Trẻ tự tử vì bị bắt nạt, bố mẹ lại là người biết sau cùng. Bắt nạt học đường là hiện tượng không mới nhưng vẫn là nỗi ám ảnh kinh hoàng với nhiều phụ huynh, học sinh. Bất cứ lý do gì cũng có thể khiến một đứa trẻ bị bắt nạt ở trường học như học giỏi, học kém, gầy quá, béo quá, lùn quá, ít nói, ít cười,… Trẻ bị bắt nạt có thể gặp phải nhiều vấn đề về tâm lý như tự ti, nhút nhát, thậm chí không ít trường hợp bị trầm cảm, nghĩ đến việc tự tử.
Hai đứa trẻ ngoan, học giỏi tự tử vì bị bạn bắt nạt, bố mẹ là người biết sau cùng và nguyên nhân rất nhiều phụ huynh mắc phải
Mới đây, một bé gái 12 tuổi ở tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc, rời khỏi nhà đi mấy ngày không về. Sau đó người ta tìm thấy xác của cô bé bên cạnh bờ sông. Cô bé chỉ mới học lớp 6 đã gây sốc cho mọi người. Một cái chết quá thương tâm.
Bố mẹ của cô bé kể lại, ở trường cô có thành tích học tập rất tốt, là một đứa bé ngoan ngoãn, không nghịch ngợm, đáng yêu. Nhưng không biết tại sao từ 4 tháng trở lại đây, cô bé có hành vi về nhà lấy cắp tiền của bố mẹ.
Bé gái 12 tuổi mất tích và được tìm thấy xác ở dưới sông
Lần đầu tiên, bé gái lấy cắp 600 tệ (khoảng 2 triệu đồng). Bố mẹ hỏi vì sao, cô chỉ đáp “lần sau con không dám nữa”.
Ngày 23/5, lần này cô lại bị phát hiện khi đang cố lấy cắp tiền của bố mẹ. Bố cô đã hỏi nguyên nhân tại sao, nhưng cô bé không mở miệng, chỉ có khóc. Người bố vô cùng tức giận đã đánh, mắng con. Kết quả cho đến tối ngày 25/5, cô bé không quay trở về nhà và cuối cùng mọi người tìm thấy xác của cô bé bên bờ sông.
Sau khi, cảnh sát điều tra phát hiện được nguyên nhân tại sao cô bé lại lấy trộm tiền của bố mẹ. Bé bị một nam sinh học cùng lớp đe dọa bắt đưa tiền trong suốt một khoảng thời gian dài.
Bị bạn bắt nạt mà không ai giúp đỡ, cô bé đã nghĩ quẩn. Hình ảnh do camera ghi lại
Nam học sinh đó đã yêu cầu cô bé mỗi tuần phải đưa cho cậu ta 50 tệ (175.000 đồng). Nếu như không đưa hoặc không đưa đủ, cô bé có thể bị ăn đánh hay những trò bạo hành khác. Cô bé đã cầu cứu đến cô giáo nhưng cô giáo không giúp vì nghĩ đó là lời nói dối. Chính vì vậy cô bé phải chấp nhận bị bắt nạt suốt thời gian dài.
Sau khi bố cô biết được sự thật này đã vô cùng đau xót và đặt câu hỏi tại sao con gái lại không nói cho mình biết chuyện này sớm hơn.
Vụ việc đau lòng tương tự xảy ra mới đây tại nhà ga xe lửa Chertsey, ở hạt Surrey (Anh) vào buổi chiều ngày 15/7. Cậu bé Sam Connor, 14 tuổi, đã đưa cặp sách cho một người bạn và nhảy xuống đường ray tàu hỏa tự kết liễu cuộc đời trước mặt hàng chục học sinh cùng lớp vì… bị bắt nạt.
Mọi người đều nhận xét Sam là một học sinh “sáng dạ và nổi tiếng”, cậu lém lỉnh, có khiếu hài hước dù hơi nhút nhát. Cậu bé cũng là nạn nhân của việc trẻ tự tử vì bị bắt nạt
Sam là học sinh lớp 9 tại trường Salesian – một trường phổ thông hỗn hợp Công giáo La Mã ở Anh. Trước khi tự tử, Sam để lại một mảnh giấy với những nét chữ viết tay nguệch ngoạc rất có thể là thư tuyệt mệnh cậu bé Sam để lại.
Gia đình cậu bé Sam đã không giấu nổi vẻ đau đớn trước sự ra đi đột ngột của con. Mọi người đều nhận xét Sam là một học sinh “sáng dạ và nổi tiếng”, cậu lém lỉnh và có khiếu hài hước dù hơi nhút nhát.
Điều gì đã khiến cho mọi đứa trẻ càng lớn lên lại càng ít giao tiếp với gia đình? Tại sao các em gặp sự cố ở trường nhưng thầy cô và bố mẹ không hề hay biết? Phải chăng do người lớn không chịu quan tâm, lắng nghe lời trẻ như trường hợp bé gái 12 tuổi ở Trung Quốc hay cha mẹ không chú ý đến sự thay đổi ít nhiều trong hành động, tâm lý của con để rồi bất ngờ như trường hợp của Sam?
Chính cha mẹ đã đẩy con dần xa cách
Một trường hợp điển hình cho việc bố mẹ thờ ơ, thiếu niềm tin với con là khi con gặp phải vấn đề gì, lời đầu tiên của bố mẹ không phải an ủi mà đặt hàng loạt các câu hỏi “vì sao?”, sau đó đổ lỗi cho chính đứa trẻ.
Nếu như bị cảm cúm, lập tức sẽ là lỗi của con do không mặc ấm. Bị trộm lấy mất đồ là do con chủ quan không biết cất đồ cẩn thận. Tất cả những điều trên tưởng chừng là bình thường nhưng nó như một lưỡi dao cắt dần cảm hứng nói chuyện của con với bố mẹ.
Chúng sẽ dần dần chán nản, không muốn nói những vấn đề đang gặp phải vì biết trước kết quả sẽ như thế nào. Bởi vậy, khi mọi việc xảy ra, cha mẹ là người biết cuối cùng.
Không chỉ là bố mẹ mà hãy là người bạn, chuyên gia tâm lý của con
Các bậc phụ huynh thường phàn nàn, con càng lớn càng không thích nói chuyện với bố mẹ. Lỗi không phải chỉ thuộc về những đứa trẻ mà còn đến từ chính bố mẹ. Cha mẹ hãy thay đổi chính mình bằng các cách sau đây:
Hãy đứng ở vị trí của con trẻ nói chuyện
Muốn hiểu được con hãy đặt mình vào vị trí của con sẽ thấy được những bức xúc, khó khăn, niềm vui, mong muốn mà con cần là gì? Chính sự thông cảm và thấu hiểu này mà những đứa trẻ sẽ dễ dàng nói chuyện hơn, không gò ép, không lo sợ, giống như một nơi để bầu bạn, tâm sự.
Tư thế ngồi ngang bằng nhau
Khi nói chuyện với con, bạn nên ngang hàng để con không cảm giác mình đang nói chuyện với bề trên. Chúng sẽ cảm thấy mình được tôn trọng, sẽ tự nói ra những suy nghĩ, tâm tư hay chỉ đơn giản là ngày hôm nay con ở trường như thế nào. Bạn sẽ thấy được tâm tư, suy nghĩ, lo lắng của con thay đổi theo từng ngày.
Học cách lắng nghe
Dường như nhiều bậc phụ huynh đã quên mất rằng phải lắng nghe con cần gì, muốn gì thay vào việc áp đặt chúng vào những thứ mình muốn. Bạn nên hiểu rằng bạn muốn không nghĩa là con sẽ thích. Cho nên, hãy học cách lắng nghe, thấu hiểu từng lời nói của con, đặc biệt khi con đang trong giai đoạn dậy thì.
Đáp ứng kịp thời và phù hợp
Khi trò chuyện với con, bạn nên tập trung cao độ, trả lời ngay những vấn đề thắc mắc của con. Trả lời một cách đúng nghĩa, không phải qua loa cho xong, như vậy cảm hứng của cuộc trò chuyện sẽ giảm đi rất nhiều.
Đã có câu nói: “Người hạnh phúc dùng thời thơ ấu chữa lành vết thương cho cuộc sống của họ, nhưng những người đau khổ dùng tương lai chữa lành vết thương thời thơ ấu”. Do vậy, bố mẹ hãy là những người bạn, người đồng hành, san sẻ yêu thương cho con mình.
Dạy trẻ kỹ năng sống: Ứng phó khi bị bắt nạt
Cha mẹ nên tâm sự thường xuyên và giúp con tự tin khi đứng trước người bắt nạt
– Giúp trẻ tự tin: Trẻ bị bắt nạt vì có thể yếu hơn, nhỏ hơn bạn nên không tự tin đối phó lại. Cha mẹ cần phải khuyến khích, động viên trẻ để trẻ tự tin về bản thân, không nên sợ hãi nếu bị bạn bắt nạt. Quan trọng hơn, nếu trẻ có dấu hiệu bị bạn đe dọa, cần hướng dẫn trẻ nói ngay với thầy cô, bố mẹ để có biện pháp xử lý kịp thời.
– Dạy trẻ một số câu nói khi bị bắt nạt như: “Đừng đánh mình, nếu không mình sẽ méc với cô giáo và bố mẹ đó”, và ngay lập tức báo với cô giáo nếu các bạn to con hơn vẫn tiếp tục bắt nạt trẻ.
– Tuyệt đối không dạy con đánh lại bạn trong mọi trường hợp, vì vô tình như vậy đã gieo vào suy nghĩ của trẻ, bạo lực sẽ giải quyết được mọi vấn đề. Tuy nhiên, cũng không nên dạy con “im lặng là vàng”, vì sẽ khiến trẻ càng sống thu mình, khép kín hơn.
– Dạy trẻ tránh xa và không chơi với bạn xấu: Hãy cho trẻ biết, những bạn hay bắt nạt bạn khác là không tốt, nên trẻ phải tránh xa và không chơi. Tốt nhất, nếu gặp nguy hiểm thì phải chạy thật nhanh và cầu cứu thầy cô hoặc những người lớn khác.
– Giúp trẻ sống hòa đồng và kết bạn nhiều hơn, vì điều này sẽ giúp trẻ tìm được những người bạn tốt thực sự và hạn chế việc bị bắt nạt ở trường cũng như biết bảo vệ nhau trước mọi tình huống nguy hiểm.
Sau cùng, cha mẹ nên trao đổi việc này với thầy cô, ban giám hiệu nhà trường để có phương pháp xử lý kịp thời, đúng đắn đối với những trẻ có thói quen bắt nạt người khác. Điều này vừa ngăn chặn được hành vi bắt nạt ở trẻ vừa giúp con bạn được học trong môi trường giáo dục lành mạnh, an toàn và phát triển tốt nhất.
Nguồn afamily.vn
Xem thêm:
Vào ngày Fanpage của TheAsianParent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!