Bệnh trầm cảm sau sinh ảnh hưởng đến một số phụ nữ sau khi đứa con của họ được sinh ra. Các triệu chứng bao gồm hụt hẫng tâm lý, buồn bã, mệt mỏi, lo lắng và khó chịu. Thông thường, tình trạng này xuất hiện trong vòng 4 đến 6 tuần sau khi sinh, nhưng đôi khi là vài tháng. Nguyên nhân gây ra chứng bệnh này rất phức tạp, vẫn chưa có định nghĩa rõ ràng.
Dấu hiệu của bệnh trầm cảm sau sinh
Trầm cảm sau sinh có thể ảnh hưởng đến sản phụ theo nhiều cách khác nhau. Dưới đây là một số dấu hiệu và triệu chứng phổ biến:
- Tâm trạng buồn bã kéo dài
- Luôn nghĩ mình không xứng đáng chăm sóc em bé
- Sao nhãng trong việc chăm sóc con
- Không quan tâm tới bản thân
- Dễ bị kích động hay nổi nóng
- Dễ lo âu và hoảng sợ
- Buồn bã, khóc nhiều
- Rối loạn giấc ngủ (thường là mất ngủ)
- Ăn uống thất thường (không muốn ăn hoặc thèm ăn nhiều hơn)
- Cảm giác tội lỗi luôn thường trực
- Giảm thiểu giao tiếp với người khác, kể cả bạn bè thân thiết
- An ủi không đem lại kết quả
- Cảm thấy trống rỗng, tuyệt vọng
- Cảm thấy yếu ớt hoặc không còn sức lực
- Không cảm thấy thoải mái trong quan hệ tình dục
- Xuất hiện ý nghĩ làm hại mình và con
- Hoang tưởng, ảo giác
Nguyên nhân gây trầm cảm sau sinh
Cho đến nay, trầm cảm vẫn là một loại bệnh lý vô cùng phức tạp với nhiều nghiên cứu đang được tiến hành để xác định chính xác nguyên nhân. Đối với phụ nữ sau sinh, có thể nói một số nguyên nhân sau là nhân tố chính gây nên chứng bệnh này:
- Nội tiết tố sau sinh của người mẹ bị rối loạn. Nồng độ estrogen và progesterone trong cơ thể giảm mạnh đột ngột.
- Những mệt mỏi trong thời kỳ mang thai và sau khi sinh.
- Những rắc rối trong quan hệ vợ chồng hoặc với gia đình nhà chồng.
- Có tiền sử bị bệnh trầm cảm.
- Mang thai không theo kế hoạch hoặc ngoài ý muốn.
- Sinh con ở độ tuổi vị thành niên.
- Khó khăn kinh tế, nghề nghiệp không ổn định.
- Đứa trẻ không có bố chính thức.
- Sinh con trong tình trạng ly dị hoặc ly thân.
- Sử dụng các chất kích thích như rượu, thuốc lá, ma túy.
- Đẻ khó, đẻ mổ.
- Em bé gặp phải một số vấn đề về sức khỏe.
- Có biến cố không hay xảy ra trong thời gian mang thai hay mới sinh con.
- Thiếu sự giúp đỡ của người thân khiến người mẹ phải tự mình xoay sở nhiều việc trong khi thể trạng còn yếu.
- Sinh con so (con đầu lòng) có nguy cơ mắc bệnh cao hơn sinh con rạ.
Hậu quả của bệnh trầm cảm sau sinh
Bệnh trầm cảm sau sinh có thể ảnh hưởng tới chính bản thân người mẹ và cả những người thân xung quanh.
Khi người phụ nữ bị trầm cảm sau sinh, có thể thấy được hậu quả là gia định họ không được vui vẻ, chồng con họ không được chăm sóc tốt, dễ dẫn đến nhiều hệ lụy.
Đối với bản thân người bệnh, họ có thể gặp vô vàn các vấn đề cả về thể chất lẫn tinh thần.
Về thể chất: người mẹ mắc chứng trầm cảm rất dễ bị sụt cân, suy dinh dưỡng nếu không còn cảm giác muốn ăn và ngược lại, dễ bị béo phì nếu cảm giác thèm ăn tăng.
Về tinh thần: chứng trầm cảm có thể dẫn tới suy nhược thần kinh, hoang tưởng, hành vi nguy hiểm. Rất nhiều người bị trầm cảm sau sinh có ý nghĩ hay hành vi tự tử. Một số người bị rối loạn tâm thần, luôn có cảm giác bị hại nên họ tìm cách trả thù hay đối phó. Có những bà mẹ bị hoang tưởng rằng con mình bị ma quỉ nhập nên tìm cách trừ tà, gây nguy hiểm đến tính mạng của bé. Thậm chí có những bà mẹ cấm dao hoặc vật sắc nhọn làm bị thương người thân của mình vì hoang tưởng bị hại.
Cách phòng bệnh hiệu quả
Bệnh trầm cảm sau sinh là căn bệnh mà bất kỳ sản phụ nào cũng có thể mắc phải. Tuy hiện nay không có loại văcxin nào giúp phòng ngừa trầm cảm sau sinh nhưng bệnh này hoàn toàn có thể phòng tránh được bằng cách:
- Chuẩn bị kế hoạch sinh nở, chăm sóc con kỹ lưỡng từ trước ngày sinh con.
- Tìm hiểu về sự thay đổi cảm xúc của thai kỳ và sau khi sinh con, chấp nhận sự có mặt của chứng trầm cảm sau sinh.
- Hạn chế cô lập bản thân, hãy thoải mái nói chuyện và chia sẻ những câu chuyện hàng ngày hoặc những khó khăn của mình với chồng hoặc người thân.
- Có chế độ dinh dưỡng cân bằng, lành mạnh, nhiều rau xanh, tránh xa rượu bia và các chất kích thích.
- Vận động hợp lý qua các bài tập thể dục nhẹ nhàng, thiền hay yoga.
- Thiết lập các mạng lưới hỗ trợ ngay khi dự định mang bầu và đón nhận sự giúp đỡ từ bên ngoài.
- Không tự tạo áp lực, chấp nhận bản thân không phải là người mẹ hoàn hảo.
- Tranh thủ ngủ lúc con ngủ để được hồi sức và nghỉ ngơi nhiều hơn.
- Khám bác sĩ hay một nhà chuyên môn về sức khỏe mà mình tin cậy
Việc phòng ngừa không chỉ từ 1 phía sản phụ, mà phía gia đình sản phụ cũng cần lưu ý. Nên tạo không khí vui vẻ, thường xuyên giúp đỡ, trò chuyện và chia sẻ gánh nặng chăm sóc em bé mới sinh để sản phụ không cảm thấy bị cô đơn, tránh những suy nghĩ tiêu cực là nguồn cơn gây nên bệnh trầm cảm sau sinh.
Xem thêm:
Vào ngay Fanpage của The Asianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác.
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!