Bụng bầu qua các tuần thai đều có sự thay đổi. Nhiều mẹ thắc mắc sao bầu đã qua 3 tháng đầu mà không thấy bụng, hoặc liệu bụng bầu nhỏ có sao không. Hình dáng bụng ở mỗi mẹ là khác nhau, không ai giống ai. Do đó mẹ bầu không cần quá lo lắng nếu bụng của mình có kích thước nhỏ hay to hơn so với người khác. Đây là những nội dung mà bạn sẽ có được trong bài viết này:
- Theo dõi bụng mẹ bầu qua các tuần trong tam cá nguyệt đầu tiên
- Bụng bầu sẽ như thế nào vào tam cá nguyệt thứ 2?
- Theo dõi bụng bầu qua các tuần ở tam cá nguyệt thứ 3
- Mẹ bầu tăng bao nhiêu kg qua từng giai đoạn?
- 1 số sự thật thú vị về kích thước bụng bầu
Theo dõi bụng bầu qua các tuần trong tam cá nguyệt đầu tiên
Ngay khi đậu thai thì lượng nước ối đã bắt đầu được tạo thành và có sự thay đổi liên tục trong suốt thai kỳ. Đặc biệt, lượng nước ối sản sinh rất nhiều trong giai đoạn đầu thai kỳ. Ít người biết rằng ngay sau khi đậu thai thì kích thước bụng của mẹ đã có sự thay đổi rõ rệt.
Tuy nhiên, thời điểm bụng bầu nhô lên và có thể nhìn rõ là khác biệt ở mỗi bà bầu. Bụng bầu có thể tăng kích thước từ tam cá nguyệt thứ 2. Tuy nhiên cũng có trường hợp mẹ thấy bụng nhô lên ngay từ tam cá nguyệt đầu tiên. Đó là do nước ối tăng lên nhanh và hơi trong bụng mẹ cũng nhiều hơn.
Bụng bầu trong tam cá nguyệt đầu tiên trông như thế nào?
Tam cá nguyệt đầu tiên tức 12 tuần đầu của thai nhi là khoảng thời gian rất khó khăn đối với hầu hết thai phụ. Đặc biệt là những bạn mới lần đầu mang thai, sự khó khăn ấy sẽ tăng lên gấp bội.
Tuần thứ 12 của tam cá nguyệt đầu sẽ là một cột mốc đáng nhớ trong quá trình mang thai của bạn. Tùy vào cơ địa, vóc dáng cũng như sự phát triển của thai nhi mà bụng bầu của mỗi mẹ bầu sẽ có kích thước khác nhau, không ai giống ai. Để nhìn rõ sự khác biệt đó, mời bạn xem ngay hình ảnh vào 12 tuần đầu tiên của các mẹ bầu bên dưới:
Nhìn chung, đến tháng thứ 3 tức là khoảng tuần 12 của thai kỳ, các mẹ có thể nhận thấy bụng hơi lúp lúp. Tuy nhiên, việc thấy bụng hay không còn tùy thuộc vào cách ăn mặc. Nếu khéo léo chọn đồ hợp vóc dáng đôi khi mẹ bầu còn bị hiểu lầm là vẫn chưa mang thai.
Cần lưu ý gì khi theo dõi bụng bầu qua các tuần trong tam cá nguyệt đầu?
Trong 12 tuần đầu mẹ cần ăn uống cẩn thận, giữ gìn sức khỏe bởi vì hết tuần thứ 12, bé hầu như đã có gần như đầy đủ các cơ quan trọng. Đặc biệt trong tam cá nguyệt đầu, mẹ bầu sẽ xuất hiện những cơn ốm nghén bắt đầu vào khoảng tuần thứ 6-8, tình trạng này sẽ biến mất sau khoảng 14 tuần mang thai, tức là rơi vào tam cá nguyệt thứ hai.
Bạn có thể chưa biết:
Bụng bầu sẽ như thế nào vào tam cá nguyệt thứ hai?
Tam cá nguyệt thứ 2 được tính từ tuần thứ 14 đến 27 thai kỳ. Nếu hết tam cá nguyệt đầu mà mẹ vẫn chưa thấy bụng đâu thì đừng lo nha. Bởi vì chỉ cần bước qua tam cá nguyệt thứ hai, vào tuần 16 đến 20, bụng sẽ dần dần nhô lên rất rõ. Việc ăn uống, nghỉ ngơi cũng trở nên dễ chịu hơn, chị em bắt đầu có cảm giác thèm ăn, ăn ngon miệng và dần dần tăng cân.
Tuần 16 đến tuần 20
Khoảng tuần 16 đến 20 là bố mẹ đã có thể biết được giới tính của bé. Hết tuần thứ 20, chân tay của bé đã hình thành đầy đủ, thậm chí có thể di chuyển và vận động các khớp ngay trong bụng mẹ rồi. Khứu giác, thị giác, xúc giác, vị giác và thính giác đang tiếp tục phát triển, bé có thể nghe được giọng nói của mẹ. Sẽ rất tuyệt nếu như ba mẹ thường xuyên nói chuyện hoặc hát cho bé nghe đó!
Tuần 21 đến 27
Trong giai đoạn này bé tập trung hoàn thiện các cơ quan thính thính giác, thị giác, khứu giác, xúc giác. Bên cạnh đó làn da nhăn nheo của bé như khi mẹ nhìn thấy lúc siêu âm cũng đang bắt đầu được làm đầy bằng mỡ, khiến bé trông giống trẻ sơ sinh hơn. Đặc biệt, tóc của bé đang bắt đầu mọc lên.
Cần lưu ý gì ở tam cá nguyệt thứ hai?
Ở tam cá nguyệt thứ hai, lúc mẹ bầu đã quen với việc mang thai, bụng bầu qua các tuần cũng dần ổn định, thai nhi bước vào quá trình phát triển. Tuy nhiên, mẹ không nên chủ quan, bước vào 3 tháng giữa thai kỳ, vẫn có những yếu tố rình rập gây tác động xấu đến mẹ và thai nhi như nhau tiền đạo, bong nhau non, vỡ ối non, tiền sản giật, thai lưu… Vì thế, chúng ta cần hết sức thận trọng, nên đến bác sĩ thường xuyên để theo dõi thai nhi.
Bên cạnh đó, mỗi lần đi khám thai, bác sĩ cũng sẽ đưa ra các chuẩn đoán và đánh giá về kích thước bụng bầu ở các giai đoạn. Một khi kết quả chuẩn đoán hay quan sát thấy kích bụng bầu của mẹ phát triển chưa đúng như dự kiến (quá nhỏ) thì bác sĩ sản khoa có thể đề nghị làm siêu âm hoặc các kiểm tra khác nhằm đảm bảo thai nhi phát triển bình thường.
Theo dõi bụng bầu qua các tuần ở tam cá nguyệt thứ 3
Đây là giai đoạn cực kỳ quan trọng, kéo dài từ tuần thứ 28 cho đến hết thai kỳ. Lúc này, mẹ đã cảm nhận được rất rõ sự hiện diện và các chuyển động của bé. Một thay đổi nhỏ hay một quyết định sai lầm trong thời gian này có thể làm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của cả hai mẹ con, cho nên mẹ hãy luôn cẩn thận nhé!
Bụng bầu tam cá nguyệt thứ 3 trông như thế nào?
Tam cá nguyệt thứ 3 cũng là lúc mẹ cảm nhận rõ nhất sự thay đổi bụng bầu qua các tuần. Càng gần “về đích” cơ thể mẹ càng trở nên “xồ xề” và nặng nề hơn. Mẹ cần dành thời gian để sắp xếp hết những việc dang dở, lên danh sách những việc quan trọng cần làm để sẵn sàng đón bé chào đời bất cứ lúc nào.
Một số lưu ý cho mẹ bầu mang thai ở tam cá nguyệt thứ 3
Những điều mẹ không nên làm:
- Ăn thực phẩm sống
- Vận động mạnh
- Uống nước có gas
- Tùy tiện uống thuốc
- Ăn quá no, quá nhiều trong một bữa
- Ăn thức ăn có nhiều gia vị và dầu mỡ
Những điều mẹ nên làm:
- Uống đủ nước
- Thường xuyên đi bác sĩ thăm khám để biết chính xác tình hình của mẹ lẫn bé
- Học cách đếm số lần đạp trong bụng để biết tình hình sức khỏe của con và có biện pháp can thiệp kịp thời nếu tình huống không tốt xảy ra
Bạn có thể chưa biết:
Mẹ tăng cân thế nào khi mang thai?
Thông thường, mẹ bầu sẽ tăng trung bình 11kg đến 18kg trong suốt thai kỳ.
- Nếu sức khỏe mẹ không ổn, hoặc cơ địa không tăng cân thì có thể sẽ ít tăng cân
- Mẹ mang đa thai hoặc cơ thể dễ hấp thụ chất dinh dưỡng thì cân nặng sẽ tăng nhiều hơn.
Mẹ nên nhớ rằng trọng lượng của bụng bầu không phụ thuộc và cũng không trực tiếp quyết định đến cân nặng và sức khỏe của bé. Vì vậy, không nên quá lo lắng nếu như thấy bụng của mình đang to hơn hoặc nhỏ hơn so với các mẹ bầu khác. Tốt nhất vẫn là nên chăm chỉ đến bác sĩ để biết được thông tin chính xác về bé.
1 số sự thật bất ngờ về kích thước bụng bầu
- Kích thước bụng bầu thay đổi theo sự phát triển của thai nhi. Từ 3 tháng giữa trở đi, em bé sẽ di chuyển liên tục, đến gần những tháng cuối em bé sẽ chuẩn bị quay đầu trong khi lưng di chuyển từ bên này sang bên kia thành bụng
- Lượng nước ối cũng ảnh hưởng đến kích thước bụng bầu. Thể tích nước ối tăng từ 50ml ở 4-8 tuần lên đến 1000ml ở tháng cuối làm kích thước và hình ảnh bụng bầu qua các tháng cũng thay đổi đáng kể
- Nhiều mẹ bầu chỉ nhìn thấy bụng tăng kích thước từ tam cá nguyệt thứ 2 trong khi 1 số chị em đã có bụng bầu ngay từ 3 tháng đầu tiên
- Cha mẹ có chiều cao lý tưởng thì thai nhi sẽ dài hơn, nếu không thì thai nhi sẽ nhỏ hơn và kích thước bụng bầu cũng nhỏ gọn hơn
- Kích thước bụng bầu không liên quan đến giới tính thai nhi: Kích thước và hình dáng bụng bầu phụ thuộc vào cùng cơ bụng vào chiều cao của bạn. Nếu như mẹ bầu có chiều cao vượt trội, bụng bầu sẽ ở vị trí nhô cao. Những mẹ bầu có chiều cao khiêm tôn thì bụng bầu sẽ bè sang hai bên.
Kết luận
Mẹ đã biết kích thước bụng bầu qua các tuần như thế nào. Hãy cứ là một bà bầu vui vẻ, tự tin, đừng khiến việc mang thai làm bạn trở nên cau có và mệt mỏi. Luôn ăn uống đủ chất, theo dõi bé thường xuyên kết hợp tập luyện nhẹ nhàng trong suốt thai kỳ để mẹ và con đều khỏe mạnh nhé. Sẽ rất tuyệt nếu như trong giai đoạn mang thai mẹ bầu chụp lại ảnh bụng bầu qua các tuần để làm kỷ niệm đó. Chắc chắn các bức ảnh này sẽ là những khoảnh khắc bạn không bao giờ quên!
Xem thêm:
Vào ngay Fanpage của theAsianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!