Khi bé bắt đầu chuyển từ bú sữa sang ăn dặm, mẹ hẳn lo âu không biết cách cho bé ăn dặm thế nào mới hiệu quả. Phương pháp không phù hợp sẽ khiến bé lười ăn, khó hấp thu chất dinh dưỡng.
Khi nào nên bắt đầu cho bé ăn dặm?
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo mẹ chỉ nên bắt đầu cho bé ăn dặm từ khi được tròn 6 tháng tuổi, vì lúc này hệ tiêu hóa của bé lúc này mới phát triển tương đối hoàn chỉnh để có thể hấp thu những thực phẩm đặc và phức tạp hơn sữa mẹ.
Từ 6 tháng tuổi năng lượng từ sữa mẹ chỉ đủ cung cấp khoảng 450kcal/ngày, trong khi đó giai đoạn này trẻ cần khoảng gần 700kcal/ngày. Một lý do nữa cần ăn dặm là do từ 6 tháng tuổi, lượng sắt dự trữ không còn, do vậy trẻ sẽ thiếu sắt nếu chỉ lấy từ nguồn sữa mẹ, do vậy thức ăn bổ sung sẽ là nguồn cung cấp đủ lượng sắt cần thiết để bù đắp khoảng thiếu hụt đó.
Cách cho bé ăn dặm đúng cách và hiệu quả
Cho bé ăn dặm từ loãng đến đặc; từ vị ngọt tới vị mặn
- Từ vị ngọt đến vị mặn: Trong 6 tháng đầu đời, bé chỉ biết loại thức ăn duy nhất là sữa mẹ. Do đó, ở giai đoạn đầu của hành trình ăn dặm, mẹ nên dành thời gian cho bộ máy tiêu hóa của bé thích nghi dần bằng cách cho bé ăn dặm từ các món có vị ngọt trước nhé. Chẳng hạn như bột ngọt có vị sữa, bé sẽ dễ đón nhận món mới hơn nhờ có hương vị sữa quen thuộc. Sau đó, mẹ có thể cho bé chuyển sang các loại bột có vị mặn như thịt, cá…
- Từ bột loãng đến bột đặc: Do dạ dày của bé cần thời gian thích nghi với thực phẩm mới ngoài sữa mẹ, nên mẹ đừng quên nguyên tắc cho bé ăn từ loãng đến đặc nhé.
Cho bé ăn đủ chất
Bé sẽ không thể phát triển tốt nếu chỉ ăn nhiều mà không được cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể. Để bé phát triển tốt, khi bé bắt đầu ăn dặm mẹ vẫn cho bé bú sữa mẹ hàng ngày ít nhất 3-4 lần/ngày và ăn dặm 2-3 bữa/ngày rồi tăng dần lên. Thực đơn ăn dặm cho bé phải được cung cấp đầy đủ các nhóm dinh dưỡng cung cấp bột đường, nhóm đạm, nhóm chất béo, nhóm chất xơ và vitamin như sau:
- Nhóm bột đường: gạo, nếp, bột mì, bánh mì, mì, nui, bún, phở, hủ tiếu, khoai, bắp.
- Nhóm đạm: nguồn động vật như thịt, cá, trứng, sữa, tôm tép, lươn…; nguồn thực vật như đậu nành, các sản phẩm chế biến từ đậu nành và các loại đậu đỗ khác.
- Nhóm béo: dầu, mỡ, bơ, hạt có dầu.
- Nhóm vitamin và chất khoáng: rau củ, trái cây các loại.
Tránh tối đa nêm mắm, muối
Nhiều mẹ nghĩ rằng thêm mắm, muối sẽ giúp bé nhận biết được vị mặn, ngọt sớm hơn. Kích thích vị giác của bé khi ăn. Nhưng bé còn nhỏ, việc thêm mắm muối vào đồ ăn dặm sẽ có thể khiến thận của bé hoạt động quá tải, không tốt cho sức khỏe của bé. Do đó, cần tránh tối đa nêm mắm, muối, gia vị vào món ăn dặm của bé.
Không ép bé ăn
Khi mới tập ăn, nếu bé đã “tỏ thái độ” không muốn ăn, mẹ không nên ép bé ăn. Thay vào đó có thể cho bé bú nhiều hơn. Nhiều mẹ vì muốn bé ăn nhiều nên thậm chí ép buộc bé ăn dặm. Điều này hoàn toàn sai lầm.
Trước tiên là vì đây vẫn là giai đoạn ăn dặm, nghĩa là chỉ bổ sung thực phẩm mới bên cạnh sữa – thức ăn chính của bé. Tiếp đó, việc bị ép buộc ăn có thể khiến bé hình thành tâm lý tiêu cực với ăn uống. Làm bé sợ ăn hãi việc ăn dặm. Đây chính là một trong những nguyên nhân chủ yếu khiến bé biếng ăn nên mẹ hãy thật lưu ý nhé.
Cho bé ăn thức ăn mềm, đa dạng
Khi bé mới bắt đầu vào quá trình ăn dặm, mẹ nên chế biến đồ ăn dặm cho bé mềm, loãng để bé dễ tiêu hóa và chia ăn dặm thành các bữa nhỏ trong ngày. Tránh cho trẻ ăn những thức ăn thô nguyên hạt như ngô, khoai môn, bột sắn,..sẽ khiến trẻ khó tiêu hóa thức ăn và khó hấp thu năng lượng.
Bổ sung dầu, mỡ vào đồ ăn dặm của bé
Nhiều mẹ thường hạn chế hoặc không cho dầu, mỡ vào đồ ăn dặm của bé. Thực tế các loại dầu ăn từ thực vật như dầu olive lại giàu năng lượng và dễ dàng hòa tan các chất khác trong cơ thể như canxi, vitamin.
Hy vọng với cách cho bé ăn dặm như hướng dẫn trên đây, con yêu của bạn sẽ luôn hợp tác cùng mẹ và hay ăn chóng lớn nhé!
Xem thêm
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!