Chăm sóc trẻ bị tay chân miệng, ba mẹ cần chú ý theo dõi sát sao các dấu hiệu, triệu chứng của bệnh qua từng giai đoạn, từ đó có cách sử dụng các loại thuốc theo tình trạng bệnh cũng như cung cấp cho trẻ một chế độ dinh dưỡng phù hợp.
Nhận biết các dấu hiệu bệnh tay chân miệng theo từng giai đoạn
Khác với các căn bệnh thông thường khác, tay chân miệng là một trong số bệnh thường gặp ở trẻ nhưng chưa có thuốc chữa. Việc điều trị cần được dựa trên các triệu chứng và theo đó mà có cách điều trị phù hợp, giúp thuyên giảm bệnh tình.
- Giai đoạn ủ bệnh: Virus sẽ xâm nhập vào cơ thể trẻ và có thời gian ủ bệnh từ 3 – 7 ngày trước khi khởi phát với các triệu chứng rõ rệt.
- Thời gian bệnh khởi phát: Trong từ 1 – 2 ngày, ở giai đoạn này bé nhiễm bệnh sẽ có triệu chứng như sốt nhẹ, mệt mỏi, đau họng, lười ăn, tiêu chảy.
- Giai đoạn toàn phát: Kéo dài trong 3 – 10 ngày với các triệu chứng tiêu biểu của bệnh như loét miệng, các nốt phát ban dạng phỏng nước, sốt nhẹ, nôn, …
Lưu ý, các trường hợp nhẹ thì trẻ sẽ phục hồi hoàn toàn trong khoảng từ 8 – 10 ngày. Trường hợp bệnh nặng, nếu trẻ bị sốt cao và nôn nhiều lần sẽ có nguy cơ biến chứng về thần kinh, tim mạch, hô hấp. Các biến chứng này thường xuất hiện từ 2 – 5 ngày của bệnh. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể gây tử vong.
Cách chăm sóc trẻ bị tay chân miệng thông qua việc uống thuốc
Hiện nay chưa có thuốc điều trị trực tiếp đối với bệnh tay chân miệng. Thay vào đó trẻ sẽ được uống một số loại thuốc nhằm giảm nhẹ triệu chứng của bệnh mà thôi.
Ba mẹ cần theo dõi chặt chẽ tình trạng bệnh của trẻ để biết được khi nào trẻ cần uống thuốc và nên uống thuốc gì.
Một số loại thuốc cần thiết mà ba mẹ nên tìm hiểu về cách dùng như sau:
- Thuốc hạ sốt, dùng khi trẻ sốt cao từ 38 độ C trở lên, có thể dùng ibuprofen hoặc acetaminophen (paracetamol) với liều lượng 10 – 15mg/kg. Dùng tiếp liều thứ 2 sau 4 – 6 giờ nếu trẻ vẫn sốt ở nhiệt độ cao.
- Nước điện giải. Ba mẹ nên cho bé uống dung dịch oresol hoặc hydritre pha theo liều lượng chỉ định trên bao bì để bù lại lượng nước đã mất và giúp con không bị kiệt sức.
- Thuốc sát khuẩn, có thể dùng Lidocain (dùng cho trẻ mọi lứa tuổi), xịt miệng benzydamine (Cho trẻ trên 5 tuổi), súc miệng benzydamine (trẻ từ 12 tuổi trở lên) và nước muối sinh lý nồng độ NaCl 0,9% (trẻ mọi lứa tuổi).
Trong trường hợp bệnh tình chuyển biến theo chiều hướng xấu hơn, trẻ cần được điều trị tại bệnh viện theo chỉ định của bác sĩ.
Chăm sóc trẻ bị tay chân miệng thông qua chế độ dinh dưỡng
Khi bị tay chân miệng, các nốt phồng rộp, lở loét thường là nguyên nhân chính khiến trẻ cảm thấy khó khăn, đau đớn với việc ăn uống hoặc thậm chí bỏ ăn.
Thạc sĩ, Bác sĩ Trần Quốc Hùng, Giảng viên trường cao đẳng Y Tế cho biết:
“Điều trị tay chân miệng do virus gây ra thì kháng sinh không có nhiều tác dụng nên chủ yếu dựa vào sức đề kháng của cơ thể. Những món ăn cho bé bị tay chân miệng giàu dinh dưỡng và vệ sinh cá nhân sạch sẽ là cách phòng và chữa bệnh hiệu quả nhất, bảo vệ trẻ khỏi mắc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm”.
Với những đặc điểm về bệnh và tác dụng của chế độ ăn uống trong thời gian trẻ bị bệnh như trên, ba mẹ nên cho trẻ ăn các loại thức ăn loãng, lỏng, mềm và để nguội như cháo loãng, súp, canh, các loại thức ăn hầm như, nước sinh tố, sữa bò và sữa chế biến từ các loại hạt, …
Cách vệ sinh hàng ngày cho bé bị tay chân miệng
Để giảm nguy cơ nhiễm trùng da – niêm mạc thì phụ huynh cần phải chú ý giữ gìn vệ sinh thân thể cho trẻ mắc bệnh. Theo các bác sĩ, ba mẹ hoàn toàn có thể tắm rửa cho trẻ nhưng tuyệt đối không được chọc vỡ bóng nước cũng như đắp các loại lá cây theo dân gian truyền miệng, … để hạn chế tình trạng nhiễm trùng da.
Do đó, ba mẹ nên vệ sinh thân thể hàng ngày cho trẻ theo cách dưới đây:
- Cho trẻ súc miệng với nước muối mỗi ngày;
- Tắm cho bé khi bị tay chân miệng bằng nước ấm, lau rửa cơ thể trẻ nhẹ nhàng, tránh làm vỡ bóng nước hoặc trầy xước da;
- Thay quần áo mới sạch, thoáng mát hàng ngày sau khi tắm;
- Cắt ngắn móng tay, hoặc bao tay cho trẻ nhỏ, để hạn chế tổn thương da do gãi ngứa.
- Ở các vết thương hở ngoài da do phỏng nước để lại nên dùng các loại dung dịch sát khuẩn để tránh bội nhiễm.
- Ba mẹ khi chăm sóc trẻ bệnh tay chân miệng cũng nên đeo khẩu trang và rửa tay sạch bằng xà phòng để sát khuẩn, tránh lây lan sang những người khác trong gia đình.
- Quần áo, tã lót hay vật dụng của trẻ bị bệnh cần được ngâm dung dịch sát khuẩn như cloramin B 2% hoặc có thể luộc qua nước sôi.
Kết hợp với các cách chăm sóc trẻ bị tay chân miệng trên, ba mẹ cần quan sát dấu hiệu, tình trạng bệnh của trẻ một cách sát sao. Khi thấy trẻ có các triệu chứng như sốt cao kéo dài từ 48 tiếng trở đi, quấy khóc, nôn nhiều lần, ngủ lịm, run tay chân, thở nhanh, mạch nhanh, đi loạng choạng, cần đưa bé đến bệnh viện ngay để điều trị kịp thời, tránh hậu quả đáng tiếc xảy ra.
Xem thêm:
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!