Khi bé bị ngã đập đầu phía sau, cha mẹ cần bình tĩnh xem xét vết thương của trẻ cũng như các dấu hiệu bất thường (nếu có) như hướng dẫn dưới đây để kịp thời sơ cứu hoặc đưa bé đi khám.
Khi trẻ ngã, hầu hết các bậc cha mẹ đều cảm thấy hoảng loạn và lo lắng. Đặc biệt nếu bé bị va đập trong lúc ngã, gây ra các chấn động tới những vùng nhạy cảm dễ tổn thương như đầu thì càng phải thận trọng.
Những tình huống ngã đập đầu, đập mặt hoàn toàn có thể xảy ra khi trẻ bắt đầu bước vào lứa tuổi biết đi, hiếu động, thích chạy nhảy. Do đó nắm vững kĩ năng sơ cứu, xử lý, theo dõi và đưa trẻ đi khám kịp thời là điều cần thiết với mọi ông bố bà mẹ.
1. Cách sơ cứu khi bé bị ngã đập đầu phía sau
Dưới đây là hướng dẫn của bác sĩ Hồ Trung Tín, Bệnh viện Nhi đồng Thành Phố- HCM về các bước xử lý khi thấy con bị ngã:
– Khi bé bị ngã đập đầu trước tiên bạn hãy tìm cách xoa dịu bé, cố gắng không phản ứng quá mức nếu cú ngã hay va chạm nhẹ, không gây tổn thương nghiêm trọng khiến bé hoảng sợ.
– Nếu trẻ lớn có thể nhận biết được, phụ huynh hãy hỏi trẻ: nơi trẻ té ngã? Tư thế khi bị té ngã? Vị trí trẻ bị đau?.
– Trường hợp trẻ ngã rồi bất tỉnh, nôn ói, có chảy máu ra ở miệng hoặc mũi, tay chân co giật bất thường, bạn cần đưa đến cơ quan y tế gần nhất ngay.
2. Nếu bé ngã và bị chảy máu thì nên làm thế nào?
Bác sĩ Hồ Tín Trung cũng hướng dẫn thêm về cách cầm máu và băng bó vết thương cho trẻ trong trường hợp ra nhiều máu như sau:
- Làm một số động tác cầm máu tạm thời
- Rửa sạch các vết thương bằng nước sạch,
- Rửa tiếp bằng nước muối 0.9% hoặc thuốc sát trùng nếu có
- Dùng băng vô trùng băng cầm máu: Khi băng cần lựa tay ở mức độ vừa phải, không băng quá lỏng hoặc quá chặt để cho máu ở bên dưới vết thương vẫn được lưu thông.
Trường hợp vết thương quá to, gây chảy máu nhiều thì việc cầm máu là quan trọng nhất:
- Cần lau sạch hoặc gắp bỏ những vật có trong vết thương
- Băng ép vết thương lại bằng một lớp băng, ấn tay lên vết thương chừng năm phút để giúp cho việc cầm máu trước
- Chờ bác sĩ tới hoặc đưa trẻ tới phòng cấp cứu để lau rửa và khâu vết thương
3. Theo dõi bé sau khi bị ngã như thế nào?
Theo số liệu thống kê, trong 100 ca chấn thương đầu ở trẻ, chỉ khoảng 1 đến 2 ca có thể có nứt xương sọ mà thôi. Đa số các trường hợp nứt xương sọ, chỉ gây nhức đầu kéo dài tại nơi bị nứt, và thường cũng không cần can thiệp gì, tự lành hẳn trong vài tuần.
Ngoài ra có một số biến chứng như gây tổn thương não bên trong sẽ ảnh hưởng nguy hiểm đến tính mạng của trẻ. Chính vì vậy, cha mẹ cần quan sát, nếu thấy trẻ có các dấu hiệu như sau:
- Trẻ bị bất tỉnh (sau khi té, trẻ không tỉnh, không mở mắt, không đáp ứng).
- Có biểu hiện bị nôn ói nhiều lần sau đó (trên 2 – 3 lần).
- Xuất hiện những dấu hiệu thần kinh như co giật, yếu liệt tay chân, đi loạng choạng, không vững.
- Sau khi té, trẻ lừ đừ, mệt mỏi quá mức.
- Trẻ nhìn nhợt nhạt, không hồng hào như trước đây, và sự nhợt nhạt kéo dài trên 1 giờ.
- Có dấu hiệu chảy máu, hoặc có chất lỏng bất thường chảy ra từ tai, hoặc mũi.
- Trẻ quấy khóc, khó chịu kéo dài, không dỗ được.
- Con không nhận biết được người quen, và rối loạn về địa điểm, con người (tùy lứa tuổi).
- Ở trẻ lớn, nếu trẻ than phiền không nhìn thấy rõ, hoặc thấy một vật thành hai, nên cho trẻ đi khám ngay lập tức.
- Khi sờ đầu trẻ, thấy có chỗ lõm, hoặc vết bầm lớn tại chỗ ngay sau khi té.
- Trẻ có vết cắt chảy máu nhiều, dài và sâu.
- Nghe thấy tiếng động lạ trong tai.
- 24 giờ sau sự việc nhưng trẻ vẫn còn than nhức đầu.
- Trẻ nhỏ dưới 1 tuổi – đây là độ tuổi dễ bị chấn thương khó đoán, cũng như khó đánh giá bởi người nhà
Cha mẹ nên khẩn trương đưa trẻ đi khám để được khám, tư vấn và điều trị phù hợp với tình hình sức khỏe của trẻ!
Xem thêm:
Vào ngay Fanpage của theAsianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!