Động thai (dọa sảy) là hiện tượng nhiều mẹ bầu gặp phải trong quá trình mang thai dù không mong muốn. Bài viết sau đây sẽ giúp mẹ nhận biết các biểu hiện bị động thai trong từng tam cá nguyệt để có thể can thiệp kịp thời, đảm bảo an toàn cho cả mẹ và thai nhi.
Thế nào là động thai?
Động thai là 1 dấu hiệu tiêu biểu của tình trạng dọa sảy, đe dọa đến tính mạng của thai nhi với sự xuất hiện của máu có màu đỏ hoặc màu đen, lẫn dịch nhầy kèm theo tình trạng mỏi vai, đau bụng, bụng dưới trương lên. Động thai thường xảy ra ở tam cá nguyệt thứ nhất và thứ hai. Nó có thể xuất hiện không rõ nguyên nhân hoặc do 1 vài bất cẩn của mẹ trong ăn uống, vận động.
Khi bị động thai, thai nhi vẫn còn sống. Cổ tử cung lúc này vẫn đóng kín hoặc mở nhưng thai nhi vẫn chưa bị sổ ra ngoài mà nằm trong buồng tử cung. Chính vì vậy, mẹ bầu cần nắm rõ các biểu hiện bị động thai để có thể xử lý kịp thời.
Biểu hiện bị động thai trong tam cá nguyệt đầu tiên
Đây là thời điểm vô cùng quan trọng đối với các mẹ bầu vì thai nhi đang trong thời gian hình thành. Bất cứ 1 dấu hiệu bất thường nào cũng đều có thể cảnh báo thai nhi đang gặp tình trạng nguy hiểm.
Hiện tượng ra máu
Biểu hiện bị động thai dễ gây nhầm lẫn nhất trong 3 tháng đầu thai kỳ là hiện tượng ra máu. Khi vừa mới thụ thai, các mẹ sẽ chảy máu nhẹ ở âm đạo do sự thay đổi ở cổ tử cung, đây được xem là 1 trong những dấu hiệu mang thai sớm.
Cũng chính vì vậy, nhiều trường hợp động thai đã không được nhận biết gây ra hậu quả đáng tiếc. Vì thế, nếu thấy hiện tượng bị chảy máu âm đạo thì bạn nên xác định rõ xem đây là bất thường hay không, tốt nhất là đi khám ngay để có biện pháp can thiệp kịp thời.
Đau bụng dưới, đau lưng bất thường
Cảm giác hơi đau tức ở bụng dưới và mỏi ở vùng thắt lưng. Có trường hợp, mẹ bầu có triệu chứng đau như lúc hành kinh. Đây chính là biểu hiệu của việc bị động thai hoặc có thể là mang thai ngoài tử cung. Vì vậy, khi thấy xuất hiện các cơn đau này khoảng 5 – 20 phút một lần, theo sau đó là chảy máu âm đạo thì mẹ nên cẩn thận.
Dịch nhờn ở âm đạo nhiều bất thường
Thường khi mang thai, âm đạo rất khô ráo. Tuy nhiên, nếu bạn cảm thấy dịch nhờn bỗng nhiều hơn bình thường và kèm thêm chất lỏng màu hồng thì rất có thể mẹ đang bị động thai. Đặc biệt khi ngửi, mùi dịch khá hôi thì bà bầu cần đi khám bác sĩ ngay.
Chỉ số hCG dương tính, bóc tách 1 phần bánh nhau
Hiện tượng này chỉ biết được qua siêu âm. Nhiều bà bầu vẫn cảm thấy bình thường nhưng đến khi siêu âm lại cho kết quả bị động thai. Chỉ số hCG dương tính và vẫn tăng dần tương ứng với tuổi thai. Đồng thời, xuất hiện hiện tượng bóc tách 1 phần bánh nhau hay màng nhau, tụ dịch màng nuôi…
Biểu hiện bị động thai 3 tháng giữa thai kỳ
Ngoài 1 số dấu hiệu giống như trong tam cá nguyệt đầu tiên, ở tam cá nguyệt thứ 2 này, mẹ bầu cần lưu ý thêm các dấu hiệu bị động thai sau:
Xuất hiện các cơn co thắt
Cơn co tử cung chỉ được xem là bình thường nếu xuất hiện vào những tháng cuối thai kỳ, khi sắp đến lúc lâm bồn. Nếu bụng dưới hoặc vùng xương chậu xuất hiện các cơn co sớm trước 20 tuần thai thì đó chính là dấu hiệu của động thai. Mặc dù vậy, mẹ không nên quá lo lắng nếu thấy cơn co ở cường độ yếu và cần thận trọng khi thấy cơn co kèm theo hơi thở nặng hoặc chảy máu âm đạo.
Mất các triệu chứng mang thai
Sang tam cá nguyệt thứ 2, tình trạng ốm nghén ở 1 số mẹ bầu đã được cải thiện. Tuy nhiên các triệu chứng như: nôn, buồn nôn, ợ nóng, mệt mỏi… gần như cùng biến mất 1 lúc thì bạn nên cẩn thận. Bởi các triệu chứng này sẽ tăng lên hoặc giảm bớt dần dần chứ hiếm khi dừng đột ngột đồng thời.
Không tăng cân hoặc bụng không to lên
Các mẹ bầu nên kiểm tra cân nặng thường xuyên vào giai đoạn này vì đây là lúc mẹ lên cân để bù lại quãng thời gian ốm nghén trước đây. Cùng với đó, vòng bụng của mẹ cũng bắt đầu to ra và có sự thay đổi rõ rệt. Nếu thiếu 2 dấu hiệu này, mẹ đừng vội mừng vì không bị tăng cân quá nhiều khi mang thai, ngược lại hãy thăm khám để biết chắc rằng em bé của bạn đang phát triển hoàn toàn khỏe mạnh.
Nhau bong non cũng là biểu hiện bị động thai nguy hiểm trong tam cá nguyệt thứ 2
Hiện tượng này hay xảy ra vào 3 tháng cuối, tuy nhiên vẫn có 1 số mẹ bầu gặp phải biến chứng sản khoa này vào những tháng giữa của thai kỳ. Nguyên nhân dẫn đến nhau bong non là do sự hình thành của khối huyết tụ sau bánh nhau ngày càng lớn dần làm bong bánh nhau ra khỏi tử cung gây chảy máu nhiều, khó cầm được. Nguy cơ tử vong của mẹ bầu và thai nhi rất lớn. Chính vì vậy, vào bất cứ thời điểm nào, nếu thấy hiện tượng ra máu mẹ bầu nên đi thăm khám ngay, không được phép chủ quan.
Tiền sản giật
Cũng như rau bong non, đây là 1 biến chứng thường xảy ra ở các tháng cuối nhưng vẫn có thể xuất hiện ở 3 tháng giữa của thai kỳ. Các dấu hiệu tiền sản giật bao gồm huyết áp tăng cao, mẹ bị phù nề hoặc sưng quá nhiều… Không chỉ là động thai, các biến chứng của tiền sản giật khiến mẹ bị tổn thương gan, thận, xuất huyết, nếu không điều trị kịp sẽ dẫn đến co giật, hôn mê, phù phổi, suy tim, xuất huyết não gây tử vong cho cả mẹ và thai nhi.
Tam cá nguyệt thứ 3, mẹ cần lưu ý điều gì?
Đây là giai đoạn nước rút để chuẩn bị cho quá trình vượt cạn sắp tới. Chính vì vậy, mẹ không nên bỏ qua bất cứ 1 biểu hiện bất thường nào. Ngoài các biểu hiện như đau bụng, rau máu, co thắt tử cung, bong nhau non, tiền sản giật… ở trên, mẹ bầu cần lưu ý:
Thai máy
Trong 3 tháng cuối của thai kỳ, thai máy trong bụng mẹ là dấu hiệu cho thấy thai nhi hoàn toàn khỏe mạnh. Nếu thai nhi gặp vấn đề, mẹ có thể nhận ra nhờ vào sự thay đổi của thai máy so với bình thường. Số lần thai máy ít đi hoặc không máy vào những thời điểm cố định đều là những biểu hiện cho thấy thai nhi đang có vấn đề về sức khỏe.
Mất cảm giác căng tức ngực
Từ thời điểm thai nhi tuần thứ 8, vòng 1 của mẹ sẽ tăng dần kích cỡ cho tới cuối thai kỳ. Trong thời gian này, mẹ bầu sẽ thường xuyên cảm thấy đau tức ngực đi kèm với các dấu hiệu như: tiết sữa non, ngứa hay rạn da vùng ngực. Nếu bỗng dưng mẹ không cảm thấy những dấu hiệu này khi mang thai 3 tháng cuối thì khả năng cao là đã xảy ra hoại tử Villous, có thể thai đã bị chết lưu trong tử cung.
Mẹ bầu bị vàng da kèm theo ngứa ngáy toàn thân
Sự thay đổi của hormone nội tiết tố khiến cho cơ thể mẹ bầu bị ngứa ngoài da ở 1 số vùng có nhiều mồ hôi như: ngực, lưng. Tuy nhiên nếu mẹ bầu cảm thấy ngứa khắp người kèm theo vàng da thì có khả năng mẹ bầu đã bị hội chứng ứ mật intrahepatic, chức năng gan đã bị tổn thương, có thể dẫn đến ngạt thai, thai lưu, sinh non… Gặp dấu hiệu này mẹ cần gặp ngay bác sĩ để có hướng điều trị kịp thời.
Mẹ nên làm gì khi có các biểu hiện động thai?
Khi thấy mình có các biểu hiện bị động thai trên, mẹ bầu cần nhớ thực hiện những điều sau đây:
- Giữ bình tĩnh, không hoang mang, lo lắng quá nhiều gây ảnh hưởng đến thai kỳ
- Cần nghỉ ngơi tuyệt đối, giữ tâm lý thoải mái nhất
- Nhanh chóng đi thăm khám để xác định rõ nguyên nhân cũng như cách xử lý trong từng tình huống để tránh hậu quả xấu nhất. Tuyệt đối tuân theo sự hướng dẫn của bác sĩ
- Bổ sung đầy đủ dinh dưỡng cho mẹ và bé để đảm bảo sức khỏe vượt qua những biểu hiện động thai 1 cách an toàn. Mẹ có thể thêm vào thực đơn các món ăn dưỡng thai như cháo cá chép, chè hạt sen, cháo bí ngô, cháo đậu đen gạo nếp…
Xem thêm
Vào ngay Fanpage của theAsianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!