Biết lật là cột mốc quan trọng đầu đời đánh dấu sự phát triển của trẻ. Hoạt động này cho thấy sự cứng cáp của cánh tay, lưng và cổ của con. Vậy bố mẹ có biết trẻ mấy tháng biết lật không? Hãy cùng ghi nhớ thời điểm không thể thiếu này của con nhé!
Mấy tháng thì trẻ bắt đầu biết lật?
Thực ra không có câu trả lời chung cho tất cả các bé sơ sinh về mốc vận động quan trọng đầu đời này vì mỗi bé có mức độ phát triển khác nhau dù cùng số tháng tuổi. Thông thường, khi trẻ đủ cứng cáp để kiểm soát được các cử động của đầu, cổ và tay, chân tức là con đã đủ khả năng để tự lật mình mà không cần sự hỗ trợ của bố mẹ nữa.
Ban đầu, con mới chỉ có thể chuyển mình từ tư thế nằm sấp sang tư thế nằm ngửa khi được khoảng 3 tháng. Theo thời gian, khi các kĩ năng thành thục và hệ xương cơ phát triển cứng cáp hơn, bé có thể lật ngược trở lại. Việc này cũng cho thấy phần dưới cơ thể của con đã phát triển đầy đủ nên bé mới đủ sức dùng cánh tay đẩy cơ thể lên và qua lại từ lưng sang bụng và từ bụng sang lưng. Mẹ hãy đợi đến khi con được khoảng 5- 6 tháng để thấy con không chỉ thành thạo trong việc lật sấp mà cả lật ngửa nữa.
Các mốc thời gian về thời điểm biết lật chỉ là tương đối, không phải bé nào cũng như nhau nên mẹ không cần phải quá băn khoăn về việc trẻ mấy tháng biết lật. Thay vào đó, bố mẹ hãy thường xuyên theo dõi tình trạng phát triển cũng như có chế độ chăm sóc trẻ khoa học để con phát triển toàn diện và đạt được những dấu mốc quan trọng đầu đời.
Những yếu tố ảnh hưởng đến việc lật lẫy của bé
Có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến việc lật của bé:
- Trẻ mấy tháng biết lật phụ thuộc vào sự cứng cáp của từng trẻ. Trường hợp những bé sinh non hoặc chậm phát triển thì việc lật có thể diễn ra chậm hơn một chút so với những trẻ đủ tháng, khỏe mạnh
- Trọng lượng cơ thể cũng là một trong các yếu tố ảnh hưởng đến quá trình tập lẫy của bé. Những bé bụ bẫm thường gặp khó khăn trong việc xoay chuyển mình và những bé nhỏ người thường dễ dàng hơn khi thực hiện những cú lật sấp hay lật ngửa
- Có thể khó tin nhưng một số ý kiến cho rằng việc mấy tháng trẻ biết lật còn phụ thuộc vào tính cách của con nữa. Những em bé hiền lành, trầm tính thường sẽ lẫy lật chậm hơn so với những bé hiếu động và thích khám phá
- Nếu mẹ vô tình bỏ qua các dấu hiệu sẵn sàng của bé khi có thể lật mà không tạo điều kiện cho con như để bé nằm ngửa quá nhiều hoặc không dùng các dụng cụ, đồ chơi kích thích giác quan của bé thì con cũng sẽ lật mình muộn hơn
- Mẹ đừng ngạc nhiên nếu câu trả lời cho câu hỏi bé mấy tháng biết lật phụ thuộc vào thời điểm con ra đời vào mùa đông hay mùa hè. Vào mùa đông việc mặc nhiều quần áo sẽ khiến trẻ gặp khó khăn hoặc được bế ẵm nhiều hơn nên lười thay đổi tư thế
Mẹo giúp bé biết lật nhanh chóng
Nếu bé không gặp các vấn đề gì về thể chất và đang phát triển bình thường, mẹ có thể dựa vào các dấu hiệu bé đã sẵn sàng cho việc lật hay chưa để có những kích thích bên ngoài giúp bé nhanh biết lật hơn:
- Nếu mẹ thấy bé xoay người tự nhiên thì có thể giúp bé tập lật bằng cách dùng một món đồ chơi phát ra âm thanh và màu sắc bắt mắt để kích thích sự chú ý của con. Ban đầu mẹ cầm đồ chơi ở gần và từ từ tăng dần khoảng cách. Có thể kèm theo những lời nói vui vẻ, khen ngợi để bé hào hứng tập luyện hơn
- Mỗi ngày mẹ nên dành khoảng 20 phút để massage cho bé được thư giãn đồng thời cho con làm quen với những trò chơi và bài tập vận động tay chân để cơ thể trẻ khỏe mạnh và cứng cáp hơn
- Để cho bé nằm sấp nhiều hơn vì tư thế này sẽ khiến trẻ có cảm giác khó chịu ở vùng bụng và phải tìm mọi cách để lật ngửa ra. Tuy nhiên mẹ cũng cần lưu ý không để bé nằm sấp quá lâu nhất là sau khi con mới bú no vì có thể khiến trẻ khó thở, trào ngược hoặc nôn trớ. Điều đó cũng có thể khiến bé sợ vận động và lười lật hơn
- Đối với những bé đang tập lật, mẹ nên để con nằm trên một mặt phẳng dễ chịu. Mặt phẳng quá cứng có thể làm con bị đau và ngược lại nằm trên chăn, đệm quá mềm sẽ khiến con gặp khó khăn trong lúc lật
Một số lưu ý quan trọng dành cho mẹ khi trẻ bắt đầu biết lật
Một số bé 2, 3 tháng đã có thể biết lật lẫy thành thạo nhưng một vài bé khác đến tháng thứ tám mới đạt được vận động độc lập này. Nếu đã qua tháng thứ 6 mà trẻ vẫn không có nhiều dấu hiệu xoay chuyển mình mà lại không phát triển được thêm kỹ năng nào mới, mẹ hoàn toàn có thể tìm hiểu thêm kĩ các dấu mốc về thời điểm trẻ mấy tháng biết lật và cần thiết nên đưa con đến bác sĩ để kiểm tra về các vấn đề vận động.
Khi con đã lật lẫy thành thạo bé có thể rất hào hứng hoặc trở thành phản xạ vô thức. Vì vậy mẹ nên thường xuyên để mắt đến con để đảm bảo an toàn nhất là vào ban đêm, tránh trường hợp bé nằm sấp khi ngủ và gặp phải nguy cơ đột tử do bị chăn gối đè lên mặt.
Những lần đầu tiên của bé đều là sự bất ngờ thú vị đối với cả mẹ và bé. Mẹ đừng quên lưu lại những khoảnh khắc đáng yêu này của con nhé!
Xem thêm:
Vào ngay Fanpage của theAsianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!