Trẻ bị thiếu máu do lối sống hiện đại và cách nuôi công nghiệp của bố mẹ trong câu chuyện dưới đây đang được bàn tán khắp các diễn đàn MXH, đặt ra mối quan ngại về tình trạng sức khỏe trẻ em hiện nay.
Thấy gì qua 1 ca bệnh trẻ bị thiếu máu?
Theo chia sẻ của bác sĩ Nguyễn Thanh Sang, mới đây bác sĩ này đã tiếp nhận 1 ca bệnh bé gái bị thiếu máu trầm trọng từ An Giang. Chỉ số Hemoglobin (HBG) sau khi xét nghiệm máu chỉ bằng 1/3 so với bé gái cùng độ tuổi.
Được biết cháu sống cùng mẹ và bà ngoại. Người mẹ bận công việc nên không có thời gian chuẩn bị đồ ăn cho bé. Mỗi khi ngủ dậy bé đều được bà ngoại cho uống sữa tươi. Mỗi ngày bé gái này uống từ 10 – 12 hộp sữa tươi.
Bàn tay bé gái bị thiếu máu ở An Giang (Nguồn: BS Nguyễn Thanh Sang)
Người nhà cháu bé thấy bé xanh xao quá nên khuyên đi khám thì bà ngoại không đồng tình. Chỉ đến khi người bố đi công tác xa về lấy lý do cho cháu đi chơi thì bé mới được đưa đi xét nghiệm. Cháu bé được chuyển tuyến từ An Giang lên TP. Hồ Chí Minh bằng xe cấp cứu và nhập viện ngay lập tức.
Tại đây sau khi thăm khám, bác sĩ kết luận cháu bị thiếu máu trầm trọng do tiêu thụ quá nhiều sữa tươi hàng ngày.
Vì sao trẻ bị thiếu máu do uống nhiều sữa tươi?
Có 3 nguyên nhân khiến uống sữa tươi nhiều gây thiếu máu thiếu sắt:
- Sữa tươi chứa hàm lượng canxi, phospho cao gấp 4 – 5 lần sữa mẹ. Tuy nhiên, nồng độ canxi, phospho cao lại là nguyên nhân cản trở ruột hấp thụ sắt từ thức ăn.
- Sữa tươi chứa 80% protein casein (trong khi sữa mẹ chứa 40% casein) nên cản trở ruột hấp thụ sắt.
- Sữa tươi hay sữa mẹ đều chứa rất ít sắt. Nhưng trẻ bú mẹ hoàn toàn vẫn không thiếu sắt 4 tháng đầu đời là nhờ lượng sắt dự trữ trong gan của bé. Khi trẻ được 4 tháng và đặc biệt là sau 12 tháng trở đi thì chế độ ăn cần bổ sung thêm sắt cho bé.
Uống quá nhiều sữa gây hại cho trẻ nhiều hơn bạn nghĩ
Trẻ được cho uống nhiều sữa sẽ đủ năng lượng và không có cảm giác đói, từ đó không thèm ăn, dần dần là biếng ăn. Bố mẹ thấy con biếng ăn, sợ con đói nên lại càng cho uống thêm sữa, vòng xoáy biếng ăn càng trở nên nặng hơn.
Cách kiểm tra nguy cơ thiếu sắt
Thiếu máu thiếu sắt là một loại bệnh khi máu thiếu các tế bào hồng cầu khỏe mạnh. Cơ thể sử dụng sắt từ thực phẩm ăn vào hoặc sắt tái chế từ các tế bào hồng cầu cũ để sản xuất hemoglobin. Hemoglobin (HBG) là một phần của các tế bào hồng cầu mang lại màu đỏ cho máu và cho phép tế bào này mang oxy khắp cơ thể. Nếu không có đủ chất sắt, cơ thể không thể sản xuất đủ HBG, từ đó sinh ra mệt mỏi, xanh xao nhợt nhạt.
Xét nghiệm máu có thể cho thấy nồng độ Hemoglobin trong máu, mức HBG bình thường là:
- Phụ nữ có thai: ≥ 11 g/dL
- Phụ nữ không có thai: ≥ 12 g/dL
- Trẻ <6 tháng: HGB < -2SD
- Trẻ 6 tháng – 5 tuổi: 11 g/dL
- Trẻ 5 tuổi – <12 tuổi: 11.5 g/dL
- Trẻ 12 tuổi – <15 tuổi: 12 g/dL
- Nam ≥ 15 tuổi: 13 g/dL
Bên cạnh đó còn 2 chỉ số khác cần quan tâm là MCV và MCH. Chỉ số của người bình thường là MCV < 85 fL và MCH < 27 pg. Nếu cả 3 trị số đều giảm thì nên tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa.
Tạm kết
Sữa tươi là thực phẩm cần thiết cho trẻ từ 1 tuổi nhưng việc cha mẹ cần làm là sử dụng sữa đúng cách. Cho trẻ uống nhiều hơn 600ml sữa tươi mỗi ngày sẽ đẩy con bạn vào nguy cơ thiếu máu thiếu sắt. Thiếu máu sẽ gây biếng ăn. Biếng ăn sẽ gây thiếu sắt và thiếu chất. Thiếu sắt và thiếu chất sẽ quay lại gây thiếu máu nặng hơn…
Theo afamily
Xem thêm
Vào ngay Fanpage của theAsianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!