Áp xe buồng trứng là bệnh gì mà chị em nào nghe thấy cũng đều hốt hoảng. Là bệnh ở cơ quan sinh sản, chị em cần hiểu đúng và đủ về căn bệnh này để chủ động xử lý và ngăn ngừa các nguy cơ từ bệnh.
Nội dung bài viết:
- Áp xe buồng trứng là gì?
- Đối tượng dễ mắc áp xe buồng trứng
- Áp xe buồng trứng có nguy hiểm không?
- Dấu hiệu nhận biết bệnh
- Hướng điều trị
Bài viết có phần đóng góp ý kiến chuyên môn từ bác sĩ Vũ Nhật Nam, Khoa Nội tổng hợp – Tim mạch – Lão học, Bệnh viện Quận Bình Thạnh.
Áp xe buồng trứng là gì?
Có thể nói áp xe buồng trứng là 1 trong những biến chứng nghiêm trọng nhất của bệnh viêm nhiễm ở cơ quan sinh dục nữ. Bệnh ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và có thể dẫn đến vô sinh. Nguyên nhân áp xe buồng trứng thường xuất phát từ viêm vùng chậu do kết quả của viêm nhiễm các cơ quan sinh dục bên ngoài gồm tử cung, âm đạo. Tác nhân gây bệnh thường do vi khuẩn xâm nhập vào âm đạo/niệu đạo sau đó lây lan ngược dòng lên cơ quan sinh sản bên trong.
Bạn có thể chưa biết:
Phụ nữ bị suy buồng trứng sớm có thai được không?
Điều trị áp xe vú như thế nào để không tái phát và gọi sữa về hiệu quả?
Tại buồng trứng, tác nhân gây bệnh xâm nhập ống dẫn trứng, buồng trứng và gây viêm buồng trứng. Viêm buồng trứng kéo dài không được điều trị hoặc điều trị không hiệu quả sẽ gây áp xe buồng trứng. Đây là một túi chứa đầy dịch mủ, xác các tế bào viêm và vi trùng bên trong buồng trứng. Từ buồng trứng, các tác nhân gây bệnh còn có thể di chuyển đến các bộ phận khác như vòi trứng, lòng tử cung… gây áp xe phần phụ.
Những ai có nguy cơ bị bệnh này?
- Phụ nữ bị viêm vùng chậu nhưng không được điều trị hoặc điều trị không hiệu quả.
- Quan hệ tình dục sớm từ thời niên thiếu hoặc quan hệ với nhiều người mà không sử dụng các biện pháp bảo vệ an toàn. Phụ nữ sử dụng dụng cụ tử cung để tránh thai cũng có nguy cơ mắc bệnh.
- Hệ thống miễn dịch bị suy yếu bẩm sinh hay do các bệnh lý như tiểu đường, HIV/AIDS hoặc đang hóa trị liệu.
- Sử dụng phương pháp kích thích buồng trứng để điều trị vô sinh.
- Có tiền căn viêm túi thừa, viêm ruột thừa hoặc viêm ruột hoại tử.
- Nhiễm trùng máu.
Bệnh áp xe buồng trứng có nguy hiểm không?
Nhiều chị em lo lắng không biết bệnh áp xe buồng trứng có nguy hiểm không. Câu trả lời là có. Sự nguy hiểm của căn bệnh này nằm ở những biến chứng của nó:
- Khi vi khuẩn từ khối áp xe buồng trứng di chuyển sang các cơ quan lân cận như vòi trứng, tử cung, chúng sẽ gây ra áp xe phần phụ. Nếu khối áp xe này bị vỡ ra, dịch viêm sẽ lan tràn khắp vùng chậu, xâm lấn vào đường máu và đi đến các cơ quan khác trong cơ thể, gây ra nhiễm trùng huyết, sốc nhiễm trùng,… rất nguy hiểm cho cơ thể.
- Bệnh gây tổn thương và suy giảm chức năng buồng trứng. Nếu để dẫn tới viêm ống dẫn trứng, viêm tử cung, dù sau này có được điều trị triệt để thì chị em vẫn có năng bị vô sinh khá cao do vết sẹo bị dính gây tắc nghẽn ở vòi trứng.
- Bệnh có thể gây tử vong nếu không được điều trị kịp thời . Nhiều trường hợp phải cắt bỏ tử cung và phần phụ để bảo toàn tính mạng cho người bệnh.
Phụ nữ mắc bệnh này có khả năng mang thai an toàn không? Theo bác sĩ Vũ Nhật Nam, Khoa Nội tổng hợp – Tim mạch – Lão học, Bệnh viện Quận Bình Thạnh: Nếu không được điều trị đúng cách, áp xe buồng trứng dễ dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm. Viêm nhiễm vùng chậu, nặng hơn là viêm phúc mạc, có thể là biến chứng từ áp xe buồng trứng, dễ dẫn đến nhiễm khuẩn huyết, sốc nhiễm trùng gây tăng nguy cơ tử vong cho người bệnh.
Một biến chứng khác cũng có thể gặp là tình trạng vô sinh ở nữ giới, do buồng trứng bị ảnh hưởng, suy giảm chức năng. Vì vậy, khi có các triệu chứng của viêm đường sinh dục, người bệnh nên chủ động đến khám và kiểm tra tại cơ sở y tế để phát hiện và điều trị kịp thời, nhằm phòng ngừa bệnh diễn tiến đến áp xe buồng trứng và các biến chứng nguy hiểm khác.
Dấu hiệu nhận biết bệnh áp xe buồng trứng
Theo bác sĩ Nam: Áp xe buồng trứng là tình trạng buồng trứng xuất hiện túi mủ. Đây là bệnh lý khá nguy hiểm nếu không được điều trị đúng và kịp thời. Bệnh thường gây nên do tình trạng viêm nhiễm đường sinh dục, khi vi khuẩn xâm nhập theo ống dẫn trứng đến buồng trứng và tạo mủ.
Bệnh thường biểu hiện bằng cảm giác đau âm ỉ vùng hạ vị, tăng lên khi vận động hoặc khi quan hệ tình dục, cảm giác trằn nặng vùng bụng dưới, đôi khi kèm theo rối loạn kinh nguyệt, thường là chảy máu âm đạo bất thường dù chưa tới kì kinh.
Bệnh áp xe buồng trứng chữa trị như thế nào và có phải mổ không?
Nhìn chung, có 2 cách điều trị áp xe buồng trứng tùy theo tình trạng của bệnh nhân và đặc điểm của khối áp xe.
Bạn có thể chưa biết:
Mẹ bị u nang buồng trứng khi mang thai liệu có thể sinh con an toàn?
Cô gái 25 tuổi nhưng buồng trứng lão hoá như phụ nữ 50, phải tạm biệt giấc mơ làm mẹ
Điều trị bằng kháng sinh
Phần lớn các ổ áp xe nhỏ có đường kính dưới 9cm và chưa vỡ sẽ được điều trị bằng kháng sinh đơn thuần, mức độ thành công của phương pháp điều trị này chiếm khoảng 70% tất cả trường hợp và dành riêng cho đối tượng chưa mãn kinh.
Tuy nhiên, những đối tượng có ổ áp xe lớn hơn 9cm nhưng có tiền sử phẫu thuật vùng chậu dính nhiều hay mong muốn bảo tồn khả năng sinh sản thì có thể điều trị kháng sinh đơn thuần với điều kiện tình trạng lâm sàng phải ổn định.
Phẫu thuật
Nếu điều trị bằng kháng sinh không hiệu quả, bệnh nhân có các triệu chứng như sốt không giảm, đau vùng chậu, khối áp xe lớn, bạch cầu trong máu không giảm, có dấu hiệu nhiễm trùng huyết thì có thể cân nhắc thực hiện phẫu thuật.
Các phương pháp phẫu thuật gồm có: Phá các ổ áp xe và dẫn lưu mủ, cắt tai vòi hoặc 2 phần phụ có khối áp xe để đề phòng tái phát về sau. Nếu bệnh nhân lớn tuổi, không cần bảo tồn khả năng sinh con thì có thể cắt hoàn toàn tử cung, 2 phần phụ và dẫn lưu.
Đặc biệt, nếu nghi ngờ ổ áp xe đã vỡ thông qua các dấu hiệu lâm sàng như hạ huyết áp, nhịp tim nhanh, thở nhanh, có dấu hiệu phản ứng phúc mạc cấp tính hoặc nhiễm toan… thì bệnh nhân buộc phải được phẫu thuật ngay để bảo đảm tính mạng. Đối với phương pháp phẫu thuật, bệnh nhân vẫn nên sử dụng kháng sinh 2 giờ trước phẫu thuật.
Áp xe buồng trứng là một bệnh lý vô cùng nguy hiểm ở nữ giới, tuy nhiên bệnh nay có thể phòng ngừa được bằng các giữ vệ sinh bộ phận sinh dục, quan hệ tình dục lành mạnh và đi khám ngay khi có triệu chứng báo hiệu của bệnh viêm sinh dục.
Xem thêm:
Vào ngay Fanpage của theAsianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!