Tiểu đường thai kỳ nên ăn hoa quả gì để đảm bảo ổn định lượng đường huyết? Hãy nghĩ đến các loại quả có múi như cam, quýt, bưởi; trái bơ; trái táo; kiwi; các loại trái/quả họ berries và đu đủ.
Bài viết có phần đóng góp ý kiến chuyên môn từ bác sĩ Vũ Nhật Nam, Khoa Nội tổng hợp – Tim mạch – Lão học, Bệnh viện Quận Bình Thạnh.
Câu hỏi: Thai phụ bị tiểu đường thai kỳ nên ăn hoa quả gì? Có cần thay cơm trắng bằng cơm gạo lứt hay loại ngũ cốc nào khác không? Sau khi sinh mẹ có bị tiểu đường tiếp tục không hay hết hẳn?
Trả lời:
Theo bác sĩ Vũ Nhật Nam, Khoa Nội tổng hợp – Tim mạch – Lão học, Bệnh viện Quận Bình Thạnh:
Hoa quả đóng vai trò rất quan trọng trong chế độ dinh dưỡng của bà bầu. Đặc biệt, khi mắc tiểu đường thai kỳ, mẹ bầu vẫn cần bổ sung đầy đủ hoa quả để đảm bảo đủ chất dinh dưỡng, cung cấp chất xơ, vitamin và chất khoáng quan trọng mà cơ thể cần hàng ngày. Tuy nhiên, cần lựa chọn những hoa quả phù hợp để không gây ảnh hưởng tới sức khỏe của mẹ và bé. Một số loại hoa quả mẹ bầu nên ăn khi bị tiểu đường thai kỳ như bưởi , đu đủ, bơ, quả mâm xôi, dâu tây, cam, kiwi xanh,… và cần hạn chế trái vải, mít, sầu riêng, chuối, mãng cầu, nhãn…vì chúng có hàm lượng đường cao, ăn nhiều khiến đường huyết tăng.
Ngoài việc chọn lựa những loại trái cây phù hợp, mẹ bầu bị đái tháo đường thai kỳ cũng nên thay cơm trắng bằng các chất bột đường chuyển hóa chậm, có nhiều chất xơ như cơm gạo lức, gạo mầm, ngũ cốc, hạn chế ăn xôi nếp, các loại ngũ cốc đã tinh chế như bột năng, bột bắp,…
Bệnh tiểu đường thai kỳ có thể tự hết sau khi sinh con, tuy nhiên những phụ nữ mắc bệnh tiểu đường thai kỳ nếu không kiểm soát tốt đường huyết trong máu khi mang thai sẽ có nguy cơ cao bị mắc bệnh tiểu đường trong những lần mang thai tiếp theo. Trong một số trường hợp, mẹ bị đái tháo đường nhẹ trước khi mang thai nhưng không phát hiện ra, khiến bệnh có thể nặng hơn sau khi sinh và có thể mắc bệnh suốt đời.
Tiểu đường thai kỳ nên ăn hoa quả gì?
Cam quýt
Trái cây họ cam quýt rất dễ dàng để bổ sung vào bữa ăn. Khi có thắc mắc tiểu đường thai kỳ nên ăn hoa quả gì thì có thể nghĩ đến các loại hoa quả như trái cam, chanh, quýt,…
Ngoài ra, các loại hoa quả này rất giàu Vitamin C. Và vitamin C là chất chống oxy hóa giúp ngăn ngừa tổn thương tế bào. Nó cũng giúp cơ thể thai phụ hấp thụ chất sắt.
Các loại quả mọng
Những loại quả mọng, hay còn gọi là berries, có thể kể đến như: dâu tây, việt quất, quả mâm xôi,…rất giàu dinh dưỡng tốt và cần thiết cho mẹ bầu như:
- Cacbohydrate
- Vitamin C
- Chất xơ
- Folate
Carbohydrate cung cấp cho bạn nhiều năng lượng cần thiết và chúng dễ dàng đi qua nhau thai để nuôi dưỡng em bé. Ngoài ra, chất chống oxy sẽ giúp dọn dẹp nguồn “rác thải” sinh ra do rối loạn chuyển hóa chất đường, chất béo và chất đạm trong bệnh tiểu đường.
Trái táo
Một loại hoa quả phổ biến, dễ ăn và cực kỳ thân thiện với các bà bầu bị tiểu đường thai kỳ là trái táo. Táo có nhiều chất xơ và vitamin C. Ngoài ra, chúng còn chứa vitamin A, kali và pectin. Pectin là một loại tiền sinh học cung cấp vi khuẩn tốt trong đường ruột của thai phụ.
Trái bơ
Bơ có nhiều folate hơn các loại trái cây khác. Loại “siêu thực phẩm” này còn là nguồn tuyệt vời của vitamin C, B, K; chất xơ; choline; magiê và kali.
Ngoài ra, trái bơ cũng đáp ứng được hai tiêu chí của người bệnh tiểu đường thai kỳ khi chọn trái cây đó là chứa ít carbohydrat và đường; đồng thời giúp kiểm soát sự tăng vọt của đường huyết.
Với rất ít carbohydrat, thai phụ bị tiểu đường thai kỳ không cần phải lo lắng về việc quả bơ làm tăng lượng đường trong máu.
Kết hợp trái bơ với các loại thực phẩm khác có thể giúp làm giảm đỉnh đường huyết. Hàm lượng chất béo và chất xơ của quả bơ khiến nó mất nhiều thời gian để tiêu hóa và làm chậm sự hấp thu các carbohydrat khác trong quá trình.
Kali trong trái bơ cũng có thể giúp giảm chuột rút ở chân, một triệu chứng phổ biến khi mang thai.
Kiwi
Tiểu đường thai kỳ nên ăn hoa quả gì? Nếu mẹ bầu thích kiwi, hay chưa từng thử loại trái cây này thì đây là lúc!
Theo USDA, một quả kiwi ngon, mạnh có 215 mg kali (5% DV), 64 mg vitamin C (71% DV) và 2 g chất xơ (8% DV). Một quả kiwi cũng chỉ có khoảng 42 calo và 10 g carbohydrate, vì vậy đây là một bổ sung thông minh cho chế độ ăn uống thân thiện và lành mạnh với bệnh tiểu đường.
Đu đủ
Trái đu đủ chứa ít đường (8,3g trong một cốc đu đủ). Hơn thế nữa, loại quả này cũng giàu một loại enzym gọi là papain, giúp bảo vệ người bệnh tiểu đường khỏi tổn thương do gốc tự do gây nên.
Thành phần dinh dưỡng của đu đủ cũng tuyệt vời cho bà bầu: nhiều vitamin A, C, canxi, magiê, sắt, chất xơ,…Đu đủ cũng có chỉ số đường huyết thấp, điều này có nghĩa nó sẽ giải phóng đường tự nhiên một cách từ từ và không làm tăng hàm lượng đường huyết.
Những lưu ý cho thai phụ bị tiểu đường thai kỳ khi ăn trái cây
“Tiểu đường thai kỳ nên ăn hoa quả gì?” không chỉ nên là thắc mắc duy nhất mà chị em cần phải biết những thông tin cốt lõi hơn để nâng cao kiến thức và có thể tự lựa chọn các loại trái cây khác cho mình.
Chú ý cần biết
- Tuy chế độ ăn lúc này có thể bị hạn chế hơn bình thường nhưng không có nghĩa là chỉ ăn một loại trái cây nhất định. Mẹ bầu nên ăn đa dạng trái cây và các loại thực phẩm khác.
- Hạn chế ăn trái cây khô hay đóng hộp.
- Cơ thể của mỗi người khác nhau, và tình trạng tiểu đường cũng vậy. Do đó, hãy quan sát phản ứng của cơ thể và điều chỉnh phù hợp.
- Nên ăn trái cây cả quả, không ăn bằng cách ép nước.
- Chỉ nên ăn tối đa 3 lần trái cây mỗi ngày.
Tiểu đường thai kỳ nên ăn hoa quả khi nào?
Tốt nhất, thai phụ nên/phải ăn cách xa các bữa ăn chính ít nhất 2 tiếng. Việc tiêu thụ trái cây ngay sau bữa ăn có thể làm gia tăng lượng đường trong máu.
Thời gian lý tưởng để ăn trái cây là giữa buổi sáng, khoảng 11 giờ sáng hoặc vào buổi tối lúc 5 giờ chiều. Tuy nhiên, khung thời gian này chỉ là khuyến nghị, vì nó phụ thuộc vào lịch sinh hoạt của từng cá nhân.
Đừng lầm tưởng việc ăn hoa quả sẽ làm tệ đi tình trạng tiểu đường thai kỳ của mình vì chúng có chứa đường. Quan trọng là phải có chế độ ăn thích hợp về lượng và phù hợp với bản thân. Hãy tham vấn ý kiến của bác sĩ sản khoa hay dinh dưỡng để được tư vấn thêm nhé!
Xem thêm:
- Tiểu đường thai kỳ – Mẹ bầu cần “Hiểu rõ và Làm ngay!”
- Kinh nghiệm đi xét nghiệm tiểu đường thai kỳ, có cần nhịn ăn hay không?
- Chỉ số tiểu đường thai kỳ bao nhiêu là nguy hiểm cho mẹ và bé?
Vào ngay Fanpage của theAsianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!