Nên cho trẻ ăn dặm khi nào? Thời điểm nào là hợp lý nhất để bắt đầu một giai đoạn ăn theo cách hoàn toàn mới mẻ với trẻ? Theo khuyến cáo của viện Dinh dưỡng Quốc gia, sau 6 tháng tuổi là thời gian tốt nhất cho trẻ bắt đầu ăn dặm. Tuy nhiên thời điểm chính xác để bắt đầu tập cho bé còn phụ thuộc vào nhu cầu mang tính cá nhân của mỗi em bé. Ba mẹ có thể xem xét dựa trên các hướng dẫn sau.
Nên cho trẻ ăn dặm khi nào và vì sao mẹ không nên cho bé ăn trước 17 tuần (4 tháng) tuổi?
Một số ba mẹ lo lắng trẻ chậm tăng cân, sợ con mình kém phát triển hơn trẻ cùng trang lứa mà vội vàng cho bé ăn dặm từ rất sớm. Nhưng các chuyên gia nhi khoa khuyên rằng, dù thế nào thì ba mẹ cũng không nên bắt đầu tập cho bé ăn dặm trước thời điểm 4 tháng tuổi (17 tuần). Đó là vì các lý do gây hại đến sức khỏe của trẻ như sau:
- Bé bú mẹ hoặc sữa công thức ít đi, gây ra sự thiếu hụt về dinh dưỡng đối với trẻ.
- Khả năng phối hợp giữa nhai, nuốt của trẻ chưa đủ phát triển để hệ tiêu hóa làm việc hiệu quả khi trẻ ăn.
- Ở độ tuổi này trẻ thường chưa hào hứng với các hương vị cũng như kết cấu thức ăn khác nhau
- Hệ tiêu hóa của bé chưa sẵn sàng để hấp thụ thức ăn đặc, việc ăn dặm do đó có thể làm gia tăng nguy cơ dị ứng đối với trẻ.
- Có bằng chứng cho thấy trẻ được ăn thực phẩm giàu năng lượng quá sớm có thể em bé của bạn bị béo phì.
Những bất lợi khi bắt đầu cho bé ăn dặm muộn hơn 6 tháng tuổi
Khi nào nên cho trẻ ăn dặm? Mặc dù lời khuyên về thời điểm bắt đầu cho trẻ ăn dặm không giống nhau ở một số quốc gia. Có những nơi bác sĩ khuyên là 5 tháng (chẳng hạn như Nhật Bản) nhưng như ở Việt Nam hoặc nhiều nước châu Âu đều khuyên ba mẹ nên cho bé tập ăn dặm ở tháng thứ 6 nhưng không nên muộn hơn 6 tháng tuổi bởi các lý do sau:
- Nhu cầu dinh dưỡng của bé tăng lên. Lúc này dinh dưỡng từ sữa không còn cung cấp đủ cho bé.
- Bé cần một khoảng thời gian nhất định để làm quen với thức ăn dặm trước khi cơ thể trẻ chính thức có nhu cầu.
- Trì hoãn thời gian bé làm quen với thức ăn dặm có thể khiến trẻ cảm thấy khó khăn hơn trong việc nếm món ăn mới và hương vị mới sau này.
- Trẻ ăn dặm muộn thường có xu hướng kén đồ ăn hơn, do đó chế độ dinh dưỡng của trẻ cũng ít đa dạng hơn.
- Các bé ăn dặm muộn thường khó thích nghi với đồ ăn của gia đình hơn cho đến khi trẻ tròn 1 tuổi.
Bác sĩ Gillian Harris, chuyên gia tư vấn tâm lý lâm sàng nhi khoa tại Bệnh viện Nhi đồng, Birmingham giải thích:
“Tôi tin rằng việc giới thiệu thức ăn dặm cho trẻ trong khoảng từ sau 4 tháng đến 6 tháng tuổi là rất quan trọng. Chưa có bằng chứng cho thấy bắt đầu ăn dặm ở những tháng này sẽ làm tăng nguy cơ dị ứng. Ngoài ra, trẻ chưa cảm thấy sợ thức ăn ở độ tuổi này. Rất nhiều bằng chứng cho thấy trẻ được khám phá nhiều hương vị mới thì sau này trẻ sẽ dễ dàng chấp nhận thử nghiệm các loại đồ ăn hơn”.
Bà cũng đưa ra ý kiến rằng, thời gian điểm tốt nhất cho bé ăn dặm là từ 5-5,5 tháng tuổi. Không cần quá vội vàng, từ từ từng chút một. Hãy cho bé nếm thử các loại rau, củ quả và ngũ cốc trước. Như vậy sau này các bé sẽ không trở thành người quá kén chọn khi ăn uống.
Những dấu hiệu cho thấy con đã sẵn sàng để tập ăn dặm
Lời khuyên chung cho câu hỏi khi nào nên cho trẻ ăn dặm? Là con có thể tập ăn dặm từ 5 tháng – 5 tháng rưỡi tuổi nhưng ba mẹ nên kết hợp với các dấu hiệu khác để chắc chắn rằng con đã thực sự sẵn sàng hứng thú với ăn dặm, chẳng hạn như:
- Bé có thể tự ngồi vững mà không cần hỗ trợ
- Con đã cầm nắm được tốt
- Bé tỏ vẻ muốn ăn nhiều hơn và thường xuyên hơn
- Trẻ có phản xạ nhai, nuốt
- Bé chăm chú dõi theo mọi người trong bữa ăn
- Trẻ thức dậy vào ban đêm nhiều hơn là ngủ xuyên đêm
Cách chế biến món ăn dặm đầu tiên cho bé
Các thực phẩm đầu tiên với bé mới tập ăn dặm phải thật dễ tiêu hóa. Món ăn cần có kết cấu dạng lỏng và mịn, không vón cục. Mẹo là ba mẹ chỉ cần nấu hoa quả hoặc rau củ lâu hơn so với đồ ăn của gia đình, thêm một chút nước dùng hoặc sữa để món ăn được mềm, mịn.
Thực phẩm nào phù hợp để bắt đầu cho bé ăn dặm
Các loại rau củ quả như táo, lê, cà rốt, khoai lang, khoai tây hoặc bí ngô, … và các loại rau củ khác là nguồn thực phẩm vô cùng phù hợp với một em bé bắt đầu tập ăn dặm bởi chúng dễ chế biến, hương vị ngọt, dễ ăn và ít gây dị ứng. Ba mẹ có thể chế biến với lượng nhiều rồi chia thành các khay nhỏ để trữ đông, thuận tiện cho việc chuẩn bị đồ ăn cho bé hơn.
Thức ăn dạng bốc tay thì sao?
Thực ăn bốc tay (finger food) chỉ nên giới thiệu sớm nhất là khi bé được sáu tháng để bé quen với việc tự ăn. Ban đầu bé sẽ rất lúng túng, làm rơi thức ăn và chỉ bắt đầu thành thạo khi bé đã được 7 tháng tuổi. Lúc này trẻ sẽ bắt đầu nhặt đồ bằng kĩ năng bốc qua việc sử dụng ngón cái và trỏ.
Ba mẹ không cần lo lắng về chuyện con ăn uống bừa bãi, rơi vãi nhiều hơn là vào miệng bé. Giai đoạn này bé vẫn song hành vừa ăn sữa vừa ăn dặm. Trẻ chủ yếu rèn luyện kĩ năng nhai nuốt nên chưa ăn được nhiều. Các loại rau củ dễ thái miếng dài như khoai lang, khoai tây, … là các món bốc tay hoàn hảo cho bé 6 tháng tuổi.
Nên cho trẻ ăn dặm khi nào và thời gian thích hợp nhất trong ngày để bắt đầu tập ăn dặm
Thời gian tốt nhất để bắt đầu thường là giờ ăn trưa vì trẻ ít quấy khóc hơn. Hơn nữa, cho bé ăn vào bữa này sẽ giúp ba mẹ theo dõi các phản ứng với thức ăn của trẻ. Phần lớn các chuyên gia đều khuyên rằng nên cho trẻ tập ăn riêng rẽ từng loại trước và ăn trong khoảng 3 ngày rồi mới giới thiệu sang món mới.
Một vài mẹo để tạo hứng thú khi bé tập ăn dặm
Ba mẹ nên khuyến khích bé tự xúc ăn hoặc cho bàn tay bé được cảm nhận thức ăn bằng cách đặt một bát thức ăn nhỏ cùng thìa trước mặt con để bé cảm thấy mình có quyền kiểm soát và tận hưởng trải nghiệm nhiều hơn với món ăn.
Quan trọng nhất là ba mẹ không nên cố ép bé ăn cho bằng được. Một số trẻ có thể mất tới hàng chục lần thử với một món ăn mới hoặc hương vị mới trước khi con chấp nhận nó.
Cuối cùng, các chuyên gia dinh dưỡng khuyến khích ba mẹ xây dựng cho trẻ một chế độ ăn đa dạng với các loại gia vị, thảo mộc, rau củ quả và ngũ cốc trong năm đầu đời của con.
Theo mummycooks.com
Xem thêm:
Vào ngay Fanpage của the Asianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!