Nếu trẻ nghe, hiểu và làm theo hướng dẫn mặc dù không nói nhiều và không có dấu hiệu chậm phát triển nào khác, có thể trẻ đang bị chậm nói tạm thời.
Trong nhiều trường hợp, trẻ chậm nói là do vấn đề tâm lý mà nguyên nhân đến từ chính cách nuôi dạy con sai phương pháp của bố mẹ. Cũng vì thế mà các giải pháp giúp trẻ nói tốt cũng đến từ chính bố mẹ.
Nhận biết trẻ bị chậm nói
Thông thường khi bé từ 18 tháng trở lên đã có thể gọi tên những người thân, vật dụng… Tuy vậy cũng có trường hợp trẻ chưa phát âm tốt và ít nói ở giai đoạn này. Điều đó cũng chưa đáng để bố mẹ quá lo lắng. Chỉ khi tình trạng đó kéo dài tới khi trẻ 3 tuổi thì mới được xem là trẻ bị chậm nói.
Thông thường trẻ trên 18 tháng đã có thể nói được khá nhiều từ thông dụng
Trẻ bị xem là chậm nói khi không sử dụng được đại từ nhân xưng nào như xưng con, gọi mẹ, ba. Trẻ cũng không thể ghép các từ thành một câu ngắn từ ba chữ trở lên. Ví dụ như “mẹ ẵm con”, “con uống sữa”…
Đó là phần nói, về phần nghe, trẻ không hiểu những chỉ dẫn hoặc câu hỏi ngắn. Ví dụ như “con muốn uống sữa nữa không?” hay “con tới kệ lấy giày của con đi”… Trẻ chậm nói cũng sẽ phát âm lộn xộn, từ ngữ không được lắp ghép đúng.
Điều này khiến những người xung quanh khó hiểu được ý của bé. Trẻ cũng gặp khó khăn khi phát ra âm thanh hay từ ngữ, khi nói vẻ mặt trẻ nhăn nhó.
Ngoài ra trẻ chậm nói sẽ không đặt câu hỏi với người lớn về mọi thứ xung quanh. Nhiều bé tỏ ra không quan tâm gì đến sách truyện. Có bé không quan tâm và tương tác với những trẻ khác và rất khó tách trẻ khỏi bố mẹ.
Các lý do khiến trẻ chậm nói
Để giúp trẻ chậm nói cải thiện khả năng nói của mình, bố mẹ cần hỗ trợ bé. Tuy nhiên trước hết, bạn cần tìm hiểu đâu là nguyên nhân khiến trẻ bị chậm nói.
Bé có khả năng mất thính lực
Bạn nên xác định khả năng thính lực của con. Bởi vì việc không nghe được sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc phát triển khả năng nói của bé. Trên thực tế, nhiều cha mẹ không nhận thức được con mình đang gặp vấn đề về thính giác.
Bạn nên cho con đi kiểm tra thính lực nếu con bạn từng bị nhiễm trùng tai. Trong gia đình có người từng bị mất thính lực cũng tăng nguy cơ trẻ mang khiếm khuyết này.
Lưỡi và miệng của bé có vấn đề
Ngoài vấn đề thính giác, bố mẹ cũng nên lưu ý về cấu tạo lưỡi và miệng của bé. Có thể bé gặp khó khăn do bị dính thắng lưỡi hoặc có thể là lưỡi của bé ngắn. Bạn có thể đến các cơ sở y tế có chuyên khoa nhi để kiểm tra kỹ càng các vấn đề này.
Khiếm khuyết của lưỡi và miệng cũng khiến bé khó khăn khi phát âm
Trẻ chậm nói do bố mẹ vô tâm
Đây là một trong những nguyên nhân chính khiến trẻ bị chậm nói. Bố mẹ không biết cách kích thích con nói sẽ khiến trẻ mai một đi khả năng này. Nhiều bố mẹ thường cướp lời con, nói thay ý của con.
Vì thương con, nhiều ông bố bà mẹ thường hỏi trẻ “con ăn cơm nhé?”, “con muốn đi ngủ chưa?”… Điều này khiến trẻ cảm thấy không cần phải học nói. Bởi lẽ thay vì nói lên mong muốn của mình, bé chỉ cần gật đầu, lắc đầu là đủ.
Ngoài ra, việc thiếu giao tiếp, trò chuyện với con cũng là sai lầm lớn của bố mẹ. Không được tương tác, trẻ sẽ mất dần hứng thú với việc trò chuyện và giao tiếp. Một số bé lại bị chậm nói do lối sống thụ động, mà bố mẹ áp đặt cho. Thay vì nói chuyện với con, bố mẹ lại để trẻ xem tivi, điện thoại cả ngày.
Cách cải thiện dành cho trẻ chậm nói đơn giản
Ba mẹ có thể cải thiện ngôn ngữ cho trẻ chậm nói bằng cách dành thời gian tập nói cho trẻ. Các chuyên gia khuyên các phụ huynh nên trò chuyện với con suốt cả ngày.
Bạn có thể kể lại những gì bạn và con đang làm bằng cách sử dụng nhiều từ khác nhau. Đồng thời, bạn hãy lắng nghe và trả lời những âm thanh mà con bạn tạo ra.
Đọc sách cho trẻ nghe là một trong những cách mà ba mẹ có thể cải thiện khả năng ngôn ngữ cho trẻ
Có một số cách mà bạn có thể áp dụng để cải thiện khả năng nói của con dễ dàng. Đọc sách cho con, cùng con trò chuyện mỗi ngày là một trong số đó. Bạn cũng nên hạn chế việc cho trẻ xem tivi và sử dụng smartphone quá nhiều.
Ngoài ra, bạn cũng có thể cùng con chơi trò chơi gọi tên và giả tiếng của động vật. Các chuyên gia cũng đưa ra cách giúp con bạn sử dụng nhiều từ hơn. Đó là bạn nên đặt những câu hỏi dài cho con bạn.
Ví dụ như thay vì hỏi “con muốn sữa hay nước?” thì bạn hỏi “con có muốn uống một ly sữa hoặc uống một ly nước không?”. Bạn nên chờ trẻ trả lời, xác nhận lại câu trả lời của trẻ rồi hãy hành động.
Thay lời kết
Trẻ bị chậm nói xuất phát từ 2 nguyên nhân chính: sinh lý và tâm lý. Nếu đó là vấn đề sinh lý, khiếm khuyết thì bố mẹ hãy tìm đến các bác sĩ để giúp con. Tuy vậy đa phần trẻ chậm nói lại do yếu tố tâm lý và môi trường. Là người gần gũi với trẻ cho nên ba mẹ có thể là tác nhân khiến trẻ chậm nói.
Vì vậy ba mẹ cũng là những người có thể giúp trẻ cải thiện điều này một cách tốt nhất. Bạn cần thay đổi cách giao tiếp, trò chuyện và tương tác với bé. Hãy khuyến khích trẻ sử dụng ngôn ngữ trong các tình huống đời thường.
Chỉ cần cố gắng và kiên nhẫn, trẻ sẽ dần phát triển khả năng nói của mình. Vì thế ba mẹ hãy đồng hành cùng trẻ chậm nói trong quá trình phát triển ngôn ngữ nhé!
Xem thêm:
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!