Sốt mọc răng khác với các loại sốt thông thường nên mẹ cần nhận biết các dấu hiệu đặc trưng để có cách hạ sốt cho trẻ mọc răng phù hợp nhé.
Trẻ bắt đầu mọc răng ở độ tuổi nào?
Chiếc răng đầu tiên của trẻ nhỏ thường là răng cửa dưới và chúng sẽ bắt đầu mọc lên khi con được 4 – 7 tháng tuổi. Sau đó, trẻ sẽ tiếp mọc răng cửa trên và răng hai bên hàm. Một số trường hợp trẻ mọc răng sớm hơn hay trễ hơn khoảng thời gian này cũng là điều hết sức bình thường. Thậm chí có trẻ vừa sinh ra đã có sẵn 1 – 2 chiếc răng. Việc này không ảnh hưởng gì đến sức khỏe và sự phát triển của con.
Chỉ khi đã hơn 18 tháng mà răng trẻ vẫn chưa mọc thì mới đáng lo ngại, lúc này mẹ cần đưa con đi khám để tìm hiểu nguyên nhân và điều trị kịp thời.
Dấu hiệu nhận biết trẻ sốt mọc răng
Nhìn chung, trẻ sốt mọc răng cũng có những biểu hiện giống với trẻ bị sốt thường như:
- Quấy khóc thường xuyên
- Cơ thể lừ đừ, mệt mỏi
- Lười ăn, bỏ bú, sụt cân
Ngoài ra, trẻ sốt mọc răng sẽ có những dấu hiệu nhận biết riêng như:
- Chảy nhiều nước dãi
- Thích kéo tai
- Có thói quen gặm, cắn, nhai các đồ vật xung quanh do nướu răng bị ngứa
- Nướu răng có biểu hiện sưng đỏ
- Khó ngủ, ít ngủ
- Sốt nhẹ, nhiệt độ không quá cao
Cách hạ sốt cho trẻ mọc răng
Nhiều mẹ cho rằng cách hạ sốt cho trẻ mọc răng tốt nhất là dùng thuốc hạ sốt. Tuy nhiên đó chỉ là khi trẻ sốt quá cao (trên 38 độ C) thì mới mẹ mới cần cho bé dùng thuốc hạ sốt theo chỉ định của bác sĩ. Còn đối với sốt do mọc răng, thông thường trẻ chỉ sốt dưới 38 độ C, do đó mẹ không cần cho con uống thuốc. Cách hạ sốt cho trẻ mọc răng tốt nhất là hãy áp dụng các phương pháp sau đây:
1. Bổ sung nhiều nước cho trẻ
Cơ thể trẻ thường mất rất nhiều nước khi sốt nên mẹ cần bổ sung đủ nước cho con để con cảm thấy thoải mái, dễ chịu, bớt cảm giác mệt mỏi, uể oải. Mẹ có thể cho con bú sữa, uống nước lọc, uống oresol hoặc nước hoa quả đều được.
Trường hợp bé không uống được nước, mẹ gắng đút cho bé ít nước vào miệng để môi bé không bị khô và cũng tránh được tình trạng mất nước.
2. Lau mát cho trẻ
Một trong những cách hạ sốt cho trẻ mọc răng nhanh chóng và hiệu quả nhất đó là lau mát cho trẻ. Cách thực hiện rất đơn giản: Mẹ dùng khăn thấm nước ấm (tránh dùng nước quá lạnh hay nước quá nóng), vắt khô sau đó lau lên khắp người trẻ để hạ thân nhiệt, ngoài ra mẹ cũng có thể đắp khăn lên trán để trẻ nhanh hạ sốt. Sau khi lau người xong, mẹ cho trẻ mặc quần áo thoáng mát, thấm hút mồ hôi để con được thoải mái.
3. Cho bé ăn/bú đầy đủ
Trường hợp bé còn bú mẹ, hãy tăng cữ bú cho con nhiều hơn thường ngày. Nếu bé không bú được, mẹ hãy vắt sữa và đút cho con bú bằng thìa.
Nếu bé đã ăn dặm, mẹ có thể cho con nhâm nhi bánh quy mềm, loại ít đường, khi kết hợp với nước, bột sẽ tan ra và giúp bé đỡ đau hơn. Cho bé ăn chuối cũng là cách giúp xoa dịu vùng lợi, giảm sưng, giảm đau cho bé.
Những điều nên tránh khi chăm sóc trẻ mọc răng
1. Chườm hạ sốt cho bé bằng đá lạnh
Nhiều mẹ cho rằng đá lạnh sẽ giúp bé hạ thân nhiệt nhanh nhất, tuy nhiên, cách này sẽ khiến tình trạng sốt ở bé tồi tệ hơn do các mạch máu bị co lại. Đồng thời, đá lạnh cũng khiến bé rất dễ bị viêm phổi.
2. Dùng rượu (cồn) lau người cho bé
Rượu hoặc cồn khi lau lên người thường tạo cảm giác mát lạnh nên mẹ nghĩ chúng sẽ giúp con hạ sốt? Hoàn toàn sai mẹ nhé. Đây là cách làm vô cùng nguy hiểm do rượu khi bốc hơi có thể khiến bé ngộ độc.
3. Quấn bé quá ấm
Mẹ không nên ủ ấm hay đắp chăn quá kín khi bé bị sốt. Tốt nhất mẹ chỉ nên mặc quần áo mỏng, thoáng và đắp vỏ chăn mỏng cho bé nếu thời tiết lạnh. Còn nếu thời tiết nóng, mẹ nên mở cửa sổ phòng để không khí lưu thông, tránh khiến bé bị ngộp. Ngược lại, mẹ cũng không nên đưa bé ra ngoài trời để tránh cho bé bị thay đổi thân nhiệt đột ngột.
4. Hạ sốt bằng cách vắt chanh vào miệng bé
Nhiều mẹ truyền tai nhau cách vắt chanh vào miệng để hạ sốt cho bé. Tuy nhiên, cách này vừa không hiệu quả, lại còn có thể làm rộp (bỏng) da miệng của bé do chanh có tính axit rất cao.
Khi nào cần đưa bé đi khám bác sĩ?
Trẻ sốt mọc răng thường chỉ kéo dài trong vài ngày là sẽ tự hết. Trường hợp mẹ đã thực hiện các cách hạ sốt kể trên mà bé vẫn sốt cao liên tục, kéo dài trong nhiều ngày, đồng thời kèm theo các triệu chứng bất thường khác như nôn mửa, co giật,… thì mẹ cũng đừng tự ý cho trẻ uống thuốc mẹ nhé. Có thể bé sốt không phải do mọc răng mà do những bệnh lý khác nên mẹ hãy đưa con đến bác sĩ ngay để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Vừa rồi là những cách hạ sốt cho trẻ mọc răng. Mọc răng và bị sốt là giai đoạn mà bất kỳ bé nào cũng phải trải qua trong đời. Bé sẽ ổn hơn trong vài ngày tới thôi nên mẹ cũng đừng lo lắng quá nhé.
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!