Rất nhiều ông bố bà mẹ tin rằng trẻ biết nói sớm là dấu hiệu rõ ràng cho thấy bé sẽ rất thông minh và sáng dạ. Vậy điều này có phải là sự thật hay không?
Các cột mốc biết nói của trẻ
Theo các nghiên cứu, bé sẽ trải qua nhiều giai đoạn tập nói cụ thể như sau:
Giai đoạn trước 1 tuổi
Việc trò chuyện với trẻ sẽ giúp bạn biết được khả năng nhận thức của con. Thực tế bé bắt đầu tìm cách giao tiếp bằng âm thanh với mọi người từ rất sớm. Ban đầu, trẻ sẽ cố gắng ghi nhớ âm thanh. Sau đó lặp lại và sử dụng chúng để thể hiện mong muốn của mình. Đa số trẻ sẽ quan sát cách ba mẹ và người xung quanh nói chuyện. Từ đó bé sẽ học và bắt chước ngôn ngữ đó.
Từ 3 tháng tuổi, trẻ theo dõi cử động môi và bắt đầu phân biệt các loại giọng nói và âm thanh. Trẻ cũng bắt đầu thể hiện sự phấn khích khi có âm nhạc. Lúc này bé cũng tỏ ra yêu thích đối với một vài âm thanh nhất định. Sau 3 tháng, trẻ sẽ bắt đầu tạo ra những âm thanh khác nhau và lặp lại nhiều lần.
Trẻ sẽ ghi nhớ âm thanh, sau đó lặp lại và sử dụng chúng để thể hiện mong muốn của mình
Trẻ bắt đầu biết bập bẹ vào khoảng 4 tháng tuổi. Những âm đầu tiên mà trẻ bập bẹ thường là âm môi “p,” “b” và “m”. Đến khoảng 6 tháng tuổi, trẻ bắt đầu nói được những từ đầu tiên như “ba ba”, “ma ma”. Trẻ cũng bắt đầu biết phản ứng khi có ai gọi tên trẻ vào khoảng tháng thứ 7. Lúc này trẻ có thể sử dụng âm thanh của mình để bày tỏ cảm xúc của bản thân.
Từ tháng thứ 7, trẻ đã biết phản ứng khi có ai gọi tên mình
Từ 9 tháng tuổi, trẻ hiểu được những từ đơn giản như “xin chào”, “tạm biệt” và từ “không”.
Giai đoạn từ 1 tuổi đến 3 tuổi
Từ 1 tuổi, trẻ có thể nói được từ như “mẹ”, “ba” và một vài từ khác. Lúc này, bạn sẽ cảm nhận trẻ bắt đầu biết nói nhiều hơn và rõ ràng hơn trước rất nhiều.
Khi được 18 tháng, trẻ sẽ nói được ít nhất 10 từ. Trẻ cũng biết gọi tên các bộ phận cơ thể và vật thể khác nhau. Tuy nhiên, trẻ vẫn chưa nói tròn vành rõ chữ.
Từ 2 tuổi, trẻ sẽ biết sắp xếp các từ và nói được những cụm từ ngắn và câu đơn giản.
Khi 3 tuổi, trẻ sẽ có nhiều từ vựng hơn và nói những cụm từ dài hơn.
Trẻ biết nói sớm có phải là dấu hiệu con rất thông minh?
Ngôn ngữ là nền tảng cơ bản cho quá trình học tập sau này của trẻ. Vì thế việc trẻ biết nói sớm đồng nghĩa với việc trẻ phát huy khả năng ngôn ngữ sớm. Nhờ đó, trẻ nhanh chóng học tập và phát huy khả năng giao tiếp. Đồng thời trẻ cũng biết thể hiện và hiểu được cảm xúc của bản thân. Nền tảng ngôn ngữ sẵn có còn hỗ trợ trẻ tư duy và giải quyết các vấn đề sau này.
Nền tảng ngôn ngữ sẵn có còn hỗ trợ trẻ tư duy và giải quyết các vấn đề sau này
Không phải trẻ nào biết nói sớm cũng đều thông minh. Thế nhưng đa phần các trường hợp, bé sẽ sáng dạ hơn, tiếp thu nhanh hơn. Còn thực tế chưa có nghiên cứu nào khẳng định trẻ biết nói sớm thông minh hơn. Tương tự các bé biết nói chậm cũng không có nghĩa là con “kém thông minh” hơn đâu. Vì thế bố mẹ đừng quá lo lắng vì có con chậm nói hơn trẻ đồng lứa nhé.
Có con biết nói sớm, cha mẹ cũng không nên quá vui mừng mà chủ quan. Bởi vì có khi, các khả năng khác của trẻ không theo kịp khả năng ngôn ngữ của trẻ. Ví dụ một bé 18 tháng tuổi biết nói nhiều câu từ nhưng lại không biết cách kiểm soát chuyện đi tiêu, đi tiểu như các bé khác.
Giúp bé phát triển khả năng nói và ngôn ngữ
Cách tập cho bé nói đơn giản nhất là thường xuyên giao tiếp, trò chuyện với trẻ. Khi nói chuyện, bạn hãy dừng giữa các câu nói và tỏ ý đợi con bạn trả lời. Bạn cần sử dụng các âm và âm tiết khác nhau khi nói chuyện với bé. Mục đích của việc này là để bé có thể bắt chước và học được nhiều từ mới. Bởi theo một nghiên cứu thì số lượng từ mà trẻ học được ảnh hưởng tích cực đến sự phát triển ngôn ngữ của trẻ sau này.
Ba mẹ thường xuyên trò chuyện sẽ giúp trẻ biết nói sớm
Thời gian trẻ thực sự phát ra một tiếng có nghĩa là khi trẻ được khoảng 6-7 tháng tuổi. Thoạt đầu, ba mẹ không nhận ra được ý nghĩa những từ trẻ phát ra. Vì thế, ngoài tập trung vào từ bé nói, ba mẹ hãy chú ý đến những hành động đi kèm.
Tạm kết
Cột mốc phát triển của các đứa trẻ không hoàn toàn giống nhau. Vì thế, ba mẹ không cần phải lo lắng nếu như đã tới thời điểm 4 hay 6 tháng mà bé chưa nói được như tiêu chuẩn. Biết nói sớm hay trễ phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác. Trong đó quan trọng là việc bạn thường xuyên gần gũi trò chuyện với bé. Ba mẹ chỉ lo lắng nếu con bạn không trải qua giai đoạn bập bẹ hay giao tiếp bằng mắt khi đã 15 tháng. Lúc này, ba mẹ nên liên hệ bác sĩ để được giúp đỡ. Trẻ càng sớm được giúp đỡ về vấn đề ngôn ngữ càng tốt.
Xem thêm:
Vào ngay Fanpage của the Asianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!