Nhiều ba mẹ thấy trẻ sơ sinh hắt xì nhiều nên rất lo lắng không biết đây có phải là triệu chứng gì nguy hiểm hay không. Cùng tìm hiểu nhé!
Nguyên nhân khiến trẻ sơ sinh hắt xì nhiều
Trẻ sơ sinh có rất nhiều biểu hiện lạ mà những người lần đầu tiên làm ba mẹ hẳn sẽ rất lo lắng không biết đó có phải là dấu hiệu nguy hiểm gì hay không. Hắt xì hơi nhiều cũng là một trong những hiện tượng rất phổ biến ở trẻ sơ sinh nên ba mẹ không cần phải quá lo lắng. Dưới đây là một số lý do khiến bé sơ sinh hay bị hắt xì:
Hắt xì giúp làm sạch tạp chất trong mũi
Mất khoảng 3-4 tháng sau khi chào đời thì trẻ sơ sinh mới biết thở bằng miệng. Vì vậy, những ngày tháng đầu đời, bé chỉ có thể thở bằng mũi. Mũi của bé sơ sinh rất nhỏ, đường thở hẹp nên rất nhanh bị tích tụ bụi từ không khí. Lúc này, để làm thông đường mũi, bé chỉ có thể có thể chọn cách hắt hơi.
Một bên mũi bị nghẹt
Có thể bạn chưa biết nhưng em bé sơ sinh rất dễ bị nghẹt một bên mũi do lúc bú mẹ, lỗ mũi của bé bị ép vào ngực mẹ nên xẹp xuống, gây cản trở quá trình thở của bé. Hắt hơi là một cơ chế tự nhiên giúp bé thoát khỏi sự tắc nghẽn này.
Không khí ô nhiễm
Các tạp chất như khói thuốc lá, nước hoa, các hạt bụi, xơ vải, lông động vật,… có trong không khí có thể tác động đến mũi bé và khiến bé hắt hơi. Vì bé còn quá nhỏ nên khi có tác nhân tác động vào mũi, bé không thể xì mũi như người lớn để loại bỏ tạp chất được mà chỉ có thể hắt hơi.
Trẻ sơ sinh hắt xì nhiều có thể do bé đang bị bệnh
Hiện tượng trẻ sơ sinh hay hắt xì cũng có thể là dấu hiệu của cảm lạnh. Ngoài hắt xì, cảm lạnh còn có các triệu chứng khác như ho, chảy nước mũi, sốt,…
Không khí khô
Thời tiết lạnh vào những tháng mùa đông dễ khiến chất nhầy trong mũi bé bị khô, từ đó bé có hiện tượng hắt xì nhiều. Để hạn chế điều này, ba mẹ nên xông phòng cho bé luôn được ẩm, tránh bị khô mũi. Ngoài ra, ba mẹ cũng có thể sử dụng máy xông mũi họng dành cho trẻ sơ sinh.
Trẻ sơ sinh hay hắt xì có nguy hiểm không?
Trẻ sơ sinh hắt xì nhiều trong một ngày là hiện tượng rất bình thường nên ba mẹ không cần quá lo lắng. Chỉ khi bé bị hắt hơi kèm theo các triệu chứng dưới đây thì lúc đó có thể bé đã bị bệnh, ba mẹ nên đưa bé đi bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị kịp thời nhé:
- Bé bú ít hơn trước
- Ngủ nhiều hơn bình thường
- Người lừ đừ, mệt mỏi, uể oải
- Hắt hơi kèm các triệu chứng như sổ mũi, ho, sốt
- Bé thở nhanh, thở hổn hển
Một số dấu hiệu lạ thường gặp khác ở trẻ sơ sinh
Trẻ xuất hiện những mảng vảy trên da đầu
Ngoài việc hắt xì hơi nhiều, một trong những triệu chứng khiến cha mẹ lo lắng sốt vó đó là trẻ xuất hiện những mảng vảy trên da đầu hay còn gọi là “cứt trâu”. Tuy trông xấu xí nhưng những mảng vảy này hoàn toàn không làm ảnh hưởng gì đến sức khỏe của bé.
Trẻ xì hơi nhiều lần trong ngày
Do bé nuốt nhiều không khí trong lúc bú mẹ hoặc cũng có thể do bé đang gặp vấn đề về tiêu hóa nên xì hơi nhiều lần trong ngày. Nhiều trẻ sau khi xì hơi sẽ thải ra phân su màu nâu, xanh hoặc vàng và có lẫn các hạt. Đây cũng là một hiện tượng bình thường phổ biến ở hầu hết các bé nên mẹ không cần lo lắng.
Gây tiếng động lạ khi đang ngủ
Một số bé phát ra tiếng động gầm gừ khi ngủ khiến nhiều mẹ lo lắng. Tuy nhiên đây chỉ là hiện tượng bình thường của trẻ. Nguyên nhân có thể do trong mũi bé đang có đờm nên khi hít thở tạo ra âm thanh khác thường.
Hay giật mình
Phản xạ giật mình hay còn gọi là phản xạ Moro sẽ kéo dài trong 3-4 tháng. Biểu hiện là bé sẽ có các phản xạ như giật mình, đập tay, giãy chân, quẩy đạp liên tục. Nếu bé đang ngủ mà có phản xạ này, mẹ hãy nhẹ nhàng vỗ vào lưng bé để con có cảm giác an toàn và nhanh chóng chìm vào giấc ngủ.
Bong tróc da
Khi ở trong bụng mẹ, bé được bao bọc bởi nước ối. Để bảo vệ bé trong môi trường nước, da bé sẽ được phủ một lớp màu trắng có tên là vernix. Khi tiếp xúc với không khí bên ngoài, chất vernix này sẽ bị cọ xát và dần bong ra. Đây cũng là hiện tượng sinh lý rất bình thường ở trẻ sơ sinh.
Có máu trong tã
Chắc hẳn mẹ sẽ vô cùng hoảng sợ khi bỗng dưng thấy những đốm máu màu đỏ trong tã của bé. Tuy nhiên, theo các bác sĩ, đây chỉ là một dấu hiệu bình thường ở trẻ sơ sinh.
Nếu trường hợp này gặp ở bé gái, có thể là do bé ảnh hưởng từ hormone trong tử cung của mẹ nên xuất hiện một đợt “đèn đỏ mini”, hormone này sẽ giảm đi nhanh chóng và bé sẽ không còn bị ra máu nữa. Đối với bé trai, chảy máu có thể xảy ra do bé mới cắt bao quy đầu hoặc chỉ đơn giản là bị hăm tã.
Vừa rồi là những thông tin về hiện tượng trẻ sơ sinh hay hắt xì. Hy vọng ba mẹ đã có thêm những kiến thức bổ ích để chăm sóc con nhé.
Xem thêm:
Vào ngay Fanpage của the Asianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!