Mùa cao điểm bệnh tay chân miệng với 6 ca bệnh xuất hiện ngay tại cùng một trường mầm non. Bộ Y tế khuyến cáo cha mẹ cần cẩn trọng trước tình hình dịch bệnh tay chân miệng!
Xuất hiện 6 ca bệnh tại một trường mầm non – Cảnh báo mùa cao điểm bệnh tay chân miệng đang đến gần
Ngày 12/10, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh (HCDC) cho biết vừa xuất hiện 6 ca tay chân miệng tại Trường Mầm non phường 5 (quận 11).
Cô Võ Thị Hồng Thuỷ, Hiệu trưởng Trường Mầm non Phường 5 cho biết, vào mỗi buổi sáng các cô đón trẻ thì tầm soát trẻ nhằm phát hiện những trẻ có dấu hiệu nghi ngờ sẽ liên lạc với phụ huynh đến cho trẻ đi khám.
Sau khi phát hiện 6 em bị bệnh nói trên, ban giám hiệu nhà trường đã triển khai những phương pháp để giám sát phòng chống dịch tay chân miệng ngay từ khi xuất hiện những ca bệnh đầu tiên.
Trước tình hình bệnh tay chân miệng bước vào mùa cao điểm, HCDC đã kết hợp cùng Trung tâm Y tế quận 11 thực hiện giám sát công tác phòng chống bệnh tay chân miệng tại các trường mầm non trên địa bàn quận.
Mùa cao điểm bệnh tay chân miệng của năm 2020
Hiện nay, tình hình bệnh tay chân miệng có xu hướng gia tăng, số liệu giám sát của Bộ Y tế cho thấy: 6 tháng đầu năm 2020, toàn miền Bắc đã ghi nhận 220 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng tại 27/28 tỉnh, thành phố, trong đó số mắc trong tháng 6 tăng gần 4 lần so với 05 tháng đầu năm 2020.
Số ca mắc mặc dù giảm so với cùng kỳ năm 2019, tuy nhiên lại có dấu hiệu gia tăng trong một vài tháng gần đây, chỉ tính riêng trong 2 tháng qua, ca mắc đã gấp đôi so với những tháng đầu năm 2020. Dự báo dịch bệnh sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới.
Dấu hiệu bệnh ở trẻ cha mẹ cần hết sức cảnh giác
Bệnh tay chân miệng thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi, nhất là dưới 3 tuổi, lứa tuổi mầm non, mẫu giáo. Bệnh có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm não, viêm màng não, viêm cơ tim, viêm phổi…
Có thể nhận biết sớm bệnh tay chân miệng qua các dấu hiệu đặc trưng của bệnh là:
- Sốt, đau họng, tổn thương niêm mạc miệng và da chủ yếu ở dạng phỏng nước thường thấy ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối, mông, miệng.
- Các dấu hiệu chuyển nặng của bệnh, các dấu hiệu về thần kinh hoặc tim mạch như sốt cao (≥ 39,5), giật mình, lừ đừ, run chi, bứt rứt khó ngủ, nôn nhiều, rung giật cơ, đi loạng choạng, da nổi vân tím, vã mồ hôi, tay chân lạnh
Cha mẹ cần làm gì khi bé bị bệnh?
Khi thấy bé có các triệu chứng bất thường của bệnh như trên, cha mẹ cần đưa trẻ đi khám sớm để được điều trị hiệu quả.
Ngoài ra, việc chăm sóc trẻ bị bệnh tay chân miệng đúng cách giúp tránh đi các biến chứng nguy hiểm về sau.
Với việc trẻ chỉ bị tay chân miệng ở thể nhẹ, chỉ bị mụn nước hoặc loét miệng thì cha mẹ có thể theo dõi hoặc điều trị tại nhà bằng cách:
- Chỉ cho trẻ uống thuốc hạ sốt paracetamol, còn lại tất cả các loại thuốc khác phải do bác sĩ kê đơn. Bổ sung cho trẻ khi thấy bé bị sốt cao và bị mất nước.
- Vệ sinh miệng cho trẻ bị tay chân miệng bằng dung dịch sát khuẩn, súc miệng bằng nước muối loãng.
- Cho trẻ uống nhiều nước mát và thức ăn dễ tiêu hóa. Đặc biệt không cho trẻ ăn uống đồ cay nóng, có vị chua cay, ngậm vú nhựa, ăn thức ăn thô cứng.
- Cách ly trẻ bị bênh tay chân miệng với các trẻ khác trong nhà.
- Khi chăm sóc trẻ bị tay chân miệng, cần phải tắm rửa vệ sinh nhẹ nhàng cho bé hằng ngày bằng nước sạch để tránh bị tình trạng nhiễm khuẩn.
- Các thương tổn ngoài da của trẻ do phát ban, bỏng nước có thể bôi các dung dịch sát khuẩn để tránh bội nhiễm.
Tuy nhiên, phòng bệnh vẫn hơn chữa bệnh. Các chuyên gia y tế khuyến cáo các gia đình có con nhỏ cần quan tâm đến việc vệ sinh, chăm sóc trẻ hàng ngày thật sạch sẽ, an toàn để tránh cho bé tiếp xúc với các nguồn gây bệnh vô hình!
Xem thêm:
Vào ngay Fanpage của the Asianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!