Sau khi sinh, do sự thay đổi nội tiết tố đột ngột, các mẹ thường dễ mắc chứng trầm cảm. Nếu không nhận được sự quan tâm của người thân, tình trạng này sẽ ngày càng trầm trọng, gây nguy hiểm cho cả mẹ và con yêu. Trong bài viết này, The Asian Parent sẽ cùng bạn tìm hiểu các dạng trầm cảm sau sinh mà phụ nữ hiện đại dễ mắc phải nhé.
Trầm cảm sau sinh là gì?
Nói một cách dễ hiểu, trầm cảm sau sinh là tình trạng mẹ bị rối loạn cảm xúc hoặc có những suy nghĩ tiêu cực, cảm thấy buồn chán, mệt mỏi và mất hi vọng vào cuộc sống. Tình trạng này có thể ở mức nhẹ, vừa hay nặng tùy vào sự quan tâm của mẹ nhận được từ những người xung quanh. Nếu không có biện pháp can thiệp kịp thời, mẹ dễ làm tổn thương bản thân và thiên thần nhỏ của chính mình.
Theo các chuyên gia tâm lý, cơ thể sau khi sinh của phái đẹp thường có một số sự thay đổi đột ngột về nội tiết tố. Chính điều này dẫn đến tình trạng mệt mỏi, lo sợ, hoang mang ở mẹ. Thêm vào đó, thể tích máu, hệ miễn dịch, huyết áp đều biến đổi nên dẫn đến sự bất ổn trong cảm xúc.
Thông thường, các dấu hiệu trầm cảm ban đầu của mẹ không được gia đình chú ý và quan tâm, khi xảy ra những sự việc đau lòng thì đã muộn. Tình trạng này của phái yếu sẽ càng trầm trọng hơn khi mẹ gặp khó khăn trong việc chăm sóc con, trong khi đó gia đình lại bỏ mặc hoặc đang gặp sự khó khăn về tài chính.
Những yếu tố làm tăng nguy cơ trầm cảm sau sinh
Thông thường, phụ nữ sau sinh rất dễ đối mặt với chứng trầm cảm. Tình trạng này ở mức độ nặng hay nhẹ đều tùy thuộc vào sự quan tâm của những người xung quanh và chính từ nỗ lực của bản thân người mẹ. Một số nguy cơ dưới đây có khả năng làm chứng trầm cảm sau sinh nặng nề hơn:
- Mẹ từng bị tiền sử trầm cảm vào những thời điểm trước đó
- Từng bị rối loạn lưỡng cực
- Từng bị trầm cảm từ lần mang thai trước
- Các thành viên trong gia đình bị trầm cảm hay có tâm trạng bất ổn
- Từng sẩy thai
- Gặp khó khăn khi cho con bú
- Không có người hỗ trợ chăm sóc con
- Gặp rắc rối trong mối quan hệ như với chồng, mẹ chồng…
- Gia đình đang trong giai đoạn khó khăn về tài chính
- Mang thai ngoài ý muốn
Các dạng trầm cảm sau sinh
Trầm cảm nhẹ (The baby blues)
The baby blues sẽ ảnh hưởng đến 70-85% phụ nữ sau sinh. Thông thường, tình trạng này sẽ xuất hiện trong khoảng 3 ngày sau sinh và có khả năng kéo dài đến 14 ngày. Một số mẹ cho biết the baby blues là những cảm xúc buồn bã, không vui với mức độ thấp. Nếu nhận được sự quan tâm từ người bạn đời, những triệu chứng này sẽ tự biến mất mà không cần điều trị.
- Tâm trạng vui buồn thất thường
- Cảm thấy bất an, cáu kỉnh
- Lo âu
- Cảm thấy tủi thân, bị coi thường, không xứng đáng làm mẹ
- Giảm tập trung
- Khó vào giấc, ngủ không sâu
Trầm cảm sau sinh (Postpartum Depression- PPD)
PPD là tình trạng nặng hơn The baby blues, thường kéo dài hơn 2 tuần. Thông thường, cứ 100 mẹ sẽ có khoảng 10 mẹ phải đối mặt với PPD trong vòng một vài năm sau sinh. Tình trạng này có khả năng kéo dài hàng tháng đến hàng năm, thâm chí là lâu hơn. Nếu không được chữa trị kịp thời, chứng PPD có thể gây ảnh hưởng xấu đến việc chăm sóc con của mẹ.
- Mất ngủ
- Không thèm ăn uống
- Thường xuyên giận dữ và cáu kỉnh
- Mất hứng thú trong chuyện chăn gối
- Cảm thấy tự ti, mặc cảm
- Tâm trạng thất thường rõ rệt như từ trầm cảm nặng nề đến phấn chấn hoan hỉ
- Không thích gần gũi và chăm sóc con
- Tự tách biệt khỏi gia đình và bạn bè
- Có ý nghĩ làm hại bản thân và con
Trầm cảm loạn thần (Postpartum psychosis – PPP)
Postpartum psychosis – PPP là tình trạng rất hiếm gặp. Chứng trầm cảm này thường xuất hiện trong khoảng 4 tuần sau sinh nhưng một vài trường hợp lại bắt đầu sớm hơn từ tuần thứ 2 sau sinh. Khi mắc phải PPP, mẹ cần được đưa đến các bác sĩ tâm lý để chuẩn đoán và chữa trị. Thông thường, người mắc chứng trầm cảm loạn thần sau sinh rất dễ suy nhược cơ thể và có hành vi nguy hiểm.
- Bị hoang tưởng
- Gặp ảo giác
- Tuyệt vọng, mất niềm tin vào cuộc sống
- Thay đổi tính tình rất nhanh
- Mất khả năng kiểm soát hành vi như làm hại bản thân, em bé, người xung quanh…
Mức độ nặng nhẹ của các dạng trầm cảm sau sinh ở trên sẽ tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe và tinh thần của mỗi mẹ. Vì thế, trước khi sinh, bạn nên giữ tâm trạng thật vui vẻ, thoải mái. Nếu có thể, bạn hãy chuyển về nhà mẹ ruột để được chăm sóc chu đáo nhé.
Xem thêm:
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!