Mẹ bầu 8 tháng đau bụng lâm râm có thể là bình thường khi thai nhi đang ngày càng lớn. Tuy nhiên nếu mẹ thấy có thêm các dấu hiệu này thì cần cảnh giác.
Bà bầu 8 tháng đau bụng lâm râm, những nguyên nhân thường gặp có thể mẹ chưa biết
Đau bụng khi mang thai là một trong những hiện tượng khá phổ biến khi mẹ bước vào những tháng cuối của thai kỳ. Tuy nhiên làm thế nào để biết được khi nào tình trạng đau bụng lâm râm đang báo hiệu những nguy hiểm đối với thai nhi.
Trước hết mẹ cần hiểu rõ về các nguyên nhân có thể gây ra cảm giác đau bụng lâm râm ở tháng thứ 8 như sau:
Cơn gò sinh lý
Đây còn được gọi là cơn gò chuyển dạ giả, xuất hiện nhiều vào các tháng cuối của thai kỳ, thường không đều và không có tính chu kỳ.
Những cơn gò này là bước đầu để tử cung luyện tập cho ngày sinh và rèn luyện khả năng chịu đựng của người phụ nữ. Cơn gò sinh lý có các đặc điểm sau:
- Kéo dài khoảng 30 giây, xuất hiện bất chợt (thường tự biến mất khi nghỉ ngơi), không thành cơn.
- Không có cảm giác đau đớn nhưng căng tức vùng bụng dưới hoặc cảm thấy đau lâm râm một chút.
Mẹ cần làm gì?
- Để giảm bớt cơn gò, mẹ bầu nên uống nhiều nước, chuyển sang tư thế giảm đau, dành thời gian nghỉ ngơi (nằm nghiêng sang bên trái).
- Nếu đã thử những biện pháp trên mà những cơn gò vẫn không biến mất hoặc xảy ra với tần suất dày hơn, mẹ nên đến bác sĩ khám ngay vì có thể sẽ bị sinh non.
Thai nhi lớn lên, dây chằng bị căng
Hiện tượng đau bụng khi mang thai là một triệu chứng hay xảy ra trong thai kỳ. Bình thường thai nhi nằm trong tử cung của mẹ để tăng trưởng, thai nhi của mẹ ngày càng lớn dần, đồng nghĩa với việc tử cung của mẹ cũng phải to lên để kịp cho thai nhi phát triển, kéo theo 2 dây chằng tròn 2 bên căng và lớn ra (chức năng của dây chằng tròn là cố định và giữ vững tử cung).
Khi người mẹ vận động nhiều, di chuyển thường xuyên sẽ kéo theo dây chằng căng nhiều hơn và dãn và gây nên những cơn đau bụng.
Mẹ cần làm gì?
- Mẹ nên nằm nghỉ ngơi
- Tránh vận động nhiều
- Không làm việc nặng
Triệu chứng đau bụng lâm râm sẽ hết, không cần dùng thuốc giảm đau.
Những cú đạp của bé có thể khiến mẹ đau bụng lâm râm
Vào tháng thứ 8, thai nhi sẽ đạp nhiều và mạnh hơn. Khi thai nhi bắt đầu đạp mạnh, thành bụng của người mẹ dần trở nên căng cứng hơn so với bình thường.
Đồng thời, người mẹ thường sẽ cảm thấy đau vùng bụng dưới. Tuy nhiên mẹ không cần phải quá lo lắng! Tình trạng này sẽ không kéo dài quá lâu khiến người mẹ cảm thấy khó chịu, chúng sẽ dần dần biến mất.
Bà bầu 8 tháng đau bụng lâm râm, những dấu hiệu nguy hiểm mẹ cần hết sức cảnh giác
Một số mẹ bầu bị đau bụng dưới khi mang thai là dấu hiệu thông báo tình trạng thai nhi không ổn định. Nếu có các dấu hiệu bất thường như dưới đây, mẹ bầu cần phải hết sức chú ý.
Mẹ bầu có thể bị chuyển dạ sinh non
Không giống như cơn gò sinh lý, nếu mẹ thấy cơn đau bụng thường xuyên, kèm rò rỉ nước ối, bong nút nhầy và đau lưng, rất có thể đó là dấu hiệu chuyển dạ, mẹ cần đến bệnh viện ngay.
Có thể mẹ bị nhau bong non
Nhau bong non là một căn bệnh phổ biến. Bất kì phụ nữ nào cũng có nguy cơ mắc bệnh nhau bong non.
Nhau bong xảy ra khi nhau thai tách ra khỏi thành tử cung trước khi mẹ chuyển dạ, trước khi em bé sinh ra. Lúc này, mẹ sẽ nhận thấy triệu chứng như:
- Đau bụng kèm chảy máu vùng kín
- Đau lưng
- Có các cơn co thắt mạnh
- Mệt mỏi, huyết áp thấp, nhịp tim nhanh, đau bụng, và đau lưng.
Mẹ cần làm gì?
Nếu có các dấu hiệu như trên, mẹ bầu cần đi khám càng sớm càng tốt để đảm bảo an toàn cho thai nhi.
Ngoài 2 nguyên nhân đau bụng phổ biến có thể gây nguy hiểm như trên, tình trạng đau bụng lâm râm khi mang thai tháng thứ 8 còn liên quan tới một số bệnh lý khác.
Chính vì vậy lời khuyên tốt nhất dành cho mẹ là cần theo dõi các cơn đau, nếu thấy bất thường, cần đi khám ngay, tìm nguyên nhân và được bác sĩ chỉ định xử trí thích hợp.
Xem thêm:
Vào ngay Fanpage của the Asianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!