Bước sang tháng thứ 9 của thai kỳ cũng là lúc mẹ bầu nên chuẩn bị tinh thần cho công cuộc vượt cạn có thể diễn ra bất kỳ lúc nào. Tụt bụng là một trong những dấu hiệu dự báo quan trọng mà mẹ cần phải nắm vững.
Tụt bụng ở mẹ bầu hiểu đơn giản là thế nào?
Khi thai nhi di chuyển sâu xuống dưới tử cung của mẹ, nằm tại vị trí khung xương chậu thì bụng mẹ cũng hạ xuống vị trí thấp hơn. Đây chính là lúc mẹ bầu “tụt bụng”.
Bụng mẹ bầu như thế nào thì được xem là đã tụt?
Cảm giác bụng tụt là dấu hiệu dễ nhận biết nhất trong quá trình mang bầu. Vì vậy, nếu mẹ bầu thấy mình có các biểu hiện như dưới đây nghĩa là bụng mẹ đã xuống vị trí thấp hơn và “có thể” chuẩn bị bước vào thời điểm dự sinh.
- Cảm giác nhẹ nhõm, dễ thở.
- Tuy nhiên đồng thời lại thấy tưng tức ở bụng dưới, vùng xương chậu, phía âm đạo như thể bé có thể chui ra ngoài bất kỳ lúc nào.
- Một số mẹ thấy chân phù nề, bị chuột rút thường xuyên hơn và có hiện tượng ợ hơi.
- Đặc điểm dễ nhận thấy nhất là hình dạng của bụng thay đổi. Thay vì tròn xoe thì bụng sẽ kéo dài và xệ xuống.
- Mẹ đi tiểu nhiều hơn do thai nhi gây áp lực lên bàng quang.
Thai nhi đã quay đầu vào vùng xương chậu
Mẹ bầu thường tụt phần bụng ở tuần thứ bao nhiêu?
Hiện tượng này sẽ xuất hiện khi nào phụ thuộc phần lớn vào số lần mang thai của mẹ bầu.
Với các mẹ lần đầu sinh con, tầm tuần 36 hoặc trước thời điểm dự sinh từ 2-4 tuần, bụng sẽ tụt xuống rõ rệt.
Còn với mẹ đã mang thai nhiều lần, do vùng xương chậu đã giãn nở từ các lần sinh trước đó nên phần lớn mẹ sẽ tụt phần bụng đồng thời với các dấu hiệu sinh như rỉ ối, đau đẻ, v.v.
Từ khi tụt bụng đến khi sinh là bao lâu?
Bụng tụt chỉ là một trong các dấu hiệu “có thể” mẹ sắp dự sinh nên theo ý kiến của bác sĩ sản khoa, điều này sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố.
- Mẹ sinh bé lần đầu hay đã mang thai nhiều lần.
- Một số mẹ đã tụt bụng nhưng sau đó bụng lại không tụt nữa do đầu bé chưa ở vị trí cố định.
- Ngoài ra, có những mẹ bầu hoàn toàn không có dấu hiệu này cho đến thời điểm sinh.
Do vậy, ngoài tụt bụng thì mẹ nên kết hợp theo dõi với các biểu hiện khác cũng như chuẩn bị đầy đủ vật dụng đi sinh để luôn được chủ động trong mọi tình huống.
Mẹ bầu cần kết hợp với các dấu hiệu khác ngoài bụng tụt để chắc chắn về thời điểm dự sinh
39 tuần mà bụng vẫn chưa có dấu hiệu trễ thì có sinh thường được không?
Việc mẹ có thể sinh thường được hay không cần có nhiều dấu hiệu quyết định. Trong đó bao gồm cổ tử cung giãn nở tốt, bé đã quay đầu, thai nhi khỏe mạnh, sức khỏe của mẹ bầu hoàn toàn bình thường hay bụng đã tụt.
Như vậy tụt bụng chỉ là một trong các yếu tố để đánh giá quá trình sinh thường có dễ dàng hay không mà thôi. Do đó, nếu 38 hay 39 tuần mà mẹ chưa tụt thì cũng không cần quá lo lắng.
Nếu tụt bụng vào trước tuần 37 thì có nghĩa là mẹ sẽ sinh non?
Đây chỉ là một trong các dấu hiệu cho thấy đầu bé đã di chuyển vào vùng xương chậu. Tuy nhiên xương chậu có kích thước khá dài nên trong y khoa được chia làm 3 cấp là đầu, giữa và cuối. Chỉ khi thai nhi di chuyển đến vị trí cuối, có nghĩa là vào bên trong hẳn của xương chậu thì cơ hội mẹ sắp đẻ mới thực sự diễn ra.
Do đó, nếu mẹ tụt bụng ngay từ tuần thứ 33, 34 hay 35, … thì cũng không nên quá lo lắng về việc mình có bị đẻ non hay không. Điều quan trọng là mẹ nên kết hợp theo dõi các dấu hiệu khác như ra máu âm đạo, rỉ ối, đau bụng, cơn gò, … để kịp thời đi khám.
Theo The Asianparent
Xem thêm
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!