Viêm họng cấp ở trẻ là bệnh về hô hấp khá phổ biến, nhất là ở giai đoạn chuyển mùa. Bệnh có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm nếu bố mẹ không phát hiện và kịp thời chữa trị cho trẻ.
Hãy đọc bài viết này của theAsianparent Việt Nam để biết:
- Nguyên nhân gây viêm họng cấp ở trẻ
- Triệu chứng họng cấp ở trẻ
- Phương pháp điều trị khi bé bị viêm họng cấp
- Phòng tránh viêm họng cấp như thế nào?
- Tìm hiểu về bệnh viêm amidan cấp ở trẻ em
Bài viết có phần đóng góp ý kiến chuyên môn từ bác sĩ Vũ Nhật Nam, Khoa Nội tổng hợp – Tim mạch – Lão học, Bệnh viện Quận Bình Thạnh.
Câu hỏi: Biểu hiện của viêm họng cấp là gì? Nên chăm sóc bé như thế nào? Có cách nào để phòng bệnh cho con hay không?
Trả lời:
Theo bác sĩ Vũ Nhật Nam, Khoa Nội tổng hợp – Tim mạch – Lão học, Bệnh viện Quận Bình Thạnh:
Trẻ em rất thường mắc bệnh viêm họng cấp.
Triệu chứng ban đầu của bệnh là ho khan, sau đó ho có đờm. Trẻ sẽ sốt nhẹ hoặc sốt cao tới 39-40 độ C. Bên cạnh đó trẻ có thể chảy nước mũi, ngạt mũi, hắt hơi, đau họng, đi kèm với quấy khóc, biếng ăn, khó ngủ và thường thở bằng miêng do ngạt mũi. Nôn và đi ngoài phân lỏng cũng là một trong số các triệu chứng của bệnh.
Khi trẻ bị viêm họng cấp, mẹ cần lau mát cho trẻ bằng nước ấm, giữ ấm vùng cổ họng, ngực, mũi. Nếu trẻ chán ăn, chia nhỏ bữa ăn để cơ thể trẻ luôn được cung cấp đầy đủ dinh dưỡng, tạo sức đề kháng giúp nhanh lành bệnh. Ngoài ra, cũng lưu ý thức ăn ở dạng lỏng và dễ nuốt để trẻ có thể tiêu hóa dễ dàng. Cho trẻ uống nhiều nước, giữ trẻ ở môi trường thoáng mát. Để giảm sổ mũi, nghẹt mũi, có thể dùng nước muối sinh lý để nhỏ mũi, vệ sinh mũi, giúp thông thoáng đường thở cho trẻ. Khi trẻ sốt cao cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ, tránh tự ý cho trẻ dùng thuốc hạ sốt và kháng sinh.
Mẹ có thể phòng bệnh cho trẻ bằng cách giữ môi trường sống khô thoáng, sạch sẽ, thường xuyên dọn dẹp nơi ở, giữ ấm cơ thể trẻ, cho trẻ vệ sinh răng miệng hàng ngày, bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng, vitamin qua trong bữa ăn, tiêm phòng đầy đủ theo lịch tiêm chủng, tránh cho trẻ uống nước lạnh, ăn đồ ăn cay nóng, nhiều dầu mỡ.
Nguyên nhân gây viêm họng cấp ở trẻ
Trẻ nhỏ là đối tượng dễ bị viêm họng cấp, có thể đến từ nhiều tác nhân khác nhau, có thể kể đến như:
Do virus, vi khuẩn
- Vi khuẩn: phế cầu, liên khuẩn cầu, liên cầu,… Trong đó nguy hiểm nhất là liên cầu khuẩn tan huyết nhóm A.
- Virus: một số loại virus gây bệnh có đi kèm triệu chứng viêm họng cấp như cúm, sởi,…
- Một số loại nấm, điển hình là nấm candida.
Đây là những tác nhân chủ yếu gây viêm họng cấp rất nguy hiểm, ảnh hưởng trực tiếp đến hệ hô hấp của trẻ. Sức đề kháng của trẻ nhỏ kém nên khi bị tấn công rất dễ suy yếu, gây ho, đau họng, bé bị viêm họng cấp sốt cao, quấy khóc, nhức mỏi,…
Khám phá thêm:
Do thay đổi môi trường xung quanh
- Thời tiết thay đổi, giao mùa, mưa ẩm trở thành điều kiện lý tưởng cho virus, vi khuẩn phát triển.
- Ô nhiễm khói bụi, khói thuốc lá, gây suy yếu hệ hô hấp ở trẻ.
- Nhà cửa ẩm thấp, kín hơi khiến trẻ cảm thấy bí, ngạt, tạo môi trường sinh sôi cho vi khuẩn, kí sinh.
Ngoài ra cai sữa mẹ, chế độ ăn thay đổi đột ngột cũng có thể khiến trẻ không kịp thích nghi, ảnh hưởng đến sức đề kháng nên gây ra viêm họng cấp.
Trẻ em là đối tượng rất dễ bị ốm, đặc biệt mắc các bệnh liên quan đến hô hấp. Cha mẹ cần chú ý chăm sóc cẩn thận, luôn tạo môi trường tốt nhất cho con trẻ phát triển.
Triệu chứng họng cấp ở trẻ
Biểu hiện viêm họng cấp
Viêm họng cấp thường dễ nhận biết qua các dấu hiệu sau:
- Trẻ bị sốt lâu, khó hạ sốt.
- Nghẹt mũi, hắt hơi, sổ mũi.
- Đau họng, ho nhiều đặc biệt về đêm và sáng sớm.
- Trẻ quấy khóc, khó dỗ.
- Biếng ăn, bỏ ăn.
- Trẻ bị nôn, đi ngoài.
Trẻ bị viêm họng cấp sốt mấy ngày?
Viêm họng cấp ở trẻ thường phát sốt trong vòng 3- 4 ngày. Tùy vào thể trạng mà có trẻ sốt cao, trẻ sốt nhẹ. Thời gian sốt lâu có thể ảnh hưởng đến khả năng hô hấp, ăn uống của trẻ, dễ dẫn đến những biến chứng nguy hiểm.
Viêm họng cấp thường kéo theo tình trạng sổ mũi, nghẹt mũi, ho có đờm,… Vì thế nhiều người vẫn gọi đây là viêm mũi họng cấp ở trẻ. Ba mẹ nếu thấy con biểu hiện như vậy lâu nên chủ động đưa đi khám, không nên tự ý điều trị mà không hiệu quả.
Phương pháp điều trị viêm họng cấp ở trẻ
Làm gì khi phát hiện trẻ bị viêm họng cấp?
Nếu trẻ bị nhẹ, ba mẹ có thể dùng các cách sau để giúp trẻ nhanh khỏi hơn.
- Hạ sốt cho trẻ bằng miếng dán hạ sốt.
- Hạ thân nhiệt bằng cách lấy khăn dấp nước ấm lau người cho trẻ. Các vùng cần lau là trán, nách, bàn tay, bàn chân.
- Luôn giữ ấm vùng cổ, ngực, mũi.
- Cho trẻ súc miệng bằng nước muối loãng nhiều lần trong ngày.
- Bổ sung nhiều vitamin C từ cam, quýt, bưởi. Có thể xông tinh dầu ở trong phòng của bé.
- Nếu trẻ sốt cao trên 38,5 độ, ba mẹ cần nhanh chóng đưa đến bệnh viện. Không tự ý dùng thuốc bởi kháng sinh dễ gây nhiều ảnh hưởng đến trẻ nhỏ, cần phải có chỉ định của bác sĩ.
- Sau khi trẻ hết bệnh, ba mẹ cũng nên để ý cho trẻ tái khám để tránh bệnh tái phát.
Khám phá thêm:
Phòng tránh viêm họng cấp như thế nào?
- Viêm họng cấp ở trẻ có thể phòng tránh bằng những cách sau:
- Cho trẻ tiêm phòng vacxin đúng lịch, đầy đủ.
- Khi thời tiết thay đổi, nên chú ý cho trẻ mặc kín những vùng như cổ, cổ họng,…
- Giữ vệ sinh môi trường, thường xuyên dọn dẹp, lau chùi nhà cửa, lớp học.
- Không nên để trẻ tiếp xúc với khói thuốc, khói bụi. Không chỉ gây bệnh viêm họng cấp, khói bụi còn gây các bệnh về phổi. Thậm chí là nguy cơ bị ung thư vòm họng.
- Nhắc trẻ ra đường phải đeo khẩu trang bảo vệ.
- Thường xuyên rửa tay cho trẻ, giữ cơ thể ấm, sạch sẽ.
- Nên súc miệng nước muối loãng khi ngủ dậy và trước khi đi ngủ. Cũng cần thường xuyên vệ sinh mũi cho trẻ.
- Cho trẻ ăn uống đầy đủ dưỡng chất, đặc biệt nên bổ sung vitamin C, kẽm sắt,… Trẻ cần uống nhiều nước để đảm bảo cổ họng không bị khô.
- Hạn chế cho người lạ, người ốm tiếp xúc, ôm, hôn trẻ. Hệ miễn dịch của trẻ nhỏ rất yếu, dễ bị các tác nhân gây bệnh lạ tấn công.
Tìm hiểu về bệnh viêm amidan cấp ở trẻ em
Amidan là các hạch bạch huyết ở phía sau họng, nó có chức năng giống như một cơ quan miễn dịch vì có nhiệm vụ ngăn cản vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể. Amidan còn được hiểu là cơ quan miễn dịch tại chỗ, cơ quan này hoạt động mạnh ở lứa tuổi từ 4 đến 10 tuổi khi hệ miễn dịch của cơ thể còn chưa được hoàn thiện. Từ độ tuổi dậy thì trở đi, amidan sẽ hoạt động kém dần.
Khi vi khuẩn và virus tấn công ồ ạt vào cơ thể, amidan có thể bị “quá tải” và không thể kịp thời ngăn chặn vi khuẩn, khi ấy sẽ có phản ứng viêm và sưng. Trong trường hợp viêm amidan bị tái phát nhiều lần sẽ ảnh hưởng đến chức năng của nó, khả năng ngăn ngừa vi khuẩn của nó sẽ bị yếu dần đi.
Bệnh viêm amidan thường xảy ra ở trẻ em trên 5 tuổi. Nếu như không được điều trị đúng cách và kịp thời thì bệnh có thể gây biến chứng khó lường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của bé.
Tạm kết
Viêm họng cấp là bệnh thường gặp ở trẻ. Tuy nhiên, cha mẹ cũng không nên vì thế mà chủ quan. Hãy tạo cho trẻ thói quen sống sạch sẽ, tránh xa các tác nhân ô nhiễm, gây bệnh.
Chúc bé nhà mình mạnh khỏe qua giai đoạn giao mùa khó chịu này nhé!
Xem thêm:
Vào ngay Fanpage của the Asianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!