Cho trẻ ăn dặm đúng cách để phòng suy dinh dưỡng là mong muốn của nhiều mẹ. Những ai lần đầu làm mẹ hẳn không khỏi lo lắng khi bé chuẩn bị bước từ giai đoạn ăn sữa sang ăn dặm. Nên cho con ăn dặm theo phương pháp nào? Chuẩn bị đồ ăn dặm thế nào để con không biếng ăn dặm, sút cân? Dưới đây là 5 gợi ý mẹ nên chú ý để phòng suy dinh dưỡng cũng như phát triển thế chất cho con một cách tốt nhất.
1. Bé vẫn cần được đảm bảo về lượng sữa trong thời kỳ ăn dặm
Khi lượng thức ăn dặm tăng dần, bé sẽ bú hoặc uống ít sữa hơn. Tuy nhiên, sữa mẹ hoặc sữa công thức vẫn là nguồn dinh dưỡng chính cho bé trong suốt năm đầu đời.
Trong giai đoạn ăn dặm, thức ăn là cách để bé tập nuốt, nhai. Chính vì vậy mà giai đoạn này thức ăn dặm mới chỉ được xem là thực phẩm bổ sung, không thể thay thế sữa mẹ hoặc sữa công thức, nguồn thực phẩm hết sức bổ dưỡng và cân bằng. Điều này đặc biệt quan trọng đối với trẻ bú mẹ.
Với các trẻ này, tốt nhất nên tập cho bé ăn dặm từ từ để thức ăn đặc không thay thế nguồn sữa mẹ quá sớm. Cho bé ăn dặm quá nhiều cũng ảnh hưởng tới quy luật cung cầu, làm giảm lượng sữa mẹ.
2. Giúp con có được niềm vui trong mỗi bữa ăn dặm
Ăn dặm chỉ là để tạo cho con thói quen ăn uống, giới thiệu cho con biết mùi vị thức ăn ngoài sữa. Dưới 1 tuổi, sữa vẫn là nguồn dinh dưỡng chính.
Thế nên các mẹ không cần phải quá áp lực về lượng con ăn được bao nhiêu mỗi bữa. Mẹ chỉ cần tạo không khí vui vẻ trong mỗi bữa ăn cho con và rèn con có nếp ăn ngoan bằng cách ngồi ghế khi ăn, không vừa ăn vừa chơi, vừa xem tivi, ipad, … và phải giới hạn thời gian cho mỗi bữa ăn, tuyệt đối không được ép con ăn dưới mọi hình thức.
Khi trẻ cảm thấy bữa ăn là thời gian vui vẻ thì tự khắc lượng ăn của con cũng sẽ tăng dần lên. Từ đó, mẹ sẽ không còn lo lắng về việc trẻ biếng ăn, ăn quá ít và có nguy cơ bị suy dinh dưỡng.
3. Chế biến đồ ăn dặm đúng cách
Thức ăn của bé sẽ được bảo toàn dinh dưỡng khi mẹ nắm rõ cách chế biến đồ ăn dặm một cách khoa học. Theo các chuyên gia dinh dưỡng, mẹ nên lưu ý những điều sau khi nấu nướng cho bé:
– Nên chọn mua thực phẩm tươi.
– Không nên ngâm ngập rau quả trong chậu nước mà nên rửa dưới vòi nước chảy sẽ giúp tránh được việc các vitamin B, C và một số khoáng chất tan biến vào trong nước.
– Cách nấu ăn ngon là cần nấu rau quả trong thời gian ngắn nhất có thể, khi rau chín vừa là đủ. Lâu quá sẽ khiến vitamin trong rau củ sẽ không còn nhiều.
– Với các món ăn dặm có sữa, mẹ nên nấu chín bột, gạo, rau… rồi mới cho sữa vào giúp giữ được dinh dưỡng cho bé từ sữa.
– Thịt cá không nên nấu ở nhiệt độ cao quá lâu.
– Nên hấp đồ ăn rồi dùng để chế biến món ăn dặm vì đây là cách chế biến thông minh nhất để giữ các chất trong thức ăn dinh dưỡng cần thiết cho bé. Đồng thời hấp làm thực phẩm mau chín và có màu sắc đẹp mắt hơn.
– Không nên cho rau, củ, quả, cá, thịt vào nấu chung với cháo vì nước rau củ hay cá thịt sẽ tan vào cháo ngay từ đầu khiến cháo bị nồng hoặc có vị tanh làm bé khó tiêu, đồng thời lượng vitamin có trong rau củ sẽ bị hao hụt.
4. Đảm bảo thành phần dinh dưỡng của mỗi bữa ăn dặm theo từng tháng tuổi
Mỗi bữa ăn dặm của bé cần được đảm bảo có đầy đủ 4 nhóm chất. Trong đó:
– Tinh bột đường: Giúp trẻ có được năng lượng để hoạt động. Mẹ có thể dùng bột gạo, gạo, mì, bánh mì, … quay vòng để bé có được nguồn tinh bột đa dạng.
– Chất đạm: Giúp hình thành cơ bắp, hoàn thiện hệ miễn dịch để cơ thể bé chống lại các bệnh nhiễm khuẩn đồng thời hình thành và hoàn thiện hệ thần kinh giúp bé thông minh hơn. Bé nên bắt đầu ăn dặm từ trứng, đậu rồi tới cá và các loại thịt, hải sản.
– Nhóm chất béo: Không những cung cấp năng lượng ở dạng đậm đặc nhất, chất béo còn giúp khơi gợi cơn thèm ăn cho bé, đồng thời hỗ trợ cơ thể bé hấp thu tốt các vitamin tan trong dầu (A, D, E, K). Các loại dầu thiên nhiên như dầu mè, hoặc dầu ô liu, dầu đậu nành, … nên được sử dụng khi nấu đồ ăn cho bé.
– Vitamin và khoáng chất: Chúng có chức năng hỗ trợ quá trình trao đổi chất, giúp chuyển hóa tối đa chất dinh dưỡng thành năng lượng, tăng cường sức đề kháng và bảo vệ cơ thể bé yêu.
5. Đa dạng đồ ăn dặm
Trẻ thường có xu hướng suy dinh dưỡng nếu bị thiếu hàm lượng chất protein, vitamin D và canxi. Do đó, mẹ cần lưu ý bổ sung thêm các thực phẩm giàu vitamin D, canxi và protein vào thực đơn cho trẻ.
Trẻ ăn dặm đúng cách để phòng suy dinh dưỡng là điều mà mẹ bỉm nào cũng nên quan tâm chú ý. Bữa ăn của trẻ nên được chế biến đa dạng và phong phú. Không nên chỉ chăm chăm vào món bé thích và ăn đi ăn lại mãi món đó. Cách cho con ăn dặm như vậy sẽ chỉ khiến trẻ kén ăn và không nhận đủ các chất cần thiết cho phát triển thể chất của trẻ.
Xem thêm:
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!