Triệu chứng ốm nghén bắt đầu khi nào? Có phải từ ngay khi que thử thai hiện lên 2 vạch? Có phải mẹ bầu nào cũng đều ốm nghén không?
Tìm hiểu về triệu chứng ốm nghén thai kỳ
Ốm nghén được xem là một trong những dấu hiệu mang thai sớm, xuất hiện khi cơ thể người phụ nữ có thêm một mầm sống. Có khoảng 70% các chị em sẽ cảm thấy những thay đổi khác thường biểu hiện bằng sự mệt mỏi, buồn nôn, chán ăn, khó chịu. Do vậy, trong giai đoạn đầu của thai kỳ, mẹ bầu không cần phải lo lắng chờ đợi xem triệu chứng ốm nghén bắt đầu khi nào vì rất nhiều bà bầu khác cũng đang có cảm giác tương tự.
Đến nay, vẫn chưa kết luận được nguyên nhân chính nào gây ra hiện tượng ốm nghén trong thai kỳ mà đó có thể là sự kết hợp nhiều thay đổi về thể chất diễn ra trong cơ thể mẹ. Các bác sĩ nghiêng về kết quả của sự thay đổi hormone beta hCG – một loại hormone được sản sinh bởi sự phát triển của nhau thai, giúp duy trì sự ổn định của thai kỳ.
Những yếu tố khác như nồng độ hormone estrogen tăng lên nhanh chóng; sự nhạy cảm của hệ thần kinh khi xuất hiện yếu tố mới gây nên những phản ứng nôn nghén như một cơ chế bảo vệ cơ thể; tăng axit dạ dày, hạ đường huyết, stress cũng góp phần khiến nhiều mẹ bầu phải đối mặt với tình trạng nôn nghén thai kỳ.
Triệu chứng ốm nghén bắt đầu khi nào?
Có phải chị em lo lắng khi nào bắt đầu ốm nghén vì sợ phải vật lộn với những triệu chứng khó chịu có thể xảy đến bất cứ lúc nào trong ngày mà hoàn toàn không báo trước phải không? Thực tế là mức độ ốm nghén ở mỗi bà bầu là khác nhau tùy vào thể trạng của từng người. Khoảng 1/3 phụ nữ ốm nghén nhưng không thực sự buồn nôn và 3/4 chị em khác phải sống chung với tình trạng nôn mửa trong suốt tam cá nguyệt thứ nhất.
Có gần 91% phụ nữ trải qua những thay đổi của cơ thể khi cơn ốm nghén xuất hiện trong 3 tháng đầu, thường là trong tuần thai thứ 6 – 8 và những triệu chứng này xảy ra thường xuyên bất kể lúc nào trong tuần thai thứ 9 – 12. Đối với một số phụ nữ nhạy cảm, ốm nghén có thể bắt đầu sớm hơn, rơi vào khoảng tuần thứ 4 – 6 của thai kỳ khi phôi thai đã ổn định trong buồng tử cung. Một số khác sẽ ốm nghén muộn hơn từ tuần 8 – 12.
Ngoài việc băn khoăn triệu chứng ốm nghén bắt đầu khi nào, các bà bầu cũng thường chờ đợi thời điểm kết thúc tình trạng này. Khoảng một nửa số mẹ bầu bị ốm nghén trong kỳ mang thai sẽ cảm thấy thoải mái hơn sau tuần thứ 14 và cơ thể sẽ trở lại bình thường từ tuần 16 đến tuần 20. Tuy nhiên không phải mẹ nào cũng hết nghén trong khoảng thời gian này. Vẫn có không ít trường hợp phụ nữ mang thai phải chiến đấu cho đến tháng thứ 5, thứ 6, thậm chí cho đến gần ngày sinh nở.
Những thai phụ nào thường có triệu chứng ốm nghén nhiều hơn?
Trong hầu hết các trường hợp, mẹ chỉ cần nghỉ ngơi, thư giãn, có chế độ chăm sóc sức khỏe tốt sẽ vượt qua giai đoạn này.Tuy nhiên, nếu triệu chứng ốm nghén bắt đầu sớm và mức độ ngày càng nghiêm trọng, diễn ra trong một thời gian dài mà tình trạng không được cải thiện thì có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và sự phát triển của thai nhi. Lúc này, mẹ cần phải nhập viện để được theo dõi và điều trị chứng nôn nghén nặng.
Ngược lại với những mẹ bầu có thai kỳ thuận lợi thì một số trường hợp khác cần phải chuẩn bị tinh thần vì sẽ đối mặt với tình trạng ốm nghén nhiều hơn:
- Những bà bầu đã có tiền sử ốm nghén ở lần mang thai trước
- Phụ nữ dễ bị say tàu xe, say sóng
- Mẹ bầu mang thai lần đầu hoặc mang bầu đa thai
- Chị em làm việc trong môi trường có nhiều áp lực căng thẳng
Tạm kết
Ốm nghén là một triệu chứng sinh lý khá phổ biến trong thai kỳ và tình trạng này không ảnh hưởng nhiều đến sự phát triển của thai nhi. Cảm giác mệt mỏi, nôn mửa, thay đổi khẩu vị, rối loạn giấc ngủ đem lại cho mẹ bầu thêm một trải nghiệm đặc biệt trong thời kỳ mang thai. Câu trả lời cho việc khi nào bắt đầu ốm nghén ở mỗi mẹ bầu sẽ là khác nhau. Mẹ hãy xem như đó là sự báo hiệu về sự có mặt của con yêu và 2 mẹ con sẽ cùng nhau đi tiếp hành trình 9 tháng 10 ngày an toàn và khỏe mạnh nhé!
Xem thêm:
Vào ngay Fanpage của theAsianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!