Những ngày qua, mọi người xôn xao câu chuyện về bé gái 11 tuổi tự tử vì cho rằng cha mẹ hết thương mình. Lý do này khiến không ít cha mẹ hoang mang. Cha mẹ phải làm gì để bảo vệ con trước làn sóng tự tử vị thành niên?
Bé gái 11 tuổi uống thuốc ngủ tự tử
Ngày 29/9/2020, BS CKII Lê Vũ Phượng Thy, Trưởng khoa Hồi sức chống độc, BV Nhi đồng Thành phố cho biết bệnh viện vừa kịp thời can thiệp cứu sống một bé gái 11 tuổi tự tử. Đó là bé T.L.Q, 11 tuổi, ngụ tại Tiền Giang.
Bé được chuyển đến bệnh viện cấp cứu trong tình trạng hôn mê sâu. Các chức năng gan, thận của bé Q. đã bắt đầu bị ảnh hưởng bởi độc chất liều cao của thuốc ngủ. Tại bệnh viện, nhân viên y tế đã tiến hành giải độc, đồng thời thực hiện xét nghiệm định tính nồng độ thuốc. Sau gần một tuần trị liệu, bé Q. đã tỉnh hẳn, cai máy thở.
Bé Q cho biết con quyết định uống thuốc ngủ tự tử vì nghĩ ba mẹ hết thương mình. “Con cứ nghĩ cha mẹ hết thương con vì làm gì cha mẹ cũng không vừa ý. Bởi vậy, con lấy tiền tiêu vặt ra tiệm thuốc tây năn nỉ cô bán thuốc cho con với giá 70.000 đồng về uống” – bé chia sẻ.
Các y bác sĩ cho biết, bệnh viện từng tiếp nhận nhiều trường hợp vị thành niên tìm đến cái chết được cứu sống. Để tránh việc con nhỏ suy nghĩ quẩn, phụ huynh cần quan tâm đến tâm tư, tình cảm của con nhiều hơn.
Cha mẹ nên làm gì khi biết con có ý định tự tử?
Ngày nay, không hiếm trường hợp các em nhỏ tự tử. Những lý do cỏn con khi phát hiện ra khiến cha mẹ không tránh khỏi sự thảng thốt và đau lòng. Các con không ý thức được mức độ nghiêm trọng của hành động tự tử. Cũng như không biết cách kiểm soát suy nghĩ tiêu cực phát sinh trong cuộc sống hàng ngày.
Rất nhiều phụ huynh nghĩ rằng các con mình còn nhỏ, chưa hiểu khái niệm tự tử. Những nghiên cứu gần đây cho thấy, trẻ em từ 6 tuổi đã có ý thức về cái chết. Các bé trong độ tuổi 8 – 9 đã có những hiểu biết nhất định về tự tử. Không hiếm các bé đã lên kế hoạch, tử tử và qua đời.
Đặc biệt, nguy cơ tự tử lần 2 tăng gấp 6 lần đối với lứa tuổi vị thành niên. Thống kê cho thấy mỗi năm có khoảng 12.000 trẻ em từ 5-14 tuổi phải trị liệu tâm thần. Nguyên nhân đều xuất phát từ các vấn đề liên quan đến tự tử.
Cha mẹ hãy là chỗ dựa vững chắc cho con
Thường xuyên thảo luận với con những điều diễn ra trong cuộc sống. Từ đó, cha mẹ có thể phát hiện những bất thường và hỗ trợ kịp thời.
Cha mẹ cần nhạy cảm trong việc nhận ra dấu hiệu cảnh báo. Ví dụ như con bỗng trở nên yên lặng, lo lắng, bất an,… Hãy đặt câu hỏi cho con một cách rõ ràng, thể hiện sự quan tâm và không phán xét. Bạn hãy cho con biết bản thân bạn đang rất lo lắng. Đồng thời, thể hiện ý muốn giúp đỡ con, động viên con chia sẻ suy nghĩ, cảm xúc của mình.
Điều con cần ngay lúc này là sự chủ động lắng nghe tâm tư, tình cảm của con từ phía cha mẹ. Trẻ sẽ cảm thấy suy nghĩ, cảm xúc và nhu cầu của bản thân được tôn trọng.
Đừng để con cô đơn!
Sự hỗ trợ từ gia đình và xã hội rất quan trọng để bảo vệ trẻ khỏi nguy cơ “tự tử”. Sự gắn kết vững chắc giữa ba mẹ và con cái tạo cảm giác an toàn. Đây sẽ là tiền đề giúp trẻ phát triển nhận thức về giá trị bản thân. “Mình không đơn độc” , “Mình xứng đáng nhận được tình yêu thương từ cha mẹ và mọi người xung quanh”…
Phát triển mối quan hệ tốt đẹp với nhà trường, bạn bè, cha mẹ sẽ dễ kiểm soát được con mình. Đồng thời, cha mẹ sẽ củng cố sự tự tin bên trong của trẻ. Cha mẹ và thầy cô có thể dạy trẻ các kỹ năng giải quyết vấn đề, đưa ra quyết định và thích ứng với môi trường. Từ đó, trẻ có thể phòng ngừa và ứng phó với những tình huống khó khăn.
Hãy chứng minh cho con thấy con có thể hoàn toàn tin tưởng bạn. Khi đã tin tưởng, con có thể kể cho bạn nghe tất cả mọi thứ xảy ra trong trường hay trong các mối quan hệ khác. Bạn hãy cho trẻ thấy bạn chỉ muốn lắng nghe, chia sẻ với con, chứ không phải để kiểm soát và trách mắng.
Đối với những trẻ gặp rối loạn tâm lý như trầm cảm và cố gắng tìm đến cái chết, cha mẹ cần đưa con đến các cơ sở trị liệu tâm lý để được hỗ trợ.
Giúp con xây dựng lối sống tích cực
Một chế độ sinh hoạt hợp lý, cân bằng giữa thể chất và tinh thần sẽ giúp trẻ có những trải nghiệm sống lành mạnh. Trẻ sẽ có cái nhìn tích cực hơn với bản thân cũng như những người xung quanh.
Internet phát triển khiến các trào lưu như “Thử thách Cá voi xanh” (Blue Whale Challenge),“Thử thách Momo” (Momo Challenge) dễ dàng tiếp cận các bé. Các trào lưu này dẫn đến số lượng trẻ tự tử tăng cao. Đây là hồi chuông cảnh báo về sự nguy hiểm cận kề của tình trạng tự tử ở trẻ nhỏ và trẻ vị thành niên. Để bảo vệ con, các bậc làm cha làm mẹ cần dành nhiều thời gian hơn cho con cái, để lắng nghe và hiểu con hơn. Đừng để phải hối hận khi con mình trở thành bé gái 11 tuổi tự tử kế tiếp.
Theo: Kênh 14
Xem thêm:
Vào ngay Fanpage của the Asianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!