Bà bầu có nên truyền nước không? Trong thời gian thai kì mẹ bầu thường mệt mỏi và không ăn uống nhiều ngày, lúc này mẹ có thể truyền nước và đạm với liều lượng theo chỉ định của bác sĩ.
- Vì sao nhiều bà bầu muốn truyền nước khi mang thai?
- Truyền nước, truyền dịch có những loại nào?
- Bà bầu có nên truyền nước không?
- Bà bầu cần lưu ý điều gì khi truyền nước?
Phương pháp truyền nước biển được nhiều mẹ bầu lựa chọn để khôi phục sức khỏe do ốm nghén, bỏ ăn, cảm cúm,…Truyền nước là biện pháp nhỏ giọt, truyền những dưỡng chất vào thẳng tĩnh mạch của người bệnh. Vì vậy, nếu mẹ bầu áp dụng phương pháp này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến thai nhi, mẹ bầu cần hết sức cân nhắc và tìm hiểu kĩ trước khi thực hiện. Hoặc đến ngay các trung tâm y tế để được thăm khám, làm theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa, không nên tự ý cho thai phụ truyền nước tại nhà.
Bài viết có phần đóng góp ý kiến chuyên môn từ bác sĩ Vũ Nhật Nam, Khoa Nội tổng hợp – Tim mạch – Lão học, Bệnh viện Quận Bình Thạnh.
Câu hỏi: Bà bầu có nên truyền nước không? Lưu ý điều gì khi truyền nước?
Trả lời:
Theo bác sĩ Vũ Nhật Nam, Khoa Nội tổng hợp – Tim mạch – Lão học, Bệnh viện Quận Bình Thạnh:
Hiện tượng mệt mỏi, chóng mặt hay gặp ở bà bầu là hết sức bình thường, xảy ra do sự thay đổi nội tiết tố, dinh dưỡng và thường sẽ hết sau 3 tháng đầu thai kỳ. Những trường hợp bà bầu mệt mỏi do ốm nghén hay ăn uống kém thông thường sẽ không nên truyền dịch.
Truyền nước sai thời điểm, sai nguyên nhân có thể dẫn đến nhiều nguy hiểm cho cả mẹ và bé. Đặc biệt truyền dịch trong trường hợp cơ thể không thích ứng và tiếp nhận có thể dẫn đến tình trạng sốt cao, sốc dịch truyền, co giật rất nguy hiểm, ảnh hưởng đến não bộ cũng như sự phát triển về thể chất của thai nhi. Chỉ khi có chỉ định của bác sĩ, bà bầu mới được truyền nước và không nên lạm dụng điều này.
Trong các trường hợp có chỉ định truyền nước, có một số nguyên tắc mà bà bầu cần phải tuân thủ để dảm bảo an toàn cho cả mẹ và thai. Loại dịch truyền sử dụng phải đúng theo chỉ định của bác sĩ, tương thích với bệnh án, có sự theo dõi chặt chẽ của bác sĩ về liều lượng. Bà bầu tuyệt đối không nên tự ý truyền mà phải đến cơ sở y tế hoặc có nhân viên y tế đến truyền và trực tiếp theo dõi để tránh hiện tượng sốc và có biện pháp xử lý kịp thời nếu có các tai biến xảy ra.
Vì sao nhiều bà bầu muốn truyền nước khi mang thai?
Ốm nghén khi mang thai là một trong những cơn ác mộng của các mẹ bầu, đặc biệt là đối với những mẹ bầu bị ốm nghén nặng. Ốm nghén khi mang thai dù nặng hay nhẹ cũng gây ảnh hưởng nhất định đến thể trạng của mẹ cũng như sức khỏe của thai nhi. Nếu mẹ ốm nghén nặng dẫn đến không ăn uống được gì và nôn ói thường xuyên, cơ thể sẽ bị mất nước và thiếu hụt chất dinh dưỡng. Vì vậy, nhiều mẹ muốn truyền nước, truyền dịch để bù nước và lấy lại năng lượng cho cơ thể. Thế nhưng, có bầu truyền nước được không?
Truyền nước, truyền dịch có những loại nào?
Theo các bác sĩ, có 3 nhóm dịch truyền phù hợp với những đối tượng khác nhau, bao gồm:
Nhóm cấp nước
Đây là phương pháp truyền nước giúp người bệnh bổ sung các chất điện giải như dung dịch lactate ringer, natri clorua 0,9%, bicarbonate natri 1,4%,… Đối tượng sử dụng phương pháp này thường là những trường hợp mất nước, mất máu do tiêu chảy, bỏng, ngộ độc, nôn ói,…
Nhóm cung cấp chất dinh dưỡng
Các dịch truyền trong nhóm này gồm có 4 loại nhỏ:
- Dịch truyền chứa đường, glucose các loại 5%, 10%, 30% giúp hạ đường huyết, phù hợp với đối tượng suy dinh dưỡng, người bệnh không ăn uống được bình thường, không tiêu hóa được thức ăn,…
- Truyền đạm hoa quả chứa vitamin và điện giải như Pantogen, Vitaplex dùng với các đối tượng ăn kém, giúp làm đẹp da và bổ sung vitamin cho cơ thể
- Đối với trường hợp người bệnh vừa trải qua phẫu thuật hoặc người bệnh suy dinh dưỡng, bác sĩ sẽ chỉ định truyền đạm, acid amin như Alversin, Aminoplasma
- Dịch truyền chứa Lipid (mỡ): loại này chỉ dùng cho trường hợp suy kiệt, sau phẫu thuật và cơ thể không hấp thu được lượng mỡ cần thiết
Nhóm đặc biệt
Chỉ trong những trường hợp đặc biệt cần bù nhanh chất albumin và lượng dịch tuần hoàn trong cơ thể, bác sĩ sẽ chỉ định người bệnh truyền dung dịch này. Nhóm đặc biệt gồm có các dung dịch chứa albumin, dung dịch dextran, haes-steril, gelofusin và dung dịch cao phân tử,…
Mẹ có thể quan tâm:
Khám phá thành phần dinh dưỡng bên trong thuốc bầu Prenatal và tất tần tật những điều mẹ cần biết trước khi sử dụng
Bà bầu có nên truyền nước không?
Bầu truyền nước có tốt không? Truyền nước là phương pháp giúp người bệnh khôi phục sức khỏe và lấy lại năng lượng được nhanh hơn. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể sử dụng phương pháp này, việc làm dụng truyền nước hay truyền dịch khi đang mệt có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng, thậm chí dẫn đến tử vong. Vì vậy, các mẹ bầu phải tuyệt đối cẩn thận khi quyết định truyền dịch.
Bầu truyền dịch được không? Việc bà bầu có nên truyền dịch không thì câu trả lời còn phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe của từng mẹ. Nếu bà bầu chỉ ốm nghén trong 3 tháng đầu và ở mức bình thường không quá nghiêm trọng thì việc truyền dịch là không cần thiết. Thay vào đó, mẹ nên ăn uống tẩm bổ và nghỉ ngơi thư giãn để lấy lại sức. Truyền dịch chỉ nên được thực hiện khi cơ thể thai phụ quá yếu và không thể ăn uống gì.
Theo các bác sĩ, truyền nước không ảnh hưởng đến sức khỏe thai nhi. Tuy nhiên, muốn truyền dịch an toàn, bà bầu cần đến những nơi uy tín, tay nghề cao, tuyệt đối nghe theo chỉ định của bác sĩ xem có thực sự cần thiết hay không và cần những loại dịch truyền nào. Tuyệt đối không tự ý truyền dịch ở nhà mẹ nhé. Bên cạnh đó, không nên dùng nước biển kéo dài thay thế cho việc ăn uống.
Mẹ có thể quan tâm:
Mẹ bầu dùng thuốc xịt mũi liệu có an toàn cho thai nhi?
Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng, nguyên trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ “Các bác sĩ cần xét nghiệm máu và khám tim, phổi, đo mạch…Trước khi ra quyết định bệnh nhân có cần truyền dịch hay không và truyền liều lượng bao nhiêu. Bởi nếu dịch truyền nhiều hơn tình trạng bệnh cần hoặc lạm dụng truyền dịch thì sẽ gây phù phổi, suy tim cho bệnh nhân. Trong quá trình truyền dịch, bác sĩ phải theo dõi sát bệnh nhân để giám sát diễn biến truyền và mức độ tiến triển bệnh. Nếu thực hiện không đúng thì cũng dễ xảy ra tai biến sốc phản vệ do tốc độ truyền quá nhanh.
Bệnh nhân không được tự ý truyền dịch mà không có sự chỉ định của bác sĩ, việc bổ sung không đúng các chất cần truyền cũng gây nguy hiểm đến tính mạng. Truyền dịch không đúng cách cũng có thể làm lây nhiễm bệnh mạn tính như viêm gan, HIV”.
Bà bầu cần lưu ý điều gì khi truyền nước?
- Dùng loại dịch truyền đúng với tình trạng mẹ đang gặp phải và liều lượng phù hợp theo chỉ định của bác sĩ là những điều cần lưu ý khi truyền dịch quan trọng nhất mà mẹ bầu cần biết.
- Có sự theo dõi chặt chẽ của bác sĩ để xử lý kịp thời trong trường hợp xảy ra tai biến
- Không nên tự ý truyền ở nhà mà nên đến các cơ sở y tế uy tín, tay nghề cao, tuân thủ quy tắc y khoa về truyền tiêm để hạn chế nhiễm trùng và nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm như HIV/AIDS, viêm gan siêu vi B,… và một số bệnh khác lây qua đường máu
- Khi thấy cơ thể có dấu hiệu bất ổn phải báo ngay với bác sĩ để có sự can thiệp kịp thời
Kết luận
Như vậy, bà bầu có nên truyền nước không thì câu trả lời còn phụ thuộc vào sức khỏe của từng người. Nói chung, truyền nước không phải là cách tối ưu để chữa bệnh hoặc tăng cường sức khỏe cho cơ thể. Nếu mẹ bầu chỉ bị ốm nghén nhẹ và cơ thể không quá yếu thì không cần thiết phải truyền nước. Thay vào đó, hãy cố gắng ăn uống, bổ sung vitamin và các khoáng chất cần thiết, đặc biệt là chất sắt và axit folic, uống nhiều nước để cơ thể có đủ chất dinh dưỡng nuôi thai nhi.
Nguồn tham khảo: Khi nào thì cần truyền dịch vào cơ thể? – Bệnh viện Bạch Mai
Xem thêm:
Vào ngay Fanpage của the Asianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!