Trẻ bị tay chân miệng nhưng không sốt có nguy hiểm hay không là nỗi băn khoăn của không ít các mẹ khi con yêu gặp phải tình trạng này. Bài viết dưới đây sẽ giải đáp thắc mắc này cho các mẹ.
Dấu hiệu thường gặp của bệnh tay chân miệng
Bệnh tay chân miệng chủ yếu do nhóm virus đường ruột Enterovirus gây nên, thường gặp nhất là Coxsackie A16 và Enterovirus typ 71. Đối tượng dễ mắc bệnh là trẻ em dưới 10 tuổi, bệnh có thể lây lan qua tiếp xúc ở nơi đông người như nhà trẻ, mẫu giáo.
Bệnh tay chân miệng của trẻ em gồm 4 giai đoạn với các dấu hiệu thường thấy như sau:
Giai đoạn 1: Ủ bệnh (kéo dài từ 3 đến 7 ngày) mà không có triệu chứng cụ thể.
Giai đoạn 2: Khởi phát (diễn ra từ 1-2 ngày) với các triệu chứng:
- Sốt nhẹ.
- Mệt mỏi.
- Đau họng.
- Biếng ăn.
- Tiêu chảy vài lần trong ngày…
Giai đoạn 3: Toàn phát (3-10 ngày) có các triệu chứng:
Vết đỏ hay phỏng nước đường kính 2-3mm ở niêm mạc miệng, lợi, lưỡi gây đau miệng, bỏ ăn, bỏ bú, tăng tiết nước bọt.
- Phát ban dạng phỏng nước: nốt ban hồng có đường kính khoảng vài milimet, nổi trên bề mặt da. Sau đó, các nốt ban trở thành bóng nước.
- Thường xuất hiện trong lòng bàn tay, chân, mông…
- Phát ban trong thời gian ngắn(dưới 7 ngày). Sau đó, có thể để lại vết thâm.
- Sốt nhẹ, nôn.
- Nếu sốt cao và nôn nhiều dễ có nguy cơ biến chứng.
Giai đoạn 4: Lui bệnh (3-5 ngày). Trẻ sẽ hồi phục hoàn toàn nếu không có biến chứng.
Biến chứng thường gặp nhất của bệnh tay chân miệng là tình trạng mất nước, làm trẻ bị loét miệng, đau họng, đau đớn và khó nuốt. Một số biến chứng nặng hơn, hiếm gặp của bệnh tay chân miệng, đó là:
- Viêm não hay viêm màng não do virus.
- Viêm cơ tim (viêm tế bào cơ tim).
Trẻ bị tay chân miệng nhưng không sốt có nguy hiểm không?
Bệnh tay chân miệng có thể tồn tại ở cả 3 thể:
- Thường gặp nhất là thể cấp tính.
- Thể tối cấp: diễn biến nhanh, dẫn đến nguy kịch trong vòng 24-48 giờ.
- Thể không điển hình: không có triệu chứng rõ ràng hoặc chỉ xuất hiện một trong các triệu chứng trên.
Không phải trẻ nào bị tay chân miệng đều có dấu hiệu bị sốt, cũng có trẻ bị tay chân miệng nhưng không sốt. Nhiều cha mẹ chủ quan và coi nhẹ bệnh tình khi thấy con bị tay chân miệng nhưng lại không sốt. Có Nguyên nhân có thể do trẻ đang ở giai đoạn bệnh nhẹ, bệnh mới khởi phát, tuy nhiên đây cũng có thể là dấu hiệu 1 số bất thường về sức khỏe. Cha mẹ cần theo dõi bé sát sao vì trẻ vẫn có nguy cơ gặp biến chứng không mong muốn về sức khỏe.
Bố mẹ cần đặc biệt lưu tâm đến các triệu chứng đi kèm sau đây:
- Trẻ quấy khóc liên tục cả ngày đêm
- Nôn ói
- Giật mình
- Tiểu ít
- Bé gặp hiện tượng khó thở, thở gấp
- Rối loạn ý thức.
Một số biện pháp, lưu ý phòng và chữa bệnh khi trẻ bị tay chân miệng
Hiện nay chưa có vaccine phòng bệnh chân tay miệng, bố mẹ cần lưu ý phòng ngừa bệnh cho con bằng các biện pháp sau đây:
Biện pháp phòng bệnh tay chân miệng
- Thường xuyên vệ sinh không gian sống bằng cách làm sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hằng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.
- Thực hiện tốt vệ sinh ăn uống, ăn chín uống sôi, vật dụng ăn uống phải đảm bảo rửa sạch trước khi sử dụng (tốt nhất là ngâm tráng nước sôi).
- Đeo khẩu trang cho trẻ mỗi khi ra ngoài để phòng lây nhiễm từ môi trường.
- Sau mỗi lần thay bỉm hoặc cho bé đi vệ sinh, bố mẹ cần vệ sinh tay sạch sẽ để ngăn ngừa vi khuẩn lây lan.
- Cần theo dõi triệu chứng đối với trẻ bị mắc bệnh để đưa đến cơ sở y tế khám và điều trị.
Chăm sóc khi trẻ bị tay chân miệng
- Vệ sinh tay trước và sau mỗi lần chăm sóc trẻ.
- Phối hợp dùng thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ.
- Thực hiện cách ly theo đường tiếp xúc, hạn chế cho trẻ ra ngoài để tránh lây nhiễm cho trẻ khác.
- Vệ sinh miệng và bôi thuốc vùng miệng cho trẻ theo chỉ định của bác sĩ.
- Mặc quần áo vải mềm, rộng rãi, thấm hút mồ hôi cho trẻ. Thay quần áo và tắm rửa hằng ngày bằng nước ấm.
- Theo dõi tình trạng của trẻ, phát hiện sớm các dấu hiệu cảnh báo, dấu hiệu nặng để xử lý kịp thời như mạch nhanh, run chi, đi không vững (nếu trẻ đã biết đi) hay hiện tượng giật mình hơn 2 lần/30 phút.
- Giữ vệ sinh da sạch sẽ, dùng thuốc xanh – methylen để chấm lên các nốt phỏng nước cho trẻ.
- Lựa chọn những thực phẩm kích thích vị giác, có tính mát, chứa nhiều vitamin như rau dền đỏ, rau mồng tơi…
- Bổ sung thực phẩm giàu kẽm cho trẻ như hải sản, các loại đậu, lòng đỏ trứng gà, thịt nạc…
- Cho trẻ uống nhiều nước lọc, uống nước ép trái cây tươi.
- Bổ sung vitamin và khoáng chất theo chỉ định của bác sĩ.
- Cho trẻ ăn thức ăn nguội, mềm, lỏng, dễ tiêu như cháo, sữa đồng thời nên chia nhỏ bữa ăn. Đối với trẻ còn đang bú mẹ thì có thể tăng số lần cho bú vì mỗi lần trẻ không bú được nhiều.
- Không nên kiêng khem mà cho trẻ ăn uống theo nhu cầu.
- Tránh thức ăn cay nóng và cứng.
Lưu ý quan trọng khi dùng thuốc chữa chân tay miệng cho trẻ
- Tùy độ tuổi, mức độ nhiễm bệnh và tình trạng mà loại thuốc cũng như liều lượng cho từng bé sẽ khác nhau nên bố mẹ cần cho con sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ.
- Không dùng thuốc có chứa aspirin vì có thể gây suy gan thận ở một số trẻ, và gây hội chứng Reye rất nguy hiểm (hội chứng Reye là một bệnh gây tổn thương não cấp tính và thoái hóa mỡ gan, thường bắt đầu sau khi hồi phục từ một căn bệnh virus cấp tính).
- Khi dùng nước muối để sát khuẩn, súc miệng thì nên dùng đúng nồng độ 0,9%, tránh pha quá mặn, gây xót khiến trẻ đau đớn.
- Tay chân miệng là bệnh do virus gây ra nên bố mẹ không được tự ý dùng kháng sinh.
Lời kết
Bệnh tay chân miệng ở trẻ có thể khỏi hoàn toàn mà không để lại di chứng. Nhiều trường hợp trẻ bị tay chân miệng nhưng không sốt, bệnh khó phát hiện sớm nên bố mẹ cần theo dõi những dấu hiệu đi kèm để tránh biến chứng ngoài ý muốn. Ngay khi phát hiện trẻ có dấu hiệu bất thường, bố mẹ cần cho con đến bệnh viện để được kiểm tra và xử lý nhanh chóng.
Xem thêm
Vào ngay Fanpage của theAsianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!