biết bé dị ứng với những gì. Mỗi bữa ăn phải đảm bảo đủ 3 nhóm thực phẩm (tinh bột, đạm và vitamin) và luôn thay đổi nguyên liệu.
Khi mới bắt đầu ăn dặm, món đầu tiên mà bé được ăn chính lá cháo nhuyễn 1:10 (1 gạo : 10 nước) và tỷ lệ này sẽ thay đổi khi bé lớn dần.
Cháo cà rốt
Nguyên liệu
- 2 muỗng cháo trắng khoảng 30ml
- 2 muỗng cà rốt
- Dầu ăn
Cách thực hiện
- Cà rốt rửa sạch, luộc hoặc hấp chín rồi nghiền nhuyễn và rây qua lưới lấy khoảng 10ml
- Sau đó cho vào cháo trắng tán nhuyễn, thêm dầu ăn
Thực đơn ăn dặm cho bé 6 tháng tuổi kiểu tự chỉ huy
Phương pháp ăn dặm khá mới mẻ này bắt nguồn từ các nước phương Tây. Bé sẽ tự ăn theo một cách chủ động và tham gia bữa ăn đầu tiên của mình cùng với gia đình.
Bé ngồi trên ghế ăn và có thể sử dụng hai tay thoải mái, bé tự quyết định lựa chọn các món ăn được bày trên bàn ăn mà không có sự can thiệp của mẹ. Và thời gian kết thúc bữa ăn cũng là do bé quyết định. Thức ăn của bé cũng được mẹ nấu riêng cho từng món nhưng khác với phương pháp truyền thống và kiểu Nhật là bé sẽ ăn ngay thức ăn thô thay vì cháo xay nhuyễn.
Phương pháp ăn dặm bé tự chỉ huy mang đến nhiều lợi ích như giúp bé ăn và phát triển kỹ năng một cách tự nhiên, sử dụng ngón tay, bàn tay và miệng để tìm hiểu về thức ăn. Nhược điểm của phương pháp này là bé sẽ chưa thật sự ăn ngay khi bắt đầu mà đa phần chỉ chơi đùa, bốc quăng ném lung tung.
Điều này làm mẹ sẽ phải mất khá nhiều thời gian để dọn dẹp. Ngoài ra, trẻ còn dễ bị hóc nghẹn khi ăn phải đồ cứng vì vậy mẹ cần đặc biệt quan sát.
Cà rốt hấp
Để khởi động mẹ có thể cho bé ăn món cà rốt hấp. Hãy cắt cà rốt thành từng thanh nhỏ vừa với tay cầm của trẻ. Sau đó luộc hoặc hấp cho đến khi chín nhừ là được.
Thịt gà luộc
Thịt gà sau khi làm sạch mẹ mang đi luộc hoặc hấp cho thật nhừ, xé nhỏ thành từng sợi để cho bé dễ cầm.
Cách nấu đồ ăn dặm cho bé 6 tháng có rất nhiều phương pháp để mẹ chọn lựa. Tuy nhiên, mẹ cần lưu ý về vệ sinh thực phẩm vì tỷ lệ rối loạn tiêu hóa cao nhất ở lứa tuổi trẻ ăn dặm. Ngoài ra, mẹ cần chú ý rửa và giữ sạch dụng cụ làm bếp và bát đũa khi chuẩn bị thức ăn cho trẻ, cần cho trẻ ăn trong vòng hai giờ sau khi nấu.
Xem thêm:
Vào ngay Fanpage của the Asianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!