Vượt qua sảy thai là điều không dễ dàng đối với cả 2 vợ chồng. Nhưng đặc biệt ở góc độ người mẹ, nỗi đau cả về thể xác lẫn tinh thần tác động cực kỳ lớn khiến nhiều phụ nữ khó có thể gượng dậy được. 10 cách dưới đây có thể phần nào dẫn lối cho các mẹ tìm đường vượt qua nỗi đau, quay trở lại cuộc sống vui vẻ hơn.
1. Mẹ cần hiểu sảy thai là việc không hiếm
Một nghiên cứu từ Đại học Y ở Seattle, Mỹ cho thấy cứ 10 phụ nữ mang thai thì có 1 trường hợp sảy thai. Nhưng trên thực tế, con số đó có thể lên đến 2 hoặc 3 ca thai nhi không thể giữ được đến khi ra đời. Và 1/3 phụ nữ từng trải qua cảm giác mất mát tột cùng khi không thể gặp được đứa bé mình mong mỏi vì nhiều nguyên nhân.
Sảy thai tuy đau đớn nhưng rất thường gặp ở phần lớn phụ nữ
Những con số trên đây chỉ muốn nói với các mẹ rằng việc sảy thai không phải quá hiếm gặp, bạn không phải là người duy nhất và cũng chẳng phải vì bạn gây ra lỗi lầm hay quá thiếu may mắn mà gặp phải nỗi đau quá lớn này. Ngoài kia vẫn có rất nhiều người mẹ đang ở trong tình huống tương tự và cố gắng vượt qua.
2. Đừng đổ lỗi cho bản thân
Mang con trong bụng nhiều tháng liền, gắn kết 2 cơ thể là một nên đối với mẹ, sự mất mát còn kèm theo cảm giác tội lỗi. Đa số phụ nữ khi bị sảy thai đều tự trách mình và nghĩ là do mình bất cẩn, hành động không đúng khi mang thai, không biết chăm sóc cơ thể để ảnh hưởng đến con.
Nhưng suy nghĩ như vậy cũng không thể thay đổi được sự thật là bé đã rời đi. Mà cảm giác hối hận, dằn vặt chính mình là cách nhanh nhất để huỷ hoại sức khoẻ mẹ. Đặc biệt sau khi sảy thai, cơ thể mẹ còn rất yếu, trầm cảm chỉ làm tăng nguy cơ bệnh lý và sẽ gây khó khăn cho lần mang thai tiếp theo.
Trách móc chính mình là điều mẹ không nên làm
3. Chấp nhận cảm xúc đau buồn
Mất đi đứa bé bạn hằng mong mỏi là nỗi đau không gì sánh được đối với tất cả người mẹ. Cảm xúc đau buồn này quá lớn để có thể kềm chế, thay vì thế hãy để bản thân được buồn bã, thậm chí khóc cho thoả nỗi lòng. Các chuyên gia tâm lý đều đồng ý rằng cảm thấy đau buồn vì sự mất mát đó là rất bình thường, không phải là bệnh, phụ nữ cũng thường đau buồn lâu hơn.
4. Mạnh mẽ đối diện với nguyên nhân sảy thai
Tìm ra nguyên nhân sảy thai không thể giúp bé yêu quay trở lại mà còn có thể khiến người mẹ thêm suy sụp. Nhưng bạn phải mạnh mẽ đối diện với sự thật, vì chỉ có như thế bạn mới có thể có sự chuẩn bị, hoặc chữa trị kịp thời để lần mang thai sau được ổn định hơn.
5. Tìm sự chia sẻ từ bạn đời
Cả 2 vợ chồng đều chịu nỗi đau mất mát, nhưng ở phụ nữ thường lâu hơn
Cả vợ và chồng sẽ đều đau buồn sau khi bị sảy thai, nhưng sẽ đau buồn với khoảng thời gian khác nhau và theo nhiều cách khác nhau và thường phụ nữ khó vượt qua hơn. Trong lúc này, sự an ủi chia sẻ và gần gũi từ người bạn đời, một phần khác làm nên đứa bé là vô cùng cần thiết. Đừng tự dằn vặt mình hay cô lập gặm nhấm nỗi đau mà hãy mở lòng, tìm kiếm sự an ủi từ chồng.
6. Trò chuyện với bác sĩ tâm lý
Trong nhiều trường hợp, nếu người mẹ thật sự không thể vượt qua sảy thai sau một thời gian dài thì hãy đến gặp bác sĩ tâm lý. Tuy cảm xúc đau buồn không phải là bệnh, nhưng có thể gây ra bệnh nếu không được xoa dịu. Bác sĩ tâm lý sẽ giúp bạn ổn định cảm xúc và tìm lại sự cân bằng, vì dù thế nào bạn vẫn phải quay trở lại đối mặt với cuộc sống và mạnh mẽ sống tiếp.
7. Tham gia các hoạt động xã hội có ý nghĩa
Trồng cây là cách tưởng niệm phổ biến ở phương Tây
Ở phương Tây, khi mất đi một sinh linh chưa ra đời, bố mẹ tìm cách xoa dịu nỗi đau bằng các hoạt động xã hội có ý nghĩa tưởng niệm con. Như trồng một cái cây vì con, vẽ một bức tranh hay quyên góp những món đồ mua cho con và đến thăm những trẻ em mồ côi, có hoàn cảnh đặc biệt.
8. Tham gia các hội, nhóm đồng cảnh ngộ
Thay vì tự ôm lấy nỗi đau vì không ai thấu hiểu, mẹ hãy tham gia các cộng đồng những phụ nữ có hoàn cảnh tương tự. Từ những câu chuyện được chia sẻ có thể bạn sẽ tìm thấy sự đồng cảm, hi vọng và cảm giác được lắng nghe, giúp vượt qua sự mất mát dễ hơn.
9. Chăm sóc bản thân, vận động ngoài trời
Vận động là cách xoa dịu cảm xúc tiêu cực hiệu quả nhất. Hãy bước ra khỏi căn phòng, đi dạo trong công viên, chạy bộ, leo núi, hoà mình vào thiên nhiên để lấy lại năng lượng tích cực. Bên cạnh đó, bạn cũng phải chú ý đến chính mình, vực dậy cơ thể và cả bề ngoài để dần hoà nhập lại cuộc sống, vơi bớt đi nỗi đau.
10. Khám sức khoẻ và thời gian có thể mang thai trở lại
Mẹ cần chuẩn bị kỹ lường cho lần mang thai sau
Khi đã ổn định phần nào được tâm lý, mẹ có thể tìm hiểu về việc mang thai lần nữa. Đa số phụ nữ đã từng bị sảy thai sẽ tiếp tục cố gắng mang thai và thường đều có một đứa bé khỏe mạnh.
Nhưng trước tiên, rút kinh nghiệm lần đau thương trước, bạn hãy đến gặp bác sĩ, thăm khám sức khoẻ kỹ càng và nói về tình trạng của lần mang thai không thành vừa qua để có sự chuẩn bị tốt nhất.
Vượt qua sảy thai là việc không hề dễ dàng và cần nhiều thời gian, nhưng bạn nên hiểu rằng rồi nỗi đau nào cũng cần phải vượt qua, bạn phải tiếp tục sống thật tốt để chờ đón những thiên thần khoẻ mạnh sau này.
Xem thêm:
Tại sao ngày nay nhiều cặp vợ chồng lại không muốn có thêm con?
Tết hạnh phúc trọn vẹn đầu tiên của cặp vợ chồng hiếm muộn U60 lần đầu làm cha mẹ
9 điều khiến cuộc sống vợ chồng sau khi sinh con có thể biến thành địa ngục
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!