Xét nghiệm nội tiết chuẩn bị mang thai là bước quan trọng mà các cặp vợ chồng cần thực hiện trước khi có em bé. Điều này sẽ giúp quyết định mức độ hiệu quả của việc mang thai. Đặc biệt, nếu bạn cần các biện pháp hỗ trợ sinh sản, việc xét nghiệm là vô cùng quan trọng. Vậy xét nghiệm nội tiết là gì và bao gồm những bước nào?
Tại sao cần xét nghiệm nội tiết chuẩn bị mang thai?
Việc xét nghiệm nội tiết là rất quan trọng khi bạn có kế hoạch sinh em bé. Mục đích của xét nghiệm là để đánh giá sức khỏe sinh sản của hai vợ chồng. Đối với nữ giới, xét nghiệm giúp kiểm tra hoạt động và khả năng dự trữ noãn ở buồng trứng.
Để từ đó, bác sĩ có thể đánh giá các nguy cơ về rối loạn nội tiết và vô sinh. Nếu phát hiện chức năng sinh sản có vấn đề, bác sĩ sẽ lên kế hoạch để điều trị.
Xét nghiệm giúp đánh giá khả năng sinh sản
Về phía nam giới, xét nghiệm nội tiết nhằm đánh giá 4 loại hoóc-môn: testosterone, androgen, FSH và LH. Đây là 4 chất đóng vai trò điều hòa, đảm bảo các hoạt động của hệ hạ đồi – tuyến yên – tinh hoàn. Ngoài ra, nó còn giúp quá trình sinh tinh diễn ra bình thường. Những bất thường của nội tiết tố này dẫn đến nguy cơ rối loạn sinh tinh và thụ thai kém.
Các xét nghiệm nội tiết chuẩn bị mang thai dành cho nữ
Xét nghiệm progesterone
Đây là một trong những xét nghiệm nội tiết quan trọng nhất đối với phụ nữ chuẩn bị mang thai. Nồng độ progesterone trong cơ thể phải được duy trì ở mức cao mới có thể bảo vệ thai nhi.
Progesterone là hoóc-môn giúp thúc đẩy sự phát triển của tuyến vú và niêm mạc tử cung. Đồng thời, nó cũng ức chế quá trình chín và rụng trứng. Đối với nữ giới trong kỳ kinh, nồng độ progesterone dao động từ 5 – 20 ng/mL là phù hợp.
Nếu nồng độ của progesterone ở phụ nữ không mang thai cao hơn ngưỡng trên sẽ dẫn đến một số triệu chứng tiêu cực như: mệt mỏi, đau tức ngực, nổi mụn, giảm ham muốn, khô âm đạo… Nghiêm trọng hơn, nó sẽ khiến tinh thần sa sút và bị trầm cảm. Quan trọng, khi sự cân bằng giữa progesterone và estrogen không còn, phụ nữ sẽ bị rối loạn kinh nguyệt, ảnh hưởng đến quá trình rụng trứng và giảm khả năng sinh sản.
Xét nghiệm estrogen
Ngoài progesterone, estrogen cũng là hoóc-môn quan trọng đối với phụ nữ. Nói về estrogen, người ta sẽ quan tâm đến dạng phổ biến nhất là estradiol hay E2.
Estrogen là hoóc-môn quan trọng đối với nữ giới
Quy trình xét nghiệm nội tiết estrogen là để đo nồng estradiol trong cơ thể. Giới hạn thông thường dao đông từ 70 – 220 pmol/L hoặc 20 – 60 pg/mL. Khi nồng độ vượt quá mức này sẽ khiến bạn bị rối loạn cảm xúc, rối loạn kinh nguyệt, đau đầu, nhức răng… Nguy hiểm hơn, nguy cơ mắc bệnh ung thư vú sẽ bị tăng lên.
Xét nghiệm testosterone
Mặc dù testosterone là hoóc-môn nam giới nhưng nó cũng xuất hiện trong cơ thể của phụ nữ. Vai trò của hoóc-môn này là tăng khoái cảm và ham muốn tình dục.
Nồng độ testosterone bình thường nằm trong khoảng 15 – 70mg/dL. Nếu nồng độ cao hơn ngưỡng này là dấu hiệu cho thấy bạn có nguy cơ mắc bệnh đa nang buồng trứng hoặc những dạng u khác.
Xét nghiệm AMH
Đây là một trong những xét nghiệm quan trọng giúp chẩn đoán và điều trị hiếm muộn. Vai trò của xét nghiệm AMH là để đánh giá khả năng sinh sản của buồng trứng.
Bởi vì AMH trong cơ thể có nồng độ khá ổn định, nên việc xét nghiệm có thể diễn ra bất cứ lúc nào. Ngưỡng an toàn đối với nồng độ AMH ở phụ nữ là từ 2 – 6,8 ng/ml.
Xét nghiệm Prolactin
Prolactin là hoóc-môn liên quan đến quá trình tiết sữa ở phụ nữ mang thai. Nồng độ prolactin được cho là an toàn khi ở mức 127 – 637 μU/mL.
Đối với mẹ bầu đang cho con bú, nồng độ prolactin cao hơn bình thường có thể không gây ảnh hưởng. Thế nhưng, với những chị em không mang thai, nồng độ này quá cao là dấu hiệu của vô sinh.
Xét nghiệm nội tiết chuẩn bị mang thai dành cho nam
Xét nghiệm testosterone
Testosterone là hoóc-môn quan trọng hàng đầu đối với khả năng tình dục và sức khỏe sinh sản của nam giới. Việc xét nghiệm nồng độ testosterone khá đơn giản, thường được tiến hành vào buổi sáng.
Không chỉ nữ giới mà đàn ông cũng cần xét nghiệm nội tiết để chuẩn bị cho việc sinh con
Để cho kết quả chính xác, trước khi tiến hành xét nghiệm, người đàn ông cần ngưng sử dụng các loại thuốc điều trị làm ảnh hưởng đến lượng testosterone trong máu. Nồng độ testosterone bình thường dao động từ 300 – 1000 ng/dl. Kết quả cho nồng độ thấp hơn mức này là dấu hiệu của chứng rối loạn cương dương và vô sinh.
Xét nghiệm FSH
Chỉ số FSH được sử dụng để phân biệt giữa suy sinh dục có hoặc không kèm suy hạ đồi với cường hạ đồi. Thông thường, chỉ số FSH dao động từ 2 – 12 mIU/ml.
Nếu kết quả xét nghiệm cho thấy chỉ số FSH cao hơn mức này, điều đó có nghĩa là tinh hoàn không đáp ứng tốt với kích thích do nội tiết hướng sinh dục tạo ra. Bởi vì quá trình sinh tinh bị tổn thương nên tinh hoàn không thể sản xuất tinh trùng. Ngược lại, chỉ số FSH quá thấp là nguyên nhân dẫn đến suy hạ đồi và tuyến yên.
Những thông tin trên giúp các cặp đôi hiểu hơn về quy trình xét nghiệm nội tiết chuẩn bị mang thai. Nếu hai vợ chồng đã sẵn sàng cho việc sinh em bé, bạn hãy mau chóng đến gặp bác sĩ để được tư vấn cụ thể.
Xem thêm:
Vào ngay Fanpage của the Asianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!