Trẻ sơ sinh gắt bú có thể do con đang ở trong tuần khủng hoảng, bé khó chịu, quá đói hoặc vì sữa tiết quá nhanh / quá chậm. Với mỗi nguyên nhân, mẹ sẽ có cách xử lý thích hợp giúp bé hay ti, khỏe mạnh.
Nội dung bài viết:
- Nguyên nhân trẻ sơ sinh gắt bú
- Khắc phục tình trạng gắt bú ở trẻ sơ sinh
Nguyên nhân trẻ sơ sinh gắt bú
Khi trẻ sơ sinh gắt bú, quấy khóc, ít bú hoặc bỏ bú các mẹ nên tìm hiểu nguyên nhân để khắc phục tình trạng này ở trẻ một cách nhanh chóng.
Bé đang trong tuần wonder week
Wonder week là giai đoạn bé học thêm các kỹ năng mới. Con sẽ “bận rộn” với việc học kỹ năng mà bỏ lỡ thói quen ăn ngủ trước đó. Trong những tuần này, bé sẽ thường khóc lóc, cáu kỉnh và đeo bám. Tuy nhiên các mẹ không nên quá lo lắng vì đó là quá trình phát triển tự nhiên và sẽ nhanh qua thôi.
Có thể bạn chưa biết ===>
Bé khó chịu trong người
Đây cũng là một nguyên nhân khiến trẻ quấy khóc khi bú. Sự khó chịu trong cơ thể bé có thể do:
- Bệnh lý: trẻ sơ sinh hay gặp phải các bệnh như nhiệt miệng, đau họng, có đờm, viêm tai, ngạt mũi, sốt, trào ngược dạ dày – thực quản… làm bé cảm thấy mệt mỏi, cáu gắt khi bú.
- Mẹ nên kiểm tra cơ thể bé để đảm bảo trẻ không bị côn trùng đốt, bị sưng, đau hoặc các tổn thương khác trên cơ thể.
Trẻ bị quá cữ bú
Do chưa biết nói và thể hiện tâm trạng nên khi không may bị “bỏ đói”, quá cữ, bé sẽ trở lên hờn dỗi, cáu gắt khi mẹ cố gắng cho bé ti mẹ hoặc ti bình.
Sữa tiết ra quá nhanh hoặc quá chậm
Đây là lý do phổ biến nhất khiến bé gắt gỏng khi bú. Sữa tiết ra quá nhanh hoặc quá chậm đều có thể kích thích và khiến bé quấy khóc. Nếu bạn thấy bé ho hoặc sặc khi bú, đây có thể là dấu hiệu cho thấy sữa tiết ra quá nhanh. Mặt khác bé nhả ti, cong lưng và tựa vào ngực là dấu hiệu sữa tiết ra quá chậm, không đáp ứng nhu cầu ti của trẻ.
1 số nguyên nhân khác:
- Đầu ti quá nhỏ/quá to so với miệng của trẻ hoặc thụt vào quá sâu làm bé khó bắt được đầu ti. Nếu quá to sẽ làm trẻ khó thở trong quá trình ti sữa, quá nhỏ thì ti thường xuyên tuột ra khỏi miệng làm con không ti được nhiều sữa. Bé không bú được sẽ cáu gắt, khó chịu mỗi lần bú mẹ.
- Bé thích bú bên ngực này hơn bên kia nên nếu mẹ ép bé ti thì con cảm thấy khó chịu và không hợp tác
- Sữa có mùi vị khác lạ. Với các mẹ nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn, đồ ăn mẹ tiêu thụ trong thời gian cho con bú đều ảnh hưởng đến vị sữa. Có nhiều loại thức ăn làm mùi vị sữa khác lạ nên bé khó chịu dẫn đến trẻ gắt bú, quấy khóc thậm chí bỏ bú
- Nhiều bé quen ti bình mà quên mất ti mẹ nên khi mẹ cho bú lại bé sẽ không quen dẫn đến con gắt bú.
Có thể bạn chưa biết ===>
Khắc phục tình trạng gắt bú ở trẻ sơ sinh
Việc trẻ cáu gắt khi bú có thể khiến bạn mệt mỏi và căng thẳng. Tùy thuộc vào từng nguyên nhân khiến bé quấy khóc khi bú để có biện pháp thích hợp giúp trẻ bú lại bình thường:
- Khi bé mệt mỏi, khó chịu bạn cần đưa bé tới gặp bác sĩ để có thể thăm khám, vì nếu để tình trạng kéo dài sẽ ảnh hưởng không tốt tới sức khỏe
- Nếu trẻ gắt bú vì mẹ ít sữa, mẹ nên tích cực massage ngực, bổ sung thêm thực phẩm lợi sữa, uống nhiều nước để sữa về dồi dào. Đối với mẹ nhiều sữa thì khi cho con bú nên dùng tay kẹp nhẹ đầu ti để điều tiết lại lượng sữa cho con bú. Việc cho bú đúng tư thế cũng ảnh hưởng rất nhiều đến lượng sữa được tiết ra nên mẹ nên lưu ý mỗi lần cho bé ti để bé không cảm thấy khó chịu
- Nếu bé ít được bú mẹ: dành thời gian cho bé bú, chơi với bé, tăng cường tiếp xúc da mẹ với bé để bé quen hơi mẹ. Hạn chế cho bé uống sữa công thức bằng cách vắt sữa và cho vào bình mỗi khi mẹ đi vắng. Và nhớ đừng quên trẻ nên được ti sữa 2 – 3 giờ/1 lần.
- Mẹ nên ăn uống đầy đủ dinh dưỡng và lựa chọn thực phẩm ít mùi để tránh tạo mùi khó chịu cho sữa. Tuy nhiên mẹ không nên kiêng cữ quá khắt khe vì sẽ không tốt cho sức khỏe của mẹ và chất lượng sữa cho bé.
Lời kết
Việc trẻ sơ sinh gắt bú, bỏ bú mẹ và quấy khóc có thể khiến bạn mệt mỏi và căng thẳng. Tuy nhiên, mẹ hãy bình tĩnh tìm hiểu nguyên nhân để có cách khắc phục tình trạng này nhanh chóng, giúp bé bú sữa đầy đủ, đảm bảo dinh dưỡng cho sự phát triển cơ thể. Chúc bé yêu của mẹ luôn mạnh khỏe, hay ti chóng lớn.
Xem thêm
Vào ngay Fanpage của theAsianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!