Thông thường, trước khi tiến hành xét nghiệm dung nạp glucose cho bà bầu, các bác sĩ sẽ giải đáp và tư vấn kĩ cho các thai phụ 7 câu hỏi thường gặp về phương pháp xét nghiệm chẩn đoán trước sinh này.
Xét nghiệm dung nạp glucose nhằm mục đích gì?
Trong thời kỳ mang thai, có không ít bà bầu bị tiểu đường thai kỳ – tình trạng xảy ra do sự tăng lên đột ngột của lượng đường trong máu. Nguyên nhân là do các hormone của nhau thai làm rối loạn việc sản sinh insulin – 1 loại hormone giúp cơ thể chuyển hóa đường thành năng lượng và kiểm soát lượng đường trong máu. Khi tuyến tụy không sản xuất đủ lượng insulin cần thiết thì glucose trong máu sẽ tăng cao, gây bệnh tiểu đường thai kỳ hay còn gọi là đái tháo đường thai kỳ – GDM (gestational diabetes mellitus).
Tần suất xuất hiện của đái tháo đường thai nghén phụ thuộc vào nhiều yếu tố tác động khác nhau, chiếm tỷ lệ khoảng 4 – 10% trong tổng số phụ nữ mang thai.
Đây là 1 căn bệnh phổ biến nhưng lại không có nhiều biểu hiện cụ thể và thường dễ bị nhầm lẫn với các trạng thái khác trong thời kỳ thai nghén. Vì vậy, cần phải có các thông tin chỉ số đường trong máu để làm căn cứ xác định chính xác tình trạng và mức độ bệnh.
Xét nghiệm dung nạp glucose (Glucose tolerance test – GTT) là 1 trong những xét nghiệm tiểu đường thai kỳ vô cùng quan trọng và cần thiết nhằm mục đích phát hiện nguy cơ tăng đường huyết ở thai phụ để có hướng phòng và điều trị sớm, tránh được những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra trong quá trình mang thai như: Thiếu ối, đẻ non, thai lưu, sẩy thai…
Những mẹ bầu nào cần làm xét nghiệm dung nạp glucose?
Bất cứ phụ nữ mang thai nào cũng có thể phải đối mặt với nguy cơ bị tiểu đường thai kỳ. Vì vậy, bác sĩ thường tư vấn thực hiện kiểm tra đường huyết và làm xét nghiệm dung nạp glucose cho bà bầu vào thời điểm thích hợp để tầm soát nguy cơ bệnh. Đặc biệt, đối với những trường hợp có 1 hoặc nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ mắc tiểu đường thai kỳ thì sẽ được yêu cầu làm xét nghiệm đường huyết sớm và theo dõi chặt chẽ trong suốt thời gian mang thai:
- Chỉ số khối cơ thể lớn (BMI > 30)
- Bị quá cân, béo phì cả trước và trong khi đang mang thai
- Tiền sử gia đình có người mắc bệnh tiểu đường tuýp 2
- Phụ nữ mang thai từ 35 tuổi trở lên
- Các mẹ đã từng sinh con có cân nặng trên 4kg
- Trong những lần mang thai trước, thai phụ đã được xác định là mắc tiểu đường thai kỳ
- Mang đa thai.
Ngoài ra, nếu các bà bầu từng có tiền sử thai lưu 3 tháng cuối hoặc sinh con bị dị tật không rõ nguyên nhân, đang bị huyết áp cao hay mắc hội chứng buồng trứng đa nang thì đó đều là những yếu tố làm tăng nguy cơ bị đái tháo đường thai kỳ.
Xét nghiệm dung nạp glucose cho bà bầu được chỉ định thực hiện vào thời điểm nào của thai kỳ?
Hầu hết các chuyên gia chăm sóc sức khỏe thường đề nghị xét nghiệm tiểu đường thai kỳ từ tuần thai thứ 24 – 28 vì đây là khoảng thời gian bánh nhau phát triển hoàn thiện nhất, tăng sản xuất các nội tiết tố kích thích tiết hormone có tác dụng làm tăng đường máu để kháng lại hormone có tác dụng làm giảm lượng đường máu.
Xét nghiệm dung nạp glucose được đánh giá là 1 trong các phương pháp quan trọng để kiểm tra đường huyết cũng như là 1 trong 4 tiêu chuẩn để chẩn đoán chính xác đái tháo đường. Quá trình này tùy vào từng trường hợp sẽ có 1 hoặc 2 phần gồm:
Xét nghiệm thử glucose
Xét nghiệm thử glucose – GCT (glucose challenge test) là 1 xét nghiệm sàng lọc giúp chỉ ra nguy cơ. Giống như các xét nghiệm sàng lọc khác, GCT sẽ không đưa ra chẩn đoán mà chỉ là bước đệm để bác sĩ quyết định có cần thêm các kiểm tra khác hay không. Vì vậy, nếu kết quả ở phần xét nghiệm này là dương tính thì cũng không có nghĩa là mẹ mắc tiểu đường thai kỳ. Thực tế chỉ có khoảng 1/3 số thai phụ có kết quả xét nghiệm dương tính thực sự bị đái tháo đường thai kỳ.
Xét nghiệm dung nạp glucose
Khi kết quả xét nghiệm thử glucose là dương tính, mẹ bầu sẽ được chỉ định thêm xét nghiệm dung nạp glucose (GTT). Đây là một thí nghiệm lâu hơn và cho kết quả giúp khẳng định tình trạng tiểu đường thai kỳ. Nếu mẫu máu cho kết quả dương tính, bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị bệnh.
Trong 1 vài trường hợp, bác sĩ cũng có thể muốn kiểm tra sớm hơn tuần thai thứ 24 nếu xét nghiệm nước tiểu cho thấy kết quả có nhiều đường hoặc đối với thai phụ có yếu tố nguy cơ cao cũng cần phải thực hiện tầm soát bằng nghiệm pháp dung nạp đường ngay từ 3 tháng đầu của tam cá nguyệt thứ 1. Nếu kết quả bình thường cũng vẫn nên thực hiện lại 1 lần nữa vào tuần thai 24 – 28.
Cần chuẩn bị những gì trước khi tiến hành kiểm tra dung nạp glucose?
Để đảm bảo chỉ số đo nồng độ đường huyết trong máu được chính xác, trước khi tiến hành nghiệm pháp dung nạp glucose vào tuần thai đã được chỉ định, bác sĩ sẽ yêu cầu thai phụ tuyệt đối tuân thủ theo những lưu ý quan trọng sau:
- Thực hiện chế độ ăn uống cân bằng, bổ sung tối thiểu 150g carbohydrate mỗi ngày như trái cây, ngũ cốc, các loại hạt, gạo, bánh quy, rau củ quả… trong 3 ngày liên tiếp trước khi làm xét nghiệm
- Ít nhất trong vòng 8 tiếng, trước khi lấy mẫu máu đầu tiên, thai phụ không nên ăn uống, hút thuốc cũng như hoạt động quá mức
- Hãy cho bác sĩ biết thông tin về các loại thuốc đang sử dụng nếu có vì trong nhiều trường hợp, mẹ bầu sẽ được yêu cầu tạm ngừng sử dụng loại thuốc đó để không ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm cuối cùng
- Thực hiện xét nghiệm dung nạp glucose cho bà bầu có thể phải mất đến 4 giờ đồng hồ. Trong thời gian này, chị em hãy chọn 1 tư thế ngồi thoải mái, dễ chịu nhất và tuyệt đối không được di chuyển, vận động hay ăn uống gì vì có thể ảnh hưởng đến kết quả chẩn đoán cuối cùng
- Khi có bất kì vấn đề bất thường nào xảy ra trong thời gian diễn ra xét nghiệm, hãy trao đổi lại ngay lập tức với bác sĩ để đảm bảo quy trình thực hiện được an toàn và thuận lợi.
Quy trình thực hiện xét nghiệm
Xét nghiệm dung nạp glucose được tiến hành vào buổi sáng sau khi thai phụ nhịn ăn trong vòng 10 – 14 tiếng trước đó và đã nghỉ ngơi 30 phút. Đây là kỹ thuật đơn giản được thực hiện theo 3 bước sau:
- Lấy mẫu máu đầu tiên khi cơ thể đang đói, lấy làm tiêu chuẩn để so sánh với kết quả của 2 chỉ số glucose huyết sau đó
- Bệnh nhân được yêu cầu uống trực tiếp 1 loại nước đường có hàm lượng glucose phổ biến là 75g
- Mẹ bầu cần ngồi yên tại chỗ và sẽ được lấy máu để đo nồng độ glucose lần 2 và lần 3 sau 1 và 2 tiếng kể từ khi uống glucose.
Trong khi làm xét nghiệm, các chị em có thể gặp phải 1 số vấn đề sau:
- Dung dịch nước đường rất ngọt, không dễ uống chút nào, thậm chí có thể gây ra cảm giác nôn ói. Tuy nhiên, để xét nghiệm được hoàn thành, thai phụ hãy cố gắng uống hết trong vòng 5 phút
- Do lấy máu nhiều lần trong ngày nên các mẹ bầu có thể cảm thấy khó chịu, đi kèm cảm giác choáng và chóng mặt nhẹ. Mặc dù vây, lượng máu lấy đi rất ít chỉ khoảng 2ml nên xét nghiệm này hoàn toàn không làm cơ thể bị mất máu, thiếu máu và không gây nguy hiểm cho cả mẹ và thai nhi
- Tùy thuộc vào cơ địa mà 1 số trường hợp có thể bị bầm tím tại ví trí lấy máu hoặc tĩnh mạch bị viêm sau khi lấy máu nhưng hiện tượng này sẽ biến mất nhanh chóng sau đó.
Căn cứ đánh giá kết quả xét nghiệm
Xét nghiệm dung nạp glucose cho bà bầu đưa ra chỉ số đường huyết trong máu hay nói cách khác là nồng độ glucose – 1 loại đường đơn có trong máu. Kết quả này cho phép các bác sĩ chẩn đoán chính xác thai phụ có phải đối mặt với tình trạng đái tháo đường thai kỳ hay không.
Đường huyết thường được đo bằng milligrams trên deciliter (mg/dL) hoặc millimoles trên liter (mmol/L). Chỉ số đường huyết đo được ở 3 thời điểm trong xét nghiệm dung nạp glucose được đánh giá cụ thể như sau:
Kết quả bình thường nếu ở mức dưới đây:
- Khi đói: < 5,1 mmol/L (92mg/dL)
- Sau ăn 1 tiếng: < 10 mmol/L (180mg/dL)
- Sau ăn 2 tiếng: < 8.5 mmol/L (153mg/dL)
Kết quả bất thường được xác định theo những chỉ số như sau:
- Xét nghiệm mẫu máu lúc đói: từ 95mg glucose/100ml máu hoặc cao hơn
- Xét nghiệm mẫu máu 1 giờ sau đó: từ 180mg glucose/100ml máu hoặc cao hơn
- Mẫu máu xét nghiệm 1 giờ tiếp theo: 155mg glucose/100ml máu hoặc cao hơn
- Xét nghiệm mẫu máu 1 giờ tiếp đó: 140mg glucose/100ml máu hoặc cao hơn
Căn cứ vào chỉ số bất thường trên, bác sĩ sẽ đưa ra chẩn đoán cụ thể là:
- Nếu có 2 kết quả lớn hơn giới hạn: Bà bầu đã bị đái tháo đường thai nghén
- Có 1 kết quả lớn hơn giới hạn: Chẩn đoán rối loạn dung nạp đường trong thai nghén/ tiền đái tháo đường
- Khi glucose máu lúc đói ≥ 7,0 mmol/L thai phụ bị đái tháo đường lâm sàng
Làm gì tiếp theo khi bị đái tháo đường thai kỳ?
Khi được chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường thai kỳ, mẹ bầu sẽ được giới thiệu đến bác sĩ chuyên khoa nội tiết. Tại đây, bác sĩ tư vấn chế độ ăn, rèn luyện, vận động thích hợp cho tình hình bệnh lý của từng thai phụ. Các mẹ bầu đừng lo nhé, vì đa phần khoảng 90% thai phụ bị đái tháo đường thai kỳ có thể kiểm soát đường huyết tốt thông qua việc điều chỉnh ăn uống và tăng cường vận động. Chỉ một số ít thai phụ cần sử dụng thuốc để kiểm soát đường huyết. Dù điều trị bằng phác đồ nào hay không cảm thấy triệu chứng gì, mẹ bầu cũng cần tái khám đúng theo lịch hẹn của bác sĩ chuyên khoa để được theo dõi sức khỏe tốt nhất.
Xem thêm
Vào ngay Fanpage của theAsianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!