Vô sinh hiếm muộn hiện nay đang là thực trạng đáng lo ngại khi tỷ lệ khó có con và không thể có con ngày càng gia tăng. Vô sinh hiếm muộn là một dạng bệnh lý hay xuất phát từ những nguyên nhân nào khác? Hiểu đúng về vô sinh hiếm muộn là kiến thức sức khỏe sinh sản cần thiết đối với những cặp vợ chồng đang chờ đón con yêu. Hãy cùng theAsianparent Vietnam tìm câu trả lời trong bài viết dưới đây!
Thế nào được gọi là vô sinh hiếm muộn?
Vô sinh hiếm muộn thường được gọi thành một cụm từ chung như một thuật ngữ mô tả tình trạng các cặp vợ chồng đã quan hệ tình dục thường xuyên, không sử dụng các biện pháp tránh thai nhưng vẫn không thể có con trong vòng từ 6 tháng đến sau một năm.
Vô sinh và hiếm muộn tuy đều là các bệnh lý liên quan đến vấn đề sinh sản của cả nam và nữ nhưng lại là 2 mức độ khác nhau. Đối với trường hợp vô sinh, khả năng có con gần như là không thể còn những người mắc hiếm muộn vẫn có thể có con nhưng không thể thụ thai tự nhiên theo cách thông thường mà phải thực hiện các biện pháp can thiệp nội, ngoại khoa. Hiểu chính xác nhất thì vô sinh hiếm muộn là sự mất đi khả năng sinh sản tạm thời hoặc vĩnh viễn, có thể xảy ra ở vợ hoặc chồng và cũng có thể là cả hai.
Những người mắc hiếm muộn có thể mắc vô sinh nếu như không thể có con sau một thời gian dài. Để biết mình mắc vô sinh hay hiếm muộn cần phải tiến hành những xét nghiệm cụ thể để xác định chính xác và có phương án can thiệp thích hợp.
Có 2 dạng vô sinh hiếm muộn:
- Nguyên phát: Quan hệ tình dục bình thường trong hơn 1 năm nhưng chưa từng thụ thai thành công.
- Thứ phát: Đã từng thụ thai thành công và có ít nhất 1 đứa con nhưng không thể tiếp tục mang thai tự nhiên theo cách thông thường được nữa.
Vô sinh hiếm muộn: Do chồng hay do vợ?
Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, khả năng có thai của các cặp vợ chồng khỏe mạnh, tuổi dưới 30, có sức khỏe sinh sản bình thường là 20- 25% nếu quan hệ tình dục đều đặn từ 2 – 3 lần/tuần và không áp dụng bất cứ biện pháp tránh thai. Tỷ lệ có con sau 1 năm chung sống là 90%. Tỷ lệ này giảm dần theo độ tuổi. Tuổi càng cao thì khả năng thụ thai càng giảm. Phụ nữ dưới 25 tuổi có thể thụ thai chỉ sau 2 -3 tháng quan hệ đều đặn. Con số này đối với phụ nữ trên 35 tuổi là từ 6 tháng trở lên. Tương tự như ở phụ nữ, khả năng sinh sản ở nam giới bắt đầu suy yếu từ độ tuổi 40.
Chính vì vậy, cần phải hiểu đúng rằng khả năng sinh sản của các cặp vợ chồng phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Theo thống kê, tình trạng vô sinh hiếm muộn có thể bắt nguồn từ cả vợ hoặc chồng. Trong đó 30% khó có con là từ phía người chồng, 30% nguyên nhân hoàn toàn do người vợ và có đến 40% vô sinh hiếm muộn đều do cả 2 vợ chồng. Do đó, sau một thời gian cố gắng nhưng vẫn chưa nhận được tin vui thì lời khuyên dành cho các cặp vợ chồng là cần phải đi khám sàng lọc sớm cũng như làm các xét nghiệm cần thiết để phát hiện nguyên nhân nào dẫn đến vô sinh hiếm muộn.
Vô sinh hiếm muộn có những dấu hiệu gì đáng chú ý?
Dấu hiệu chính của vô sinh hiếm muộn là không thể thụ thai dù đã quan hệ tình dục thường xuyên mà không sử dụng các biện pháp tránh thai trong vòng 1 năm. Tuy nhiên, nếu trước khi kết hôn, 2 vợ chồng bạn không tiến hành khám sức khỏe tiền hôn nhân thì sự xuất hiện của một số vấn đề sau thường dễ bị bỏ qua hoặc nhầm lẫn với các dạng bệnh lý khác mà không biết rằng đó chính là dấu hiệu cảnh báo có thể bị vô sinh hiếm muộn.
Dấu hiệu vô sinh hiếm muộn ở nữ giới
Tình trạng vô sinh ở nữ thường liên quan đến các bệnh lý ở cơ quan sinh sản như buồng trứng, tử cung đi kèm một số yếu tố khác.
- Chu kỳ kinh nguyệt thất thường như lượng máu kinh nhiều hơn hẳn, chu kì kéo dài quá 7 ngày, đau bụng dữ dội, thậm chí vô kinh, tắt kinh từ 3 đến nhiều hơn 3 chu kỳ
- Ngực kém phát triển hoặc tiết dịch
- Khí hư bất thường màu xanh, vàng, có mùi hôi khó chịu, kèm theo hiện tượng ngứa rát vùng kín
- Có những cơn đau khi quan hệ tình dục, đau phần bụng dưới hoặc vùng xương chậu
Dấu hiệu ở nam giới
- Tinh dịch bất thường, có màu lạ như vàng, nâu, xanh kéo dài; tinh dịch loãng như nước lã hoặc bị vón cục
- Nam giới có bộ phận sinh dục bất thường như sưng bìu, xuất hiện u cục ở tinh hoàn, mọc mụn, viêm nhiễm hoặc cho đến khi trưởng thành mà tinh hoàn và dương vật có kích thước nhỏ hơn so với bình thường thì cũng cần phải hết sức lưu ý vì đó có thể là dấu hiệu cảnh báo của vô sinh hiếm muộn.
- Rối loạn cương dương, rối loạn đường tiểu có thể được nhận biết khi gặp tình trạng dương vật không cương cứng khi giao hợp, đi tiểu nhiều, đau buốt. Xuất tinh ngược dòng do tinh dịch không được phóng ra ngoài mà chảy ngược vào bàng quang sau đó ra ngoài qua đường tiểu.
Một số triệu chứng khác có thể gặp ở cả 2 giới
Ngoài những dấu hiệu rõ ràng ở kể trên, nếu đời sống chăn gối và thể trạng sức khỏe của cả 2 vợ chồng gặp phải 1 số vấn đề sau thì đó cũng là yếu tố để có thể xem xét và đánh giá có khả năng bị vô sinh hiếm muộn hay không:
- Chậm chạp, thiếu sức sống
- Không có ham muốn tình dục, né tránh đối phương
- Cơ thể gầy yếu hoặc béo phì, da vàng, tái xanh
Những nguyên nhân phổ biến có thể dẫn đến vô sinh hiếm muộn
Tình trạng vô sinh hiếm muộn có thể xuất phát từ nguyên nhân do bẩm sinh hoặc có thể do các nguyên nhân khách quan khác. Các nguyên nhân gây nên tình trạng hiếm muộn cũng có thể là nguyên nhân gây nên vô sinh và ngược lại. Thông thường, tình trạng vô sinh hiếm muộn đều có cùng nguyên nhân gây bệnh.
Nguyên nhân gây vô sinh thứ phát
Mặt trái của sự phát triển trong xã hội hiện đại ngày nay khiến con người phải thường xuyên làm việc, sinh hoạt trong môi trường độc hại và ô nhiễm. Việc phải tiếp xúc với hóa chất, phóng xạ, không khí bụi bẩn không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất nói chung mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản, giảm khả năng có con của các cặp vợ chồng.
Việc không duy trì một lối sống lành mạnh, thường xuyên uống nhiều rượu bia, cafe, sử dụng thuốc lá và các chất kích thích kèm theo sự buông thả trong quan hệ tình dục, sống thử, nạo phá thai không chỉ mang tới những hậu quả xấu cho sức khỏe mà còn gây ảnh hưởng đến hormone sinh dục. Về lâu dài, những người có lối sống như vậy thường rất dễ gặp phải các rối loạn về tình dục và khả năng sinh sản mà nặng nề nhất là có thể bị vô sinh.
Theo kết quả khảo sát của nhiều chuyên gia, độ tuổi kết hôn giữa nam và nữ giới ngày càng có chiều hướng muộn hơn. Tuổi tác cũng chính là một nguyên nhân phổ biến gây ra tình trạng vô sinh hiếm muộn bởi đây là yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của hormone sinh dục. Nếu kết hôn sau tuổi 30, cơ hội có thai càng giảm dần. Càng kết hôn muộn, càng gần giai đoạn mãn dục thì tỷ lệ đậu thai càng thấp.
Nguyên nhân gây vô sinh nguyên phát
Tình trạng vô sinh do bẩm sinh di truyền là một nguyên nhân chủ quan cần phải được phát hiện sớm và can thiệp điều trị. Ở nam giới, chủ yếu là do rối loạn nhiếm sắc thể, dị tật tinh trùng, dị tẩm bẩm sinh ở các bộ phận sinh dục ảnh hưởng đến quá trình xuất tinh. Các khiếm khuyết ở cơ quan sinh sản như dính tử cung, tắc vòi trứng, tắc ống dẫn trứng là nguyên nhân gây vô sinh hiếm muộn hàng đầu ở phụ nữ.
Các bệnh phụ khoa hay viêm nhiễm ở cơ quan sinh sản cũng làm tăng nguy cơ dẫn đến vô sinh hay hiếm muộn ở 2 giới. Viêm tử cung, viêm lộ tuyến cổ tử cung, viêm buồng trứng, đa nang buồng trứng, tắc ống dẫn trứng, u xơ tử cung, nhiễm trùng vùng xương chậu ở nữ và viêm tinh hoàn, xoắn tinh hoàn, ung thư tinh hoàn, liệt dương, loãng tinh trùng, tinh trùng yếu, không có tinh trùng… ở nam đều là những bệnh lý bắt nguồn có thể gây hiếm muộn.
Ngoài ra biến chứng của các bệnh thủy đậu, quai bị, lậu, sùi mào gà, giang mai hay rối loạn hormone nội tiết đều ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng sinh sản cần phải được đề phòng.
Hy vọng nào cho các cặp vợ chồng gặp bệnh lý về sinh sản?
Mặc dù tỷ lệ vô sinh ở các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ có dấu hiệu gia tăng nhưng tin mừng là với nhiều kỹ thuật hỗ trợ sinh sản tiến bộ ngày nay, vô sinh hiếm muộn hoàn toàn có thể được điều trị thành công nếu được phát hiện sớm và can thiệp kịp thời. Căn cứ vào nguyên nhân gây bệnh, các bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp điều trị tốt nhất và hiệu quả nhất.
-
Thụ tinh trong ống nghiệm (IVF)
Đây là phương pháp điều trị vô sinh hiếm muộn được sử dụng nhiều nhất hiện nay do tỷ lệ thành công cao được áp dụng khi cơ quan sinh sản của phụ nữ không đảm bảo khả năng thụ tinh. Sau khi kích thích rụng trứng theo kĩ thuật, trứng trưởng thành sẽ được lấy ra khỏi buồng trứng và tiến hành thụ tinh trứng với tinh trùng trong phòng thí nghiệm. Khi phôi được hình thành, tiến hành chuyển phôi khỏe mạnh vào tử cung để bắt đầu quá trình mang thai.
Nếu như vấn đề vô sinh hay hiếm muộn xuất phát từ nguyên nhân do bất thường cơ quan sinh dục ở nam hoặc nữ thì có thể điều trị bằng cách tiến hành các phẫu thuật cần thiết. Phương pháp này áp dụng khi nữ giới bị tắc ống dẫn trứng, u xơ tử cung, u xơ cổ tư cung, lạc nội mạc tử cung. Ở nam giới là bị ẩn tinh hoàn, cong vẹo dương vật, giãn tĩnh mạch ở bìu… Phương pháp phẫu thuật sẽ giúp cho tinh trùng và trứng có diều kiện gặp gỡ và tạo thành hợp tử làm tăng khả năng sinh nở.
-
Sử dụng thuốc hỗ trợ sinh sản
Các loại thuốc hỗ trợ sinh sản có chứa thành phần ngăn cản việc tiết hormone sinh dục nữ để kích thích thân nhiệt và sự rụng trứng, tạo điều kiện cho việc thụ tinh được dễ dàng hơn. Phương pháp điều trị này áp dụng đối với những rối loạn nội tiết tố nữ khiến người vợ bị rụng trứng không đều, hoặc không rụng trứng.
Ngoài ra, thuốc hỗ trợ sinh sản cũng được bác sĩ chỉ định cho điều trị các bệnh đường sinh dục ở cả nam và nữ. Phương pháp này sẽ kết hợp với phương pháp khác trong điều trị vô sinh hiếm muộn để tăng hiệu quả.
-
Chích tinh trùng vào trứng (ICSI)
Đây là phương pháp được áp dụng khi tinh trùng ít, tinh trùng yếu không thể hoặc khó có thể xâm nhập và đục xuyên vỏ của trứng để hình thành hợp tử và phát triển thành thai nhi. Theo đó, trứng được lấy ra và giữ nguyên trong dung dịch bằng một ống hút sau đó các bác sĩ sẽ tiến hành chích tinh trùng vào bên trong trứng rồi theo dõi sự phát triển của chúng.
Ngoài ra, trong một số trường hợp có thể áp dụng những phương pháp khác như bơm tinh trùng trực tiếp vào tử cung (IUI), sử dụng tinh trùng hoặc trứng hiến tặng.
Thay lời kết
Vô sinh hiếm muộn là vấn đề của một cặp vợ chồng chứ không phải là của riêng vợ hay chồng. Bệnh lý này đã và đang là gánh nặng của nhiều gia đình cả về yếu tố vật chất và tinh thần, không những ảnh hưởng đến việc tăng dân số tự nhiên mà còn thiệt thòi cho các cặp vợ chồng, đặc biệt là phụ nữ trong việc thực hiện thiên chức làm mẹ và duy trì nòi giống.
Để phòng ngừa và giảm nguy cơ vô sinh, hiếm muộn, các chuyên gia đầu ngành khuyên các cặp vợ chồng nên thực hiện lối sống chung thủy một vợ một chồng để tránh lây nhiễm vi khuẩn gây bệnh xã hội, bệnh phụ khoa ảnh hưởng đến sinh sản; không nạo hút thai nhiều lần; tránh căng thẳng thường xuyên vì stress là nguyên nhân dẫn đến rối loạn nội tiết tố, gây khó thụ thai; cần kiểm tra phụ khoa định kỳ 6 tháng/lần để phát hiện sớm và điều trị hiệu quả các bệnh dễ gây vô sinh; tránh các thói quen có hại.
Chúc vợ chồng bạn sớm có tin vui!
Xem thêm
Vào ngay Fanpage của the Asianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!