Tiêu chảy nhiễm khuẩn là bệnh thường gặp ở trẻ sơ sinh, nếu không có biện pháp chăm sóc và điều trị thích hợp, về lâu dài có thể gây những ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của bé.
Nguyên nhân gây tiêu chảy nhiễm khuẩn ở trẻ sơ sinh
Tiêu chảy là hiện tượng trẻ đi ngoài phân lỏng từ 3 lần trở lên trong 1 ngày, thường do đường ruột bị nhiễm khuẩn. Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ là đối tượng dễ mắc nhất do hệ tiêu hóa trong những năm đầu còn non yếu. Nhiễm khuẩn đường tiêu hóa ở trẻ thường do các dạng vi khuẩn đại tràng, virus và ký sinh trùng gây ra. Các chủng virus và vi khuẩn phổ biến gây tiêu chảy ở trẻ là:
- Virus: Rotavirus, Calicivirus, Norwalk-Like Virus, Astro Virus, Enteric-Type Adenovirus.
- Vi khuẩn: Salmonella, Escherrichia Coli Shigella, Campylobacter Jejuni, Yersinia Enterocolitica, Clostridium Difficile, Vibrio Parahaemolyticus, Vibrio Cholerae 01.
- Ký sinh trùng: Cryptosporidium, Giardia Lamblia.
Bên cạnh đó còn 1 số nguyên nhân khác cũng có thể gây tiêu chảy ở trẻ như ngộ độc thực phẩm, bệnh ruột kích thích, dị ứng thực phẩm…
Tiêu chảy nhiễm khuẩn ở trẻ sơ sinh có nguy hiểm không?
Bệnh rất dễ gây ra tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ dưới 2 tuổi. Hệ tiêu hóa của trẻ sơ sinh rất non yêu, nếu không được chăm sóc tốt và chữa trị kịp thời sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả hấp thụ dưỡng chất từ thực phẩm của trẻ. Tiêu chảy nhiễm khuẩn cũng có thể gây nên tình trạng rối loạn trao đổi chất, thiếu hụt vitamin.
Khi bị tiêu chảy nhiễm khuẩn, đường ruột của bé yếu hơn, tăng nguy cơ mắc các bệnh về tiêu hóa và dạ dày. Điện giải của cơ thể bé cũng bị mất cân bằng nếu tình trạng kéo dài.
Mặc dù bệnh không nguy hiểm đến tính mạng nhưng lại ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe và sự phát triển thể chất của bé sau này.
Trẻ bị tiêu chảy nhiễm khuẩn có những triệu chứng gì?
Thời kỳ lây truyền kéo dài suốt giai đoạn nhiễm khuẩn, khoảng vài ngày đến vài tuần. Thời kỳ ủ bệnh thường từ 2 – 5 ngày hoặc kéo dài đến 10 ngày tùy thể trạng bé. Khi đường ruột bị nhiễm khuẩn, bé sẽ có các triệu chứng phổ biến sau:
- Trẻ quấy khóc, đau bụng dữ dội
- Buồn nôn hoặc nôn nhiều
- Có thể sốt hoặc không
- Trong phân có lẫn chất nhầy, bạch cầu, đi ngoài phân lỏng
- Trẻ biếng ăn, mệt mỏi li bì
Khi bệnh diễn biến nặng hơn, trẻ có thể bị sốt li bì hoặc quấy khóc, khóc không có nước mắt, người lờ đờ, tay chân lạnh; phân lỏng có chất nhầy và máu, nôn ói nhiều…
Cách xử lý khi trẻ bị tiêu chảy nhiễm khuẩn
Trẻ bị tiêu chảy nhiễm khuẩn ở mức độ nhẹ có thể được chăm sóc tại nhà, bệnh thường hết sau 2 – 3 ngày. Khi phát hiện bé bị tiêu chảy, đầu tiên ba mẹ có thể điều trị bằng cách thay đổi chế độ dinh dưỡng cho bé:
- Cho trẻ uống nước thường xuyên, trẻ còn bú mẹ nên tăng bữa bú và thời gian bú hoặc vắt ra bình cho trẻ
- Những trẻ hơn 6 tháng tuổi, mẹ có thể cho trẻ ăn các loại trái cây chứa nhiều kali như chuối, cam…
- Nếu trẻ đang ăn dặm, mẹ có thể cho trẻ ăn đồ ăn mềm, dễ tiêu hóa và giàu dinh dưỡng như cháo, súp, sữa, nước hoa quả, ăn làm nhiều bữa trong ngày
- Bù nước cho bé bằng nước hoa quả, sữa và oresol với liều lượng phù hợp độ tuổi của bé
Ba mẹ cũng cần đảm bảo vệ sinh sạch sẽ hậu môn cho bé để tránh nhiễm trùng, rửa tay bằng xà phòng diệt khuẩn sau khi đi vệ sinh và trước khi cho bé ăn để đảm bảo an toàn. Trong trường hợp bé bị tiêu chảy từ 5 ngày trở lên không có dấu hiệu thuyên giảm hoặc các triệu chứng tiêu chảy trở nên nặng hơn thì hãy lập tức đưa bé đến cơ sở y tế gần nhà để theo dõi và điều trị. Lưu ý bố mẹ tuyệt đối không tự ý mua kháng sinh điều trị cho trẻ và chỉ nên sử dụng khi có tư vấn và chỉ định của bác sĩ.
Phòng bệnh đường ruột cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ
Trẻ sơ sinh là đối tượng rất dễ bị ảnh hưởng bởi các yếu tố bên ngoài. Để phòng tránh bệnh đường ruột ở trẻ, cha mẹ phải lưu ý những điều sau:
- Vệ sinh cơ thể, đồ chơi và đồ dùng của bé sạch sẽ, tránh để bé tiếp xúc với mầm bệnh
- Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm khi chế biến đồ ăn cho trẻ, thực hiện ăn chín uống sôi, hạn chế đồ ăn sống, uống sữa chưa tiệt trùng…
- Vệ sinh khu vực nấu bếp sạch sẽ, thường xuyên khử trùng, phân biệt đồ dùng chế biến đồ ăn sống và chín
- Bảo quản thực phẩm đúng cách, không sử dụng đồ ăn đã để trong môi trường bên ngoài quá lâu
- Không để trẻ tiếp xúc với vật nuôi bị ốm hay nhiễm bệnh
- Sử dụng nguồn nước sạch
- Tạo thói quen thường xuyên rửa tay với xà phòng và nước sạch sau khi cho bé đi vệ sinh, trước khi chuẩn bị thức ăn và trước khi cho bé ăn.
Tạm kết
Tiêu chảy nhiễm khuẩn ở trẻ sơ sinh là một triệu chứng khá phổ biến mà hầu như bé nào cũng có thể gặp phải. Hy vọng bài viết trên đây có thể giúp ích cho các bạn khi chăm sóc và bảo vệ sức khỏe của bé. Khi thấy trẻ có dấu hiệu bất thường, hãy đưa trẻ đến cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị đúng cách.
Xem thêm:
Vào ngay Fanpage của theAsianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!