Bé thở mạnh bụng phập phồng với hơi thở nhanh bất thường là một trong những dấu hiệu nguy hiểm cho thấy con đang bị mắc các bệnh về đường hô hấp như viêm phổi. Hãy đọc bài viết này của theAsianparent Việt Nam để biết:
- Bé thở mạnh bụng phập phồng có nguy hiểm không?
- Dấu hiệu của bệnh viêm phổi khi bụng trẻ sơ sinh phập phồng
- Cách chăm sóc và điều trị khi trẻ bị viêm phổi
Bé thở mạnh bụng phập phồng có nguy hiểm không?
Nhịp thở của trẻ sơ sinh bình thường được tính khi trẻ đang ngủ hoặc nghỉ ngơi và tùy từng độ tuổi của trẻ sẽ có nhịp thở khác nhau:
- 0 đến dưới 6 tháng tuổi: 30 – 60 nhịp/phút
- 6 tháng đến dưới 12 tháng tuổi: 24-30 nhịp/phút
- 1 tuổi đến 5 tuổi: 20-30 nhịp/phút
- 6 tuổi đến dưới 12 tuổi: 12-20 nhịp/phút
- Từ 12 tuổi trở lên: 12-20 nhịp/phút
Nếu trẻ có các biểu hiện về nhịp thở bất thường như thở nhanh, thở mạnh, thở gấp, … cha mẹ nên dùng đồng hồ có kim giây để đếm nhịp thở và đếm trong vòng 1 phút và so sánh với các chỉ số nói trên. Bởi bé sơ sinh thở mạnh có thể là dấu hiệu của các căn bệnh nguy hiểm về đường hô hấp, đặc biệt là viêm phổi.
Có thể bạn chưa biết:
Theo bác sĩ nội trú Đặng Thị Ngoan – Bác sĩ Nhi – Sơ sinh – Khoa Nhi – Sơ sinh – Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long :
Thở nhanh là triệu chứng điển hình của bệnh viêm phổi hay gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ từ 1-3 tuổi. Đối với trẻ trên 3 tuổi thì độ nhạy của dấu hiệu thở nhanh lại tương đối thấp. Với trẻ dưới 1 tuổi mà nhịp thở trên 70 lần một phút thì thường là triệu chứng của viêm phổi nặng.
Trẻ sơ sinh thở mạnh bụng phập phồng – Dấu hiệu của bệnh viêm phổi
Khi thấy con ho ra nhiều đờm và tiếng thở bất thường, các bậc cha mẹ cần thận trọng với bệnh viêm phổi. Ngoài việc kết hợp theo dõi nhịp thở của bé hãy quan sát xem trẻ có các dấu hiệu đi kèm như sau hay không:
- Ho vừa đến nặng – thường là ho nặng tiếng, nhưng không nhất thiết như vậy.
- Thở nhanh liên tục (khác với thở nhanh nhất thời khi trẻ bị sốt cao).
- Thở gắng sức: cánh mũi phập phồng, thở rên, co kéo cơ liên sườn (phần mềm giữa các xương sườn lõm vào khi trẻ hít vào), co rút hõm ức, rút lõm lồng ngực.
- Sốt – sốt vừa đến sốt cao.
- Đau ngực – không chỉ trong lúc ho, mà cả giữa các cơn ho.
- Nôn – không chỉ sau những cơn ho mạnh mà cả giữa các cơn ho.
- Tím tái quanh môi và ở mặt – do thiếu ôxy
- Thở rít – mặc dù thở rít thường là biểu hiện của nhiễm virus nhiều hơn nhưng đôi khi cũng xuất hiện trong viêm phổi.
Tuy nhiên các bác sĩ nhi khoa lưu ý cha mẹ 3 dấu hiệu quan trọng nhất là ho, sốt và thở nhanh hay thở gắng sức. Lúc này hãy đưa bé đi khám càng sớm càng tốt.
Có thể bạn chưa biết:
Cách chăm sóc và điều trị khi trẻ bị viêm phổi
Tùy theo nguyên nhân gây bệnh của trẻ mà bác sĩ sẽ có hướng điều trị phù hợp, bằng cách:
1. Hạ sốt
Nếu trẻ bị sốt cao, bác sĩ sẽ chỉ định thuốc hạ sốt phù hợp với tháng tuổi của trẻ kết hợp hướng dẫn cha mẹ về cách hạ sốt cho trẻ bằng lau người liên tục.
Chăm sóc bé bị sốt, mẹ cần chú ý:
- Cho con mặc quần áo rộng rãi, thoáng mát
- Vị trí nằm của con cần thoáng mát, rộng rãi, sạch sẽ
- Cho con bú nhiều và uống nhiều nước. Tăng cữ bú và lượng bú của trẻ để bù nước. Bé trên 1 tuổi có thể dùng thêm nước trái cây, đặc biệt là các loại nước trái cây giàu vitamin C như: nước cam, nước quýt, nước chanh…
- Lau người hạ sốt bằng khăn ấm: Mẹ hãy lấy 5 khăn mềm nhúng vào nước ấm vắt ráo và đặt vào vị trí: trán, hai nách, hai bên bẹn của trẻ. Khi nước ấm bốc hơi sẽ làm mát thân nhiệt của trẻ
- Hãy cho con ăn thức ăn mềm, dễ tiêu, cháo loãng hoặc các món canh bổ dưỡng để cung cấp thêm nước cho cơ thể.
Nếu thấy trẻ đi tiểu màu vàng nhạt, đi tiểu 4 giờ/lần có nghĩa là bé đã được bù đủ lượng nước cần thiết.
2. Kê thuốc kháng sinh
BSCKII Phạm Thanh Xuân, Bác sĩ cao cấp khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, Hà Nội, cho biết:
“Tình trạng bố mẹ tự ý mua thuốc ho, thuốc kháng sinh cho con uống khi con ho, sổ mũi hiện nay khá phổ biến. Trong khi đó, biểu hiện ban đầu của bệnh viêm phổi ở trẻ em rất giống các bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp khác nên nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời có thể tiến triển nhanh dẫn đến biến chứng nặng, nguy cơ tử vong cao. Trẻ dưới 5 tuổi, đặc biệt là đối tượng dưới 2 tháng tuổi, là nhóm tuổi có nguy cơ mắc và tử vong do viêm phổi cao nhất.”
Do đó, các phụ huynh nên lưu ý về việc sử dụng thuốc cho trẻ sơ sinh và đặc biệt cần phải có đơn kê của bác sĩ.
Ngoài ra, khi đã xác định trẻ em mắc bệnh viêm phổi, tùy vào giai đoạn và nguyên nhân gây bệnh mà bác sĩ có hướng điều trị khác nhau:
- Bệnh viêm phổi ở trẻ em do vi khuẩn và mycoplasma: điều trị bằng thuốc kháng sinh theo chỉ dẫn của bác sĩ.
- Viêm phổi ở trẻ em do virus: điều trị bằng cách nghỉ ngơi và uống nhiều nước
- Viêm phổi ở trẻ em do nấm: điều trị bằng thuốc chống nấm.
Viêm phổi là một trong những bệnh có nguy cơ gây tử vong cao ở trẻ trong độ tuổi từ sơ sinh – 5 tuổi. Cha mẹ cần hết sức lưu ý về biểu hiện thở nhanh, bụng thở phập phồng cùng các dấu hiệu nói trên để kịp thời điều trị, đảm bảo an toàn sức khỏe cho trẻ.
Nguồn thông tin: vinmec.com, benhviennhitrunguong.org.vn,tamanhhospital.vn
Xem thêm:
Vào ngay Fanpage của the Asianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!