Trẻ bị nghẹt mũi khó thở khi ngủ là tình trạng thường gặp do các bé thường rất dễ mắc các bệnh liên quan đến đường hô hấp, đặc biệt là vấn đề ở mũi. Tình trạng này kéo dài có thể đem lại cho mẹ nhiều khó chịu và lo lắng. Ngoài ra nó có thể dẫn đến việc gián đoạn giấc ngủ gây ra những biến đổi về tinh thần. Để giúp con có giấc ngủ ngon, không ảnh hưởng tới sức khỏe, các mẹ hãy cùng tìm hiểu nguyên nhân và cách giải quyết.
Nghẹt mũi là gì?
Trẻ thường dễ gặp vấn đề về đường hô hấp
Nghẹt mũi là tình trạng tắc nghẽn 1 hay cả 2 bên mũi, khiến cho người bệnh luôn có cảm giác khó khăn khi thở bằng mũi và thường xuyên phải thở bằng miệng. Khi bị nghẹt mũi, đa số người bệnh thường nghĩ không có vấn đề gì quá lớn, chỉ gây cảm giác khó chịu. Tuy nhiên nếu nghẹt mũi kéo dài có thể gây ra những hệ quả khôn lường. Một số triệu chứng cụ thể có thể thấy ở bé như:
- Trẻ thở khó khăn, thở khò khè, khó ngủ, bú khó…,có thể kèm chảy nước mũi, hắt hơi, ho
- Gặp khó khăn với việc thở khi nằm và dễ thở hơn khi bé đứng
- Bé thở bằng miệng, nên họng khô, rát
- Bé bị ngạt mũi thường xuyên sẽ không được linh hoạt, hay chậm chạp, lười biếng, nhức đầu và khó tập trung tư tưởng do thiếu không khí lưu thông qua mũi. Ảnh hưởng xấu đến khuôn mặt như răng vẩu, cằm nhô, lồng ngực xẹp do viêm nhiễm lâu dài
Nguyên nhân gây nghẹt mũi ở trẻ
Cảm cúm có thể làm trẻ bị nghẹt mũi
- Do dị tật bẩm sinh: Đây là lý do gây ngạt mũi thường gặp ở trẻ sơ sinh do có lớp màng hay mảnh xương bịt kín cửa sau mũi, khiến trẻ không thở được
- Bị cảm lạnh hoặc do không khí quá khô: Nếu thường xuyên dùng điều hòa để nhiệt độ lạnh hơn mức chịu đựng của trẻ hoặc trong những ngày thời tiết chuyển sang đông sẽ làm cho bé rất dễ bị cảm lạnh, không khí xung quanh luôn trong tình trạng quá khô. Khi bị cảm lạnh, đường thở bị tắc nghẽn dẫn đến việc trẻ bị nghẹt mũi, khó thở
- Nhiễm khuẩn đường hô hấp: viêm mũi họng, viêm đường hô hấp…
- Dị ứng: Bé cũng có thể dễ bị ảnh hưởng bởi các tác nhân gây kích ứng như phấn hoa, bụi, khói thuốc lá hay nước hoa. Bên cạnh đó, bụi nhà, lông thú vật cũng gây cho bé bị nghẹt mũi, khó thở khi ngủ
- Bệnh lý tại mũi họng: viêm xoang, khối u ở mũi, lệch vách ngăn mũi
- Viêm amidan, viêm VA: Đây cũng là nguyên nhân hay gặp gây nghẹt mũi nhất là ở trẻ em
- Chấn thương hoặc có dị vật trong mũi, chủ yếu do bé em tự nhét vào mũi các vật như hạt lạc, sáp màu…
Mẹ nên làm gì khi trẻ bị nghẹt mũi khó thở khi ngủ?
Nằm gối cao giúp con dễ thở hơn
Nghẹt mũi khiến trẻ khó chịu với mức độ từ nhẹ đến nặng. Khi trẻ bị nghẹt mũi, cha mẹ và người chăm sóc trẻ có thể áp dụng một số biện pháp từ dân gian đến hiện đại sau để làm giảm tình trạng nghẹt mũi như:
1. Giữ môi trường phòng ngủ của trẻ sạch sẽ, thoáng mát
Mẹ cần cố gắng giữ cho không khí trong phòng sạch thoáng, vệ sinh các chỗ khuất trong nhà thường xuyên để diệt nấm mốc. Nếu sử dụng điều hòa thì mẹ không nên để quá lạnh, nếu sử dụng quạt thì không nên để quạt đứng yên một chỗ và quay trực tiếp vào mặt bé.
2. Làm ẩm và giữ mũi sạch sẽ cho bé
Trước lúc bé ngủ, phụ huynh cần phải làm vệ sinh mũi cho trẻ sạch sẽ bằng cách xịt rửa mũi với nước muối sinh lý. Rửa mũi bằng nước muối sinh lý cũng giúp làm sạch dịch nhầy trong mũi xoang, làm thông thoáng đường mũi để dễ thở hơn. Tuy nhiên, khi thực hiện rửa mũi cho trẻ cần phải đảm bảo dung dịch xịt rửa là vô khuẩn, ấm, để tránh gây nhiễm khuẩn cho xoang, mũi.
3. Xông hơi mũi hoặc xông tinh dầu
Hơi nước nóng có thể giúp làm giảm chứng nghẹt mũi vì nó làm lỏng dịch nhầy trong mũi, dịch thoát ra dễ dàng hơn, do đó mũi thông thoáng hơn.
Tinh dầu khuynh diệp, tinh dầu tràm có thể làm giảm triệu chứng viêm mũi và nghẹt mũi. Xông tinh dầu được thực hiện bằng cách nhỏ vài giọt tinh dầu vào bát nước nóng và hít hơi nước.
4. Cho trẻ nằm gối cao
Nếu trẻ bị nghẹt mũi, khi trẻ ngủ, nhất là ban đêm, cần kê đầu trẻ lên cao hơn bình thường hoặc để trẻ nằm nghiêng để trẻ dễ thở.
Việc trẻ bị nghẹt mũi khó thở khi ngủ thực sự gây ra những khó chịu và bất tiện trong sinh hoạt cho bé, cũng như nghẹt mũi kéo dài gây mãn tính, cha mẹ cần chú ý phòng ngừa nghẹt mũi cho trẻ, nhất là trong giai đoạn thời tiết chuyển mùa. Để bảo vệ trẻ khỏi các loại bệnh cảm cúm do ảnh hưởng của thời tiết, mẹ nên thường xuyên: giữ ấm cho trẻ, cho trẻ uống đủ nước, vệ sinh cho trẻ, rửa tay sạch sẽ để tránh tình trạng lây nhiễm virus.
Xem thêm:
Vào ngay Fanpage của the Asianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!