Bà bầu mọc răng khôn phải làm sao, theo các bác sĩ nha khoa, việc nhổ răng khôn trong thai kỳ thường không được áp dụng, đặc biệt là giai đoạn 3 tháng đầu vì một số nguy cơ biến chứng.
Mẹ bầu mọc răng khôn có nguy hiểm không?
Răng khôn là tên gọi chung dành cho những chiếc răng hàm mọc cuối cùng ở mỗi bên hàm, hay còn được gọi với tên khác là răng số 8.
Những chiếc răng này không mọc ở trẻ nhỏ hay khi ở răng đã thay mà nó xuất hiện cuối cùng, thường ở những người từ 18 tuổi trở lên. Được gọi là răng khôn bởi vì chúng mọc khi con người đã trưởng thành, đã đủ khôn lớn để nhận thức mọi thứ.
Phụ nữ mang thai mọc răng khôn nên được khám và điều trị càng sớm càng tốt để không gây nguy hiểm tới cả mẹ và thai nhi như trường hợp dưới đây:
Chị Hà 24 tuổi (Hà Nội) mang thai 6 tuần thì mọc răng khôn, sợ ảnh hưởng đến con nên cố chịu đau, khi đi khám thì đã biến chứng.
Sau một tuần, chỗ mọc răng sưng to, chị mới đến bác sĩ khám. Thạc sĩ Trần Phương Bình, khoa Phẫu thuật hàm mặt, Bệnh viện Việt Nam – Cuba (Hà Nội) cho biết, bệnh nhân vào viện trong tình trạng không há được miệng do cứng hàm, má xuất hiện lỗ thủng và có nhiều mủ chảy ra từ phía trong. Chỗ sưng viêm có thức ăn ứ đọng lâu dần sưng to, chảy mủ. Thai phụ bị áp xe cơ cắn nên không há miệng được.
Bệnh viện phải hội chẩn với bác sĩ sản khoa, quyết định đình chỉ thai kỳ để điều trị bởi bệnh nhân phải dùng thuốc gây mê và nhiều kháng sinh. Kíp phẫu thuật đã mổ dẫn lưu dịch mổ, nhổ răng số 8 mọc lệch cho bệnh nhân và điều trị kháng sinh liều cao suốt 10 ngày.
Ngoài trường hợp đau lòng như trên, mẹ bầu còn có nguy cơ phải đối mặt với việc có thể khiến thai nhi bị suy hụt dinh dưỡng do người mẹ đau nhức, không ăn uống được.
Bà bầu mọc răng khôn phải làm sao, có nhổ được không?
Bà bầu không được khuyến khích nhổ răng khôn vì thế răng khó và dễ ảnh hưởng đến dây thần kinh. Đối với trường hợp răng khôn cần phải nhổ gấp như bị sâu vào đến tủy răng,… cần phải nhổ sớm thì chỉ có thể được nhổ bỏ khi thai nhi từ tháng thứ 4 – 7, giai đoạn mà thai đã phát triển hoàn thiện các cơ quan trong cơ thể nên việc nhổ răng 8 không gây ảnh hưởng nhiều.
Giai đoạn 3 tháng đầu khá nhạy cảm không nên nhổ răng khôn, 3 tháng cuối cơ thể người phụ nữ khá nặng nề nên việc nhổ răng cũng gây ảnh hưởng đến sức khỏe người mẹ.
Trường hợp răng khôn quá đau nhức, gây ảnh hưởng nặng nề thì việc nhổ bỏ cần có sự tư vấn và giám sát của bác sĩ sản khoa và nha khoa. Đồng thời mẹ bầu nên tìm đến những bệnh viện, cơ sở nha khoa có uy tín và chuyên môn để đảm bảo an toàn cho cả mẹ và thai nhi.
Bà bầu mọc răng khôn phải làm sao – Làm thế nào để giảm đau cho mẹ bầu?
Cùng với việc tuân theo hướng dẫn, điều trị của bác sĩ, mẹ bầu nên áp dụng một số cách này để giúp giảm bớt tình trạng sưng, đau khi mọc răng khôn.
1. Chườm nước đá
Đây là phương pháp được xem là gây tê tự nhiên và an toàn, mẹ bầu có thể dùng khăn bọc vài cục nước đá chườm ngay vùng má đang đau, mẹ bầu sẽ thấy giảm đau tức thì.
2. Súc họng hoặc ngậm nước muối ấm
Súc miệng hay ngậm nước muối loãng ấm trong khoảng 5 phút/lần. Nước muỗi ấm sẽ giúp diệt khuẩn, giảm tình trạng ê buốt răng cho bạn. Nên làm 2 lần/ ngày vào sáng sớm sau khi ngủ dậy và tối trước khi đi ngủ.
3. Sử dụng thuốc giảm đau
Trong một số trường hợp cần thiết, khi 2 phương pháp giảm đau nói trên không hiệu quả, mẹ bầu có thể phải sử dụng đến thuốc giảm đau.
Tuy nhiên đối với việc dùng thuốc trong thai kỳ, mẹ nên lưu ý không tự tiện mua thuốc về uống mà phải có đơn kê và chỉ định của bác sĩ vì một số loại thuốc với thành phần giảm đau có thể ảnh hưởng tới thai nhi, đặc biệt là giai đoạn 3 tháng đầu.
Xem thêm:
Vào ngay Fanpage của the Asianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!