Ở tam cá nguyệt thứ nhất, dẫu những cơn đau đầu luôn “bủa vây” thì mẹ bầu cũng đừng nên quá lo lắng. Tình trạng bà bầu đau đầu rất thường thấy bởi trong quãng thời gian này, nội tiết tố thay đổi liên tục, ảnh hưởng đến quá trình lưu thông máu dẫn đến đau đầu. Chúng sẽ giảm dần trong những tam cá nguyệt tiếp theo hoặc ngay khi nội tiết tố thai kỳ đã dần ổn định.
Nguyên nhân gây đau đầu ở bà bầu
Vào 3 tháng đầu của thai kỳ, sự thay đổi hormone, căng cơ, thay đổi vóc dáng, xáo trộn tuần hoàn máu ở cơ thể bà mẹ sẽ làm xuất hiện những cơn đau đầu ở bà bầu. Tuy nhiên, nhiều bà mẹ xuất hiện chứng đau nửa đầu trong quý I của thai kỳ. Đau nửa đầu có biểu hiện đau nhói một bên đầu, kèm theo khó chịu khác như nôn hoặc buồn nôn.
Những cơn đau đầu lặp lại vào 3 tháng cuối là do trọng lượng của thai nhi tăng lên, cản trở quá trình lưu thông máu lên não.
Ngoài ra, một số yếu tố khác làm tăng chứng đau đầu ở bà mẹ là: stress, mệt mỏi, chế độ ăn uống quá nhiều caffein, thiếu ngủ, uống ít nước, đói, hạ đường huyết…
Các dạng của đau đầu khi mang bầu
Hầu hết các cơn đau đầu khi mang thai là đau đầu nguyên phát. Điều này có nghĩa rằng cơn đau đầu xảy ra do tự phát, không phải dấu hiệu hoặc triệu chứng của biến chứng hay rối loạn khác trong thai kỳ. Tình trạng nhức đầu nguyên phát bao gồm:
- Bệnh đau nửa đầu
- Đau đầu từng cụm
- Đau đầu do căng thẳng
Các chuyên gia đã chia sẻ, khoảng 26% trường hợp bà bầu đau đầu là do căng thẳng. Hãy thông báo cho bác sĩ nếu bạn đau đầu mạn tính hoặc đau nửa đầu khi mang thai hoặc có tiền sử mắc bệnh đau nửa đầu.
Các dấu hiệu phổ biến khi bà bầu đau đầu
Cơn đau đầu của mỗi mẹ bầu đều không giống nhau, bạn có thể gặp một số triệu chứng như:
- Đau âm ỉ
- Mạch đập
- Đau nhói sau một hoặc cả hai mắt
- Đau dữ dội ở một hoặc cả hai bên đầu.
Bệnh đau nửa đầu cũng bao gồm:
- Buồn nôn
- Điểm mù
- Nôn mửa
- Hoa mắt
Cách trị đau đầu cho bà bầu bằng phương pháp tự nhiên
Thay vì cố chịu đựng cơn đau đầu khiến mẹ bầu mệt mỏi, bạn có thể thử những biện pháp từ thiên nhiên để giúp làm giảm triệu chứng:
Massage
Việc xoa bóp khu vực lưng, vai, gáy, cổ và đầu là một cách tuyệt vời để hỗ trợ những cơn đau đầu hoặc đau nửa đầu. Hãy nhờ chồng massage những khu vực này bằng dầu khuynh diệp sẽ giúp giảm đau hiệu quả.
Chườm ấm/lạnh
Cách chườm nóng hoặc lạnh đều giúp chữa đau đầu cho bà bầu. Chườm nóng sẽ làm giãn nở mạch máu và làm tăng lưu thông máu ở khu vực bị đau, hỗ trợ loại bỏ các cục máu có thể khiến cơn đau đầu xuất hiện.
Tình trạng các mạch máu mở rộng là một trong những lý do phổ biến cho chứng đau nửa đầu khi mang thai. Để thoát khỏi cơn đau đầu dai dẳng này, hình thức chườm lạnh thường trở thành phương thuốc tốt nhất. Bạn hãy dùng một chiếc khăn nhúng qua nước lạnh và đắp lên vùng trán sẽ giúp thắt chặt các mạch máu, thu nhỏ mô cơ và da ở khu vực này, từ đó giúp giảm cơn đau.
Uống đủ nước
Phương pháp điều trị đau đầu cho bà bầu hiệu quả nhưng lại bị bỏ qua nhiều nhất chính là uống đủ nước. Hầu hết mọi người đều đánh giá thấp khả năng giảm đau đầu của nước. Nước có vai trò chủ chốt, cần thiết cho quá trình lưu thông máu cùng các khoáng chất quan trọng trong cơ thể.
Uống nhiều nước lọc sẽ hỗ trợ điều trị và ngăn ngừa các cơn đau đầu, cung cấp năng lượng cho cơ thể bằng cách điều chỉnh enzyme, protein và vitamin ở mức cân bằng, thích hợp.
Dùng tinh dầu lavender
Dầu lavender (hoa oải hương) là một phương thuốc an toàn để điều trị cho bà bầu đau đầu. Hương thơm của hoa có khả năng ổn định tâm trạng, giảm căng thẳng, giảm mức độ của cơn đau. Nếu bạn bị đau đầu khi mang thai với cường độ liên tục, đừng bỏ qua liệu pháp mùi hương từ tinh dầu oải hương nhé.
Xông hơi
Nếu bị đau đầu do nghẹt mũi, viêm xoang khi mang thai, bạn có thể thử xông hơi để làm thông thoáng khoang xoang, giảm bớt triệu chứng đau. Nhỏ một vài giọt tinh dầu sả chanh vào chậu nước xông cũng sẽ tăng thêm khả năng thư giãn.
Ngăn ngừa đau đầu cho bà bầu
Bà bầu bị đau đầu tam cá nguyệt thứ nhất thường không có cách ngăn ngừa bởi chúng đến từ việc nội tiết tố thay đổi. Tuy nhiên, việc thay đổi một số lối sống cũng giúp làm giảm nguy cơ bạn mắc phải cơn đau đầu:
Ăn uống đầy đủ
Lượng đường trong máu thấp do mẹ bầu bỏ bữa hoặc đói bụng có thể gây đau đầu khi mang thai. Do vậy, bạn vẫn nên dự trữ sẵn bên người một hũ nhỏ các loại hạt tốt cho bà bầu, trái cây hay vài gói bánh nhỏ để có thể nạp năng lượng những lúc cảm thấy đói nhé.
Nghỉ ngơi đầy đủ
Việc đảm bảo giấc ngủ giúp giảm thiểu sự tái phát của những cơn đau đầu hoặc đau nửa đầu. Ngoài ra, mẹ bầu lên giường đúng giờ hoặc sớm hơn nữa cũng rất tốt cho sức khỏe vì sẽ hỗ trợ giảm thiểu căng thẳng, mệt mỏi và hồi phục năng lượng sau ngày dài hoạt động.
Cắt giảm caffeine
Nếu bạn là con nghiện cà phê đích thực thì quãng thời gian mang thai đồng nghĩa với việc đã đến lúc nói lời tạm biệt với thức uống yêu thích này rồi đấy. Tuy nhiên, đừng kiêng cà phê quá đột ngột bởi cơ thể sẽ phản đối mà thay vào đó, mẹ bầu nên cắt giảm từ từ lượng cà phê mình uống mỗi ngày cũng như pha loãng cà phê cùng nước, sữa.
Chú ý đến thực phẩm
Một số loại thực phẩm nhất định (như chocolate, các loại thịt bảo quản như xúc xích, rượu hay rượu vang đỏ, thức uống chứa caffeine…) có thể khiến mẹ bầu đau đầu sau khi ăn. Do vậy, bạn hãy chú ý đến yếu tố này và hạn chế ăn những món như vậy.
Hít thở
Tình trạng thiếu không khí trong lành cũng dễ dàng khiến phụ nữ mang thai cảm thấy khó chịu hoặc thậm chí đau đầu. Vậy nên, mẹ bầu hãy chú ý tránh ra ngoài vào những ngày nóng bức, không khí ngột ngạt hoặc những nơi có mùi hương mạnh, mùi nồng nặc.
Ngoài ra, khi ở nhà, bạn có thể mở cửa sổ để không khí trong nhà lưu thông, mát mẻ. Ngoài ra, mẹ bầu cần tránh mặc trang phục quá bó sát và không thấm hút mồ hôi tốt.
Yếu tố môi trường
Một số tác động từ bên ngoài như ánh sáng quá chói và âm thanh ồn ào sẽ làm bà bầu đau đầu bởi quá trình mang thai khiến bạn trở nên nhạy cảm hơn bao giờ hết. Để hạn chế tình trạng này xảy ra, mẹ bầu hãy cố gắng tránh đến những nơi có quá nhiều ánh sáng rực rỡ, chói mắt và ưu tiên địa điểm yên tĩnh cho các buổi họp mặt, trò chuyện.
Vận động cơ thể
Bà bầu tập thể dục không những cải thiện sức khỏe, giảm stress, hỗ trợ quá trình sinh nở diễn ra dễ dàng hơn mà còn hạn chế sự xuất hiện của các cơn đau đầu không cần thiết. Các hình thức vận động được khuyến khích bao gồm:
- Yoga
- Đi bộ
- Bơi lội
- Đạp xe trong nhà
- Tập thở khi mang thai.
Nếu những biện pháp trên không hiệu quả, những cơn đau đầu trở nên nghiêm trọng như cản trở giấc ngủ, kèm theo dấu hiệu sốt, đau bụng, đau răng, đau mắt…, tốt nhất, bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ để điều trị chứng đau đầu trong thời kỳ mang thai.
Xem thêm
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!