Bệnh tim khi mang thai theo các chuyên gia là hoàn toàn có thể điều trị ổn định và theo dõi chặt chẽ trong thai kỳ để đề phòng biến chứng. Mời các mẹ đọc những nội dung sau để biết rõ hơn về mối liên quan giữa bệnh tim và thai nghén:
- Mẹ bị bệnh tim thì hệ tuần hoàn thay đổi thế nào khi mang thai?
- Nguy cơ mẹ bị tim gặp phải khi mang thai
- Chăm sóc sức khỏe phụ nữ mang thai bị bệnh tim
Hệ tuần hoàn của mẹ bầu bị bệnh tim sẽ thay đổi như thế nào trong thai kỳ? Mối liên quan giữa bệnh tim và thai nghén
Khi mang thai khối lượng máu trong hệ tuần hoàn của người mẹ sẽ tăng nhiều hơn so với mức thông thường, đặc biệt là từ tháng thứ 4 trở đi. Ở tuần thai thứ 25 trở đi, lượng máu qua tim có thể tăng từ 30-50%, người ta ước tính mỗi ngày khối lượng “làm thêm” này của tim là từ 2.160-3.600 lít, tương đương với khoảng 2-4 tấn.
Bạn có thể chưa biết:
Bệnh tim bẩm sinh – Nguyên nhân, phân loại và cách điều trị
Mẹ đã biết gì về tứ chứng Fallot – bệnh lý tim bẩm sinh nguy hiểm ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ?
Trong khi đó nhịp tim của mẹ bầu cũng tăng nhanh dần ở mức 10 lần/phút so với phụ nữ không mang thai. Lưu lượng tim cũng nâng lên theo từng tháng mang thai. Cụ thể là:
- Thai tháng thứ 3 – 4 tăng lên 5,5 lần/phút.
- Ở tháng thứ 5 – 7 tăng lên 6,0 lần/phút.
- Thai tháng thứ 8 – 9 tăng lên 5,5 lần/phút.
Trong quá trình thai nhi hình thành và phát triển, cơ thể người mẹ sẽ phải làm việc gấp đôi để vừa cung cấp oxy và dưỡng chất cho bản thân mình cũng như em bé.
Với một người phụ nữ khỏe mạnh thì vấn đề này hoàn toàn không ảnh hưởng gì đến hệ tuần hoàn của họ. Nhưng với một người phụ nữ mang thai bị bệnh tim thì đây thực sự là một quá trình thay đổi quá sức và đầy nguy hiểm.
Mặc dù vậy, Tạp chí tim mạch châu Âu cho biết “Cần quan tâm hơn đến vấn đề tim mạch của phụ nữ mang thai và cần tầm soát tốt hơn. Nếu phụ nữ bệnh tim được điều trị và theo dõi bệnh tốt thì tỷ lệ biến chứng rất thấp”.
Phụ nữ bị bệnh tim có mang thai được không?
Bệnh tim là từ dùng để chỉ chung các bệnh về tim mạch. Bệnh về đường tim mạch có nhiều thể với mức độ nặng nhẹ khác nhau. Đa số các trường hợp bị bệnh tim là ở thể nhẹ. Lúc này việc mang thai hầu như không ảnh hưởng nhiều đến người mẹ. Còn đối với các trường hợp có bệnh tim nặng chưa giải quyết triệt để mà mang thai thì có thể làm tăng nguy cơ tử vong cho cả mẹ và bé.
Với sự phát triển của khoa học hiện đại, đa số các ca bệnh tim có thể được chữa hiệu quả và người bị bệnh có thể mang thai bình thường, trải qua thai kỳ và sinh nở khỏe mạnh. Điều quan trọng là xác định được tình trạng bệnh và tuân thủ theo hướng dẫn cũng như phác đồ điều trị của bác sĩ chuyên khoa, đồng thời có kế hoạch sinh nở hợp lý.
Mẹ bầu bị bệnh tim sẽ phải đối mặt với những nguy cơ gì trong thai kỳ?
Các biến chứng và nguy cơ trong thai kỳ sẽ ở mức độ nhiều ít tùy theo tình trạng sức khỏe của mẹ bầu trước khi mang thai. Mẹ bầu bị bệnh tim nhưng đã được điều trị tốt trước đó thì ít gặp biến chứng hơn so với các mẹ không biết mình có bệnh tim và khi mang thai thì bệnh mới biểu hiện rõ.
Bạn có thể chưa biết:
Mẹ bầu bị tiểu đường thai kỳ có thể sinh thường được không?
Phụ nữ mang thai dễ mắc bệnh gì – 4 căn bệnh phổ biến mẹ cần hết sức đề phòng!
Một số biến chứng thường xuất hiện từ tháng thứ 3 của thai kỳ trở đi, khi cơ thể người mẹ có những thay đổi rõ rệt ở hệ tuần hoàn. Càng về nửa sau của thai kỳ, những tai biến càng có nguy cơ nhiều hơn, nhất là vào lúc chuyển dạ, sinh, sổ nhau và những ngày đầu sau sinh, cụ thể như sau:
Bị rối loạn nhịp tim khi mang thai và sau khi sinh
Do sự thay đổi của quá trình thai nhi lớn lên khiến tử cung to ra. Khi thai nhi chào đời, tử cung co lại làm cho tim cũng đột ngột thay đổi từ vị trí nằm ngang trở về bình thường, giống như bị rơi xuống. Quá trình thay đổi đột ngột này có thể dẫn đến đột qụy, hoặc làm rối loạn nhịp tim.
Suy tim cấp
Tim phải hoạt động nhiều hơn bình thường khi mang thai làm cho cơ tim bị suy kiệt và yếu đi, nhịp tim yếu và chậm dần, thậm chí ngừng đập hoàn toàn, gọi là suy tim cấp.
Tắc mạch do huyết khối
Sự hình thành các cục máu đông trong quá trình mang thai, nhất là sau khi sinh làm bít tắc dòng chảy của mạch máu, nguy hiểm nhất là làm tắc động mạch phổi, biểu hiện là bệnh nhân khó thở, ngực đau dữ dội, tím tái và tử vong nhanh chóng.
Nguy cơ thai nhi suy dinh dưỡng, sẩy thai hoặc sinh non
Tuỳ theo mức độ và thời điểm mẹ bị thiếu oxy do bệnh tim mà có thể có những ảnh hưởng khác nhau lên thai nghén, thường gặp như: thai nghén kém phát triển từ tử cung hay suy dinh dưỡng trong tử cung, thai suy mạn, nhẹ cân so với tuổi thai. Tỷ lệ dọa sảy thai và sẩy thai, doạ đẻ non và đẻ non, thai chết lưu và chết trong chuyển dạ cũng cao.
Tuy nhiên, như các chuyên gia tim mạch đã nhận định, các biến chứng nói trên sẽ giảm xuống rất nhiều nếu mẹ bầu được theo dõi sát sao trong quá trình mang thai.
Phụ nữ có bệnh tim khi mang thai cần chăm sóc sức khỏe như thế nào?
- Ngay khi biết mình đã mang thai, mẹ bầu nên đi khám thai và trao đổi cụ thể về tình trạng bệnh tình của mình. Điều này sẽ giúp bác sĩ có phương hướng điều chỉnh cách điều trị bệnh trong quá trình mẹ mang thai.
- Có những loại thuốc không được phép dùng để điều trị bệnh tim đối với phụ nữ mang thai. Tùy thuộc vào từng trường hợp tình trạng bệnh khác nhau, bác sĩ có thể điều chỉnh liều dùng hoặc dùng các loại thuốc thay thế khác và tư vấn cho mẹ bầu trước những rủi ro có thể gặp phải.
- Phải uống thuốc đúng theo quy định. Tuyệt đối không được tự ý ngưng dùng thuốc hoặc tự ý điều chỉnh liều dùng thuốc.
- Đi khám thai đầy đủ theo lịch hẹn và nghỉ ngơi nhiều hơn so với các mẹ không có vấn đề về sức khỏe.
- Nên ngủ trưa hằng ngày và tránh các hoạt động thể chất quá sức. Đồng thời mẹ cần hết sức lưu ý tới mức độ tăng cân của mình. Điều này sẽ giúp thai nhi phát triển tốt và giảm thiểu những áp lực nguy hiểm đối với hệ tuần hoàn của mẹ.
Xem thêm:
Vào ngay Fanpage của theAsianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!