Cách chữa bệnh thủy đậu ở trẻ em để con chóng khỏi là bố mẹ cần nắm vững cách chăm sóc vệ sinh thân thể cho bé, kết hợp bôi thuốc và ăn uống phù hợp.
Thủy đậu ở trẻ em có khó chữa không?
Thủy đậu thuộc nhóm bệnh truyền nhiễm trên da được gây ra bởi vi rút Varicella Zoster. Bệnh thường xuất hiện vào mùa xuân ở đối tượng chủ yếu là trẻ nhỏ dưới 10 tuổi.
Khi trẻ bị thủy đậu cần được phát hiện sớm nhằm cách ly và có hướng chăm sóc đúng cách tránh những biến chứng của bệnh. Bệnh thường lành tính nhưng đôi khi gây ra những biến chứng nguy hiểm như viêm màng não, xuất huyết, nhiễm trùng huyết, nhiễm trùng nốt rạ, viêm mô tế bào, viêm gan,… thậm chí tử vong.
Vì vậy, để việc điều trị cho trẻ bị thủy đậu đạt hiệu quả cần kết hợp với một chế độ chăm sóc đúng cách.
Cách chữa bệnh thủy đậu ở trẻ em bố mẹ cần nắm vững
Chăm sóc bé đúng cách là yếu tố quan trọng quyết định tới việc bé sẽ khỏi bệnh nhanh hay chậm cũng như giúp phòng ngừa các biến chứng nguy hiểm của bệnh.
1. Nguyên tắc vệ sinh an toàn khi chăm sóc trẻ bị thủy đậu
Trẻ em bị bệnh thủy đậu cần nằm phòng cách ly áp lực âm để ngăn ngừa lây nhiễm cho người lành. Sau khi xuất viện vẫn cần được cách ly đến khi khỏi bệnh hẳn.
Người chăm sóc trẻ nên đeo khẩu trang N95 (đối với người chưa mắc thủy đậu) và đeo khẩu trang ngoại khoa (đối với người có tiền sử mắc bệnh hay đã tiêm ngừa thủy đậu).
Khi đưa trẻ đến khám chuyên khoa hoặc thực hiện các thăm dò cũng cần đeo khẩu trang cho bé. Ngoài ra cần vệ sinh trước và sau khi chăm sóc cho bé.
Tuyệt đối không cho trẻ gãi khiến mụn nước và vây mủ ra vùng da lân cận. Tốt nhất nên cho trẻ đeo bao tay vải hoặc cắt móng tay sạch sẽ cho trẻ để tránh tác động vào mụn nước.
2. Bôi thuốc cho trẻ – Cách chữa bệnh thủy đậu ở trẻ em
Loại thuốc bôi thường được sử dụng khi bị thủy đậu là methylen. Tuy nhiên theo các bác sĩ, bố mẹ chỉ bôi xanh methylen khi nốt phỏng nước của bệnh thủy đậu bị vỡ, lúc này việc chấm trực tiếp thuốc xanh methylen vào nốt vỡ làm se nốt và ngừa bội nhiễm vi khuẩn, sát trùng để nốt phỏng nước khô nhanh.
Khi các nốt mụn nước bước sang giai đoạn lành, người bệnh có thể sử dụng các loại thuốc bôi như: Madecassol, Cicaplast, Curiosin… với mục đích làm kích thích tăng sinh liên kết collagen dưới da, tăng khả năng đàn hồi và làm lành vết thương mà không để lại sẹo.
3. Cho trẻ uống thuốc như thế nào?
Khi bị thủy đậu, trẻ có thể bị sốt. Với trường hợp bé sốt cao, cần cho uống thuốc hạ nhiệt như paracetamol…; uống thuốc an thần chống co giật; chống ngứa bằng các thuốc kháng histamin. Khi có bội nhiễm, dùng kháng sinh thích hợp.
4. Trẻ bị thủy đậu nên ăn gì?
Khi bị thủy đậu, trẻ nên được sử dụng các thực phẩm lành tính, ít chất đạm, thức ăn dưới dạng lỏng và dễ tiêu hóa như cháo đậu xanh, cháo củ năng kết hợp với ý dĩ, lá tre non, cháo gạo lứt, măng tây, chuối, đậu xanh, đậu đỏ, khoai tây, cà rốt,…. hoặc các loại rau như rau ngót, rau sam, mướp đắng, cải thảo.
Tăng cường cho bé uống nước và ăn các loại súp rau củ quả giúp trẻ có thêm sức đề kháng, nhờ đó bé sẽ mau khỏi bệnh hơn.
5. Đưa bé đi khám sớm
Bệnh thủy đậu là bệnh lý tuy không qua nguy hiểm nhưng có thể để lại biến chứng nếu như không được thăm khám và chăm sóc tốt. Vì thế khi trẻ có dấu hiệu mắc bệnh thủy đậu thì các bậc cha mẹ cần sớm đưa trẻ đến các cơ sở y tế, bệnh viện chuyên khoa để thăm khám và điều trị.
Đồng thời bố mẹ đừng quên đưa bé đi tiêm vắc xin theo đúng chỉ dẫn lịch tiêm phòng cho trẻ trong những năm đầu đời.
Xem thêm:
Vào ngay Fanpage của theAsianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!