Trẻ sơ sinh bị ho có thể do cảm lạnh, viêm họng, viêm phế quản,…Có 2 kiểu ho là ho khan và ho có đờm. Hãy đọc bài viết này của theAsianparent Việt Nam để biết:
- Triệu chứng khi trẻ sơ sinh bị ho
- Các loại ho thông thường ở trẻ sơ sinh
- Lưu ý khi chăm sóc bé sơ sinh bị ho
- Làm gì để trị dứt điểm ho ở trẻ sơ sinh
Triệu chứng khi trẻ sơ sinh bị ho
Trước hết, các mẹ cần hiểu rằng ho không phải là tình trạng bệnh lý mà là cách cơ thể phản ứng lại với các yếu tố tác động từ môi trường bên ngoài, đóng vai trò giúp cho đường thở được thông thoáng.
Có 2 kiểu ho chính:
- Trẻ sơ sinh bị ho khan: Là triệu chứng ho không tạo ra đờm hoặc chất nhầy, thường xảy ra khi bé bị cảm lạnh hoặc dị ứng.
- Trẻ sơ sinh bị ho đờm: Là kết quả của bệnh về đường hô hấp kèm theo nhiễm khuẩn. Điều này làm cho đờm hoặc chất nhầy (có chứa các tế bào bạch cầu giúp chống lại vi trùng) hình thành trong đường thở của bé.
Mẹ đã biết chưa?
Trẻ sơ sinh bị ho có sao không? Hầu hết các trường hợp, trẻ bị ho thường là do cảm lạnh. Trẻ dưới 4 tháng tuổi thường không ho nhiều. Nếu trẻ ho nhiều, cha mẹ cần chú ý chăm sóc bé hơn. Đặc biệt nếu trẻ ho nhiều vào mùa đông, đó có thể là do virut hợp bào hô hấp (RSV), một bệnh nhiễm virut nguy hiểm cho trẻ sơ sinh. Khi bé lớn hơn 1 tuổi bị ho, điều này sẽ ít đáng báo động hơn.
Trẻ sơ sinh bị ho là do cơ thể phản ứng lại với các yếu tố tác động từ bên ngoài – Ảnh minh họa Shutterstock
Các loại ho thông thường ở trẻ sơ sinh
1. Ho do cảm lạnh
Trẻ sơ sinh bị ho sổ mũi là do bị cảm lạnh hoặc cảm cúm. Bên cạnh ho và sổ mũi, có thể thấy các triệu chứng như nghẹt mũi hoặc chảy nước mũi và đau họng. Trẻ thường ho khan, nhưng tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của cảm lạnh, bé có thể ho có đờm kèm theo sốt nhẹ vào ban đêm.
2. Ho do viêm họng
Bé thường ho nhiều, đặc biệt là vào ban đêm và gần sáng. Các cơn ho thường kéo dài kèm theo tiếng bé bị khò khè khi thở. Nguyên nhân là do loại virus gây ra nhiễm trùng khiến cho niêm mạc khí quản phồng lên và đóng kín đường thở, do đó bé thường khó thở.
Bệnh thường xảy ra ở trẻ dưới 5 tuổi và thường bắt đầu bằng cảm lạnh.
Triệu chứng viêm họng ở trẻ:
Có thể trẻ sẽ bị sốt cao đột ngột (39 – 40 độ C), kèm theo các triệu chứng khác như ho, nghẹt một hoặc hai bên mũi, trẻ sẽ bị đau họng, rát họng. Bé bị viêm họng sẽ cảm thấy khó chịu, hay quấy khóc, bú kém và bỏ ăn
Đối với trẻ lớn hơn, các biểu hiện khi bị viêm họng là đau đầu, đau khi nuốt do đau họng, rát họng, nghẹt mũi, ù tai.
Trong một số trường hợp trẻ có thể bị đau nhức ở trong tai, kèm theo chảy nước mũi nhầy, ho khan, giọng nói khàn nhẹ, môi khô, lưỡi bẩn, khiến trẻ mệt mỏi,…
3. Ho do viêm phế quản
Trẻ thường ho, thở khò khè và đôi khi khó thở. Viêm phế quản xuất hiện sau những dấu hiệu cảm lạnh cơ bản như ho và sổ mũi. Có nhiều nguyên nhân gây ra khò khè hoặc co thắt đường thở, bao gồm các yếu tố môi trường như bụi.
Phần lớn các trường hợp viêm phế quản ở trẻ dưới 1 tuổi, bé thở khò khè là do virus hợp bào hô hấp (RSV) gây ra. Virus này gây ra bệnh cảm lạnh đơn giản ở trẻ lớn hơn 3 tuổi, nhưng nó có thể xâm nhập vào phổi của trẻ sơ sinh và thậm chí có thể đe dọa đến tính mạng,
Ho khò khè là triệu chứng của cả bệnh viêm phế quản và hen suyễn nên rất khó phân biệt. Tuy nhiên, viêm phế quản thường thấy vào mùa thu và mùa đông và có thể khiến trẻ sốt nhẹ, và bỏ bú.
4. Ho gà
Tiếng ho của bé là ho từng chuỗi kế tiếp nhau, càng lúc càng nhanh rồi yếu dần, sau đó có giai đoạn hít vào thật sâu nghe như tiếng gà gáy.
Trẻ sơ sinh bị ho gà có nguy hiểm không? Ho gà là một bệnh nhiễm khuẩn có thể đe dọa đến tính mạng, đây nguyên nhân hàng đầu gây bệnh và gây tử vong ở trẻ sơ sinh cho đến khi vắc-xin DTP được tạo ra vào những năm 1960 và căn bệnh này gần như đã được loại trừ hoàn toàn.
Tuy nhiên, có những thời điểm căn bệnh này đã quay trở lại và đã có nhiều đợt bùng phát. Hầu hết các trường hợp ho gà không có triệu chứng cảm lạnh hoặc sốt rõ rệt. Các triệu chứng ho gà bao gồm:
- Sốt nhẹ, chảy nước mũi,
- Ho khan thường xuyên khiến lưỡi thò ra, mắt lồi, da mặt đổi màu, tĩnh mạch cổ nổi, chảy nước mắt, nước mũi,
- Sau mỗi cơn ho trẻ mệt, có thể nôn, thở nhanh,
- Trường hợp nặng trẻ có thể xuất hiện co giật
5. Ho do viêm phổi
Viêm phổi là một bệnh nhiễm trùng do virus hoặc vi khuẩn ở phổi gây nên bới một số nguyên nhân, bao gồm cả cảm lạnh thông thường. Các triệu chứng và dấu hiệu cho thấy bé bị viêm phổi là mệt mỏi và bị ho có đờm màu xanh hoặc vàng, bú kém hoặc bỏ bú kèm theo sốt trên 37,5 độ C hoặc hạ thân nhiệt.
6. Ho do hen suyễn
Trẻ bị ho do hen suyễn thường phát ra tiếng ho khò khè trong cổ họng. Các bác sĩ cho biết hen suyễn không phổ biến ở trẻ dưới 2 tuổi, trừ khi bé bị bệnh chàm và có tiền sử gia đình bị dị ứng và hen suyễn. Đây là một bệnh viêm mãn tính của đường thở.
Mẹ đã biết chưa?
Tình trạng viêm này làm cho đường thở trở nên rất nhạy cảm với các chất kích thích khác nhau. Khi tiếp xúc với các chất kích thích này, bé có cơn ho khò khè, khó thở (thở nhanh, thở co kéo lồng ngực, co kéo cơ vùng cổ, cánh mũi phập phồng… thậm chí bị co giật.
Đáng tiếc là cho đến hiện nay vẫn chưa có bài kiểm tra hay xét nghiệm nào có thể chẩn đoán được hen suyễn ở trẻ sơ sinh. Thở khò khè chưa chắc là dấu hiệu của bệnh hen suyễn.
Thông thường trẻ sơ sinh thở khò khè thường được cho là mắc các bệnh về đường hô hấp. Trẻ cũng không thể được tiến hành đo chức năng phổi vì còn quá nhỏ. Gia đình cần chăm sóc và quan sát trẻ thường xuyên để biết được nguyên nhân khiến trẻ thở khò khè.
Lưu ý khi chăm sóc bé sơ sinh bị ho
Khi trẻ sơ sinh bị ho cần làm gì? Cha mẹ hãy thực hiện những lưu ý sau đây khi thấy trẻ sơ sinh bị ho:
Chăm sóc trẻ sơ sinh bị ho – ảnh minh họa Shutterstock
- Luôn giữ ấm cho trẻ, mặc quần áo đủ ấm, không để điều hòa quá lạnh
- Hạ sốt cho trẻ bằng cách chườm ấm tích cực bằng khăn sạch và nước ấm
- Giữ vệ sinh phòng ngủ, những nơi bé thường xuyên có mặt, vệ sinh đồ chơi của bé sạch sẽ
- Cho trẻ bú theo nhu cầu, chia thành nhiều bữa trong ngày và số lượng mỗi bữa ít hơn bình thường
Làm gì để trị dứt điểm ho ở trẻ sơ sinh?
Làm gì khi trẻ sơ sinh bị ho? Khi trẻ bị ho nhẹ, trước hết hãy ưu tiên các biện pháp chăm sóc, chữa trị cho trẻ mà không dùng đến thuốc như nhỏ nước muối sinh lý vào mũi, cho trẻ bú mẹ nhiều hơn, sử dụng máy làm ẩm không khí và nâng cao đầu trẻ khi nằm.
Tuy nhiên, các biện pháp trên chỉ áp dụng khi bé bị ho nhẹ.
Khi nào cần đưa bé đi khám bác sĩ?
Hãy đưa bé đi khám bác sĩ nếu bé có một trong các dấu hiệu dưới đây:
- Trẻ nhỏ dưới 4 tuổi bị ho, cho dù là bất cứ loại ho nào
- Ho khan do cảm lạnh (sổ mũi nhưng không sốt) kéo dài từ năm ngày trở lên
- Ho khan hoặc có đờm kèm theo cảm lạnh và sốt từ 38 độ trở lên
- Trẻ ho nhiều, khò khè
- Quấy khóc không ngừng
- Ho không ngừng, không thể kiểm soát được hơi thở của mình
- Bé lên cơn co giật
Đối với các trường hợp trẻ bị nặng hơn, cha mẹ nên tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi mua thuốc về điều trị cho bé. Đặc biệt hiện nay, tình hình kháng thuốc xảy ra khá phổ biến, nguyên nhân chính là do thói quen tự cho trẻ dùng thuốc của nhiều vị phụ huynh. Việc tự ý cho bé dùng thuốc có thể dẫn đến những tác hại khôn lường, đôi khi còn đe dọa đến tính mạng trẻ sơ sinh.
Theo theAsianparent Singapore
Xem thêm:
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!