Thông thường, trẻ 2 tuổi có thể nói khoảng 50 từ. Đến 3 tuổi, từ vựng của trẻ ở tầm 1.000 từ và trẻ có thể nói câu dài 3-4 từ. Nếu trẻ đã 3 tuổi và có dấu hiệu chậm nói, ba mẹ nên có những hành động can thiệp kịp thời.
Các cột mốc giúp đánh giá sự tiến bộ của trẻ, dù không phải trẻ nào cũng giống nhau. Tuy nhiên, khi trẻ hơi chậm so với các cột mốc, ba mẹ nên kiểm tra. Điều đó giúp ba mẹ tìm ra biện pháp hỗ trợ cho trẻ tốt nhất.
Việc bé chậm nói khiến bố mẹ vô cùng lo lắng và bất an cho tương lai của con
Chậm nói hay chậm phát triển ngôn ngữ?
Mọi người thường hay lẫn lộn giữa chậm nói và chậm ngôn ngữ. Chậm nói là khả năng diễn đạt suy nghĩ bằng ngôn ngữ kém. Trẻ chậm nói cũng có khả năng phát âm hạn chế.
Trẻ chậm ngôn ngữ lại có thể phát âm rất tốt. Tuy nhiên con lại không thể ghép nhiều hơn hai từ với nhau. Vì thế, câu nói của trẻ thường khó hiểu vì từ ngữ lộn xộn. Có những đứa trẻ ban đầu phát âm tốt nhưng vẫn bị chậm ngôn ngữ sau này. Trẻ có thể hoặc bị chậm nói hoặc bị chậm ngôn ngữ, có trẻ bị cả hai.
Chúng ta phân biệt như vậy là để tìm ra cách hỗ trợ điều trị phù hợp cho con. Thông thường nhiệm vụ trên sẽ thuộc đánh giá của chuyên gia. Việc của ba mẹ là hãy đưa con đi thăm khám và được tư vấn thường xuyên.
Vì sao trẻ chậm nói?
Trẻ 3 tuổi bị chậm nói không có nghĩa là bé không ổn. Không ít trường hợp bé chậm nói do phát triển muộn và sẽ dần khỏi. Tuy nhiên, ba mẹ nên đưa bé đi kiểm tra. Đây là điều nên làm để xác định bé có gặp vấn đề về thính giác, thần kinh hay không.
Ngoài ra, việc kiểm tra có thể phát hiện tật dính thắng lưỡi ở bé. Đây cũng là một trong số các nguyên nhân khiến con chậm nói mà bố mẹ cần lưu ý. Chỉ khi phát hiện ra nguyên nhân chính xác, tình trạng chậm nói mới được điều trị hiệu quả.
Trẻ gặp vấn đề về cấu tạo sinh học của miệng
Trẻ có thể gặp trục trặc gì đó ở miệng, lưỡi hoặc vòm miệng. Một trong những hiện trạng thường hặp ở trẻ chậm nói là bị dính thắng lưỡi. Khoảng 4%-5% trẻ sơ sinh bị dây thắng lưỡi (lớp màng mỏng niêm mạc dưới lưỡi) ngắn.
Dị tật này hạn chế cử động bình thường của lưỡi. Trẻ có thể bị dính thắng lưỡi nhiều hoặc nhẹ. Dị tật này khiến trẻ khó khăn trong phát âm, làm trẻ chậm nói. Ngoài ra, dính thắng lưỡi còn khiến con biếng ăn, chậm tăng cân.
Dính thắng lưỡi là một trong những nguyên nhân khiến trẻ chậm nói
Trẻ sinh non
Trẻ sinh non thường chậm phát triển nhiều thứ, trong đó có chậm nói. Bởi rối loạn ngôn ngữ liên quan đến chức năng não và có dấu hiệu của khuyết tật học tập. Nếu bé bị sinh non, mẹ hãy chú ý đến các vấn đề này nhé.
Trẻ mất thính giác
Khi thính giác của trẻ có vấn đề, trẻ không nghe tốt thì khó học ngôn ngữ và nói tốt. Cách để thử thính lực của trẻ chính là bạn đột ngột gọi tên trẻ khi trẻ không để ý. Tuy nhiên, có những trường hợp ba mẹ không nhận ra điều này. Khi nhận ra, khả năng điều trị cho trẻ trở nên ít hơn.
Môi trường thiếu kích thích
Môi trường đóng một vai trò quan trọng trong việc giúp trẻ phát triển ngôn ngữ. Trẻ chẳng thể học được gì nếu những người xung quanh không ai nói. Ba mẹ, ông bà hãy thường xuyên trò chuyện với trẻ.
Người thân chính là nguồn cung cấp ngôn ngữ đầu tiên cho bé. Ba mẹ có thể đưa bé đi học để tiếp nhận ngôn ngữ từ trường mầm non. Điều đó tốt hơn nhiều so với việc vứt cho bé cái tivi hoặc điện thoại.
Hội chứng tự kỷ
Chậm nói là một trong những dấu hiệu của tự kỷ. Nếu trẻ chậm nói có thêm những hành vi như lặp lại cụm từ, lặp lại hành vi. Bên cạnh đó trẻ không thích giao tiếp hay nói những lời vô nghĩa, nói “vuốt đuôi”… ba mẹ nên đưa trẻ đi test tâm lý. Phát hiện kịp thời, điều trị đúng lúc luôn là cách giúp ba mẹ ít phải hối tiếc nhất.
Vấn đề về thần kinh
Một số rối loạn về thần kinh cũng khiến trẻ bị chậm nói. Ví dụ như bại não, loạn dưỡng cơ bắp, chấn thương sọ não…
Điều trị chậm nói
Nếu không can thiệp kịp thời, trẻ sẽ chịu nhiều thiệt thòi trong sinh hoạt hàng ngày, học tập. Hiện tại có một số cách điều trị chậm nói cho trẻ như sau:
Ngôn ngữ trị liệu
Ngành ngôn ngữ trị liệu tại Việt Nam đang ngày càng phát triển. Đây là lĩnh vực không nhằm hỗ trợ điều trị cho trẻ tự kỷ, bại não, chậm nói, nói ngọng… Ngôn ngữ trị liệu giúp trẻ tăng cường khả năng giao tiếp và phát triển ngôn ngữ thông qua các giờ học vui vẻ, thú vị.
Các chuyên gia sẽ đánh giá mức độ giao tiếp và sử dụng ngôn ngữ của trẻ. Sau đó xây dựng mục tiêu học tập phù hợp cho từng cá nhân. Các chuyên gia trị liệu sẽ làm việc trực tiếp với con bạn. Từ đó họ sẽ từng bước hướng dẫn cách bạn giúp đỡ bé giao tiếp tại nhà. Nếu trẻ được can thiệp sớm, trẻ có thể hòa nhập bình thường khi đi học mầm non.
Cho trẻ đi học để trẻ củng cố thêm ngôn ngữ từ bạn bè, cô giáo
Trung tâm can thiệp sớm
Khi trẻ gặp khó khăn khi đi học, ba mẹ có thể nhờ đến các trung tâm can thiệp kỹ năng. Tùy theo mức độ của trẻ, ba mẹ có thể chọn hình thức can thiệp. Ví dụ như cho trẻ theo học toàn thời gian, học nói theo giờ, học tại nhà… Nếu bé đang ở thành phố lớn thì việc tìm một trung tâm can thiệp phù hợp là không khó.
Điều trị căn bệnh tiềm ẩn khác
Khi trẻ chậm nói do do các căn bệnh tiềm ẩn như mất thính giác, dính thắng lưỡi, ba mẹ nên can thiệp bằng y tế trước. Các bác sĩ sẽ giúp trẻ khắc phục các vấn đề về thể chất. Sau đó, có thể trẻ chậm nói sẽ được trị liệu nếu mắc các tật về cấu âm. Cuối cùng là sẽ can thiệp kỹ năng, điều trị chậm nói.
Hậu quả khi trẻ chậm nói như thế nào, hẳn ba mẹ đã rõ. Vì thế, việc bố mẹ quan tâm đến cột mốc phát triển của con thường xuyên là rất cần thiết. Bạn cũng nên định kỳ kiểm tra, thăm khám cho con. Những điều này sẽ giúp chúng ta sớm giải quyết các vấn đề con có thể gặp phải, trong đó có nguy cơ chậm nói ở tuổi lên 3.
Xem thêm
Khắc phục trẻ chậm nói – Những cách hiệu quả mẹ có thể áp dụng ngay
Bé 3 tuổi chậm nói là chắc chắn bị bệnh tự kỷ?
Những dấu hiệu trẻ chậm nói ba mẹ không nên bỏ qua
Vào ngay Fanpage của TheAsianParent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!