Khi mang thai, cùng với chế độ dinh dưỡng, vận động và nghỉ ngơi hợp lý thì tiêm phòng cũng là điều vô cùng quan trọng. Mang thai lần 2, các mẹ đã ít nhiều có chút kinh nghiệm do tìm hiểu và đúc kết lại từ lần mang thai trước. Tuy nhiên, các mẹ bầu vẫn cần lưu ý trước khi mang thai lần 2 cần tiêm phòng gì để cho bé yêu sự chuẩn bị tối ưu nhất trước khi chào đời.
Tại sao mang bầu lần 2 vẫn phải tiêm phòng?
Tiêm phòng trước khi mang thai rất quan trọng đối với sức khỏe của cả mẹ và bé. Bởi mẹ bầu và bé nằm trong nhóm có nguy cơ cao mắc các bệnh truyền nhiễm.
Lịch tiêm phòng của lần mang thai thứ 2 phụ thuộc rất nhiều vào thời gian hiệu lực của vắc xin những lần mẹ bầu đã tiêm trước đó và những loại vắc xin mà mẹ bầu đã tiêm. Việc xem xét này nhằm đảm bảo mẹ bầu đã tiêm đủ loại vắc xin phòng bệnh hay chưa và nồng độ vắc xin bạn đã tiêm có còn hiệu lực phòng bệnh nữa hay không.
Trước khi mang thai lần 2 cần tiêm phòng gì để bé yêu phát triển khỏe mạnh?
Sự khác nhau giữa tiêm phòng lần mang thai đầu và lần 2
Trong lần mang thai đầu tiên, các bà bầu cần phải tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin phòng các bệnh có thể ảnh hưởng đến trẻ trong quá trình mang thai như cúm, thủy đậu, viêm gan B, sởi – quai bị – rubella, uốn ván,… Các mũi tiêm này nên tiêm trước khi có thai tối thiểu 1 tháng và an toàn nhất là nên cách thời điểm trước khi có thai 3 tháng.
Tuy nhiên, khi mang thai lần 2 thì chưa chắc mẹ bầu đã phải tiêm lại đầy đủ các mũi tiêm này bởi một số vắc xin có thời gian hiệu lực kéo dài như sởi – quai bị – rubella, thủy đậu… Để cho chắc chắn nhất, các mẹ nên kiểm tra lại nồng độ vắc xin trong cơ thể bằng xét nghiệm kiểm tra kháng thể.
Trước khi mang thai lần 2 cần tiêm phòng gì
Uốn ván
Uốn ván là một dạng nhiễm trùng nghiêm trọng có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí tử vong cho trẻ sơ sinh.
Đối với vắc xin phòng uốn ván, lịch tiêm phòng cho bà bầu mang thai lần 2 khác với lần đầu. Số mũi tiêm phụ thuộc vào mũi tiêm cuối cùng cách đó bao lâu. Cụ thể:
- Nếu lần mang thai thứ 2 cách lần mang thai thứ nhất nhiều hơn 5 năm thì thai phụ cần tiêm một mũi vào 3 tháng giữa thai kỳ.
- Nếu thai phụ đã được tiêm chủng mở rộng 3 mũi bạch hầu, ho gà, uốn ván từ nhỏ thì chỉ cần tiêm thêm 1 mũi vào tháng thứ 4 hoặc thứ 5 của thai kỳ.
- Trường hợp thai phụ đã được tiêm phòng 3 – 4 mũi uốn ván từ trước, lần tiêm cuối cùng đã trên 1 năm thì tiêm thêm 1 mũi nhắc lại.
- Nếu thai phụ đã tiêm đầy đủ 5 mũi uốn ván thì không cần phải tiêm bổ sung khi mang thai lần sau. Vì sau 5 mũi thì khả năng bảo vệ là trên 95%. Trừ trường hợp mũi tiêm thứ 5 cách thời điểm hiện tại trên 10 năm thì các mẹ nên tiêm nhắc lại 1 mũi.
Lưu ý: Nếu mẹ bầu chưa từng tiêm bất kỳ một mũi uốn ván nào trước đây, kể cả lần mang thai đầu thì trong lần mang thai thứ 2 cần tiêm đủ 2 mũi. Mũi đầu tiên là vào khoảng tháng 4 – 5, mũi thứ 2 sau mũi đầu 1 tháng và phải trước ngày dự sinh tối thiểu 1 tháng.
Cúm
Cúm đối với người bình thường không gây nhiều nguy hiểm nhưng đối với mẹ bầu thì lại khác. Tuy nhiên nó có khả năng dẫn đến nhiều biến chứng khác nhau, ví dụ như viêm phổi. Một số biến chứng của cúm có thể đe dọa đến tính mạng, ảnh hưởng sức khỏe của mẹ và bé trong thời kỳ mang thai.
Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh CDC khuyến khích tất cả mọi người từ 6 tháng tuổi trở lên, bao gồm cả phụ nữ có thai và phụ nữ đang cho con bú, nên tiêm phòng vắc-xin cúm hàng năm. Việc tiêm vắc xin cúm khi mang thai tốt nhất nên được thực hiện sớm trước khi vào mùa cúm (từ tháng 10 đến tháng 5 năm sau) và ngay khi nguồn vắc xin đã có sẵn. Tuy nhiên, các mẹ hoàn toàn có thể tiêm ngừa cúm bất cứ lúc nào trong thai kỳ.
Viêm gan B
Viêm gan B (viêm gan siêu vi B) là căn bệnh nguy hiểm. Virut này có thể lây qua máu, dịch cơ thể do đó rất có khả năng lây truyền từ mẹ sang con. Vì thế, tiêm phòng viêm gan B là việc mà các mẹ phải làm khi mang thai.
Thời điểm tiêm phòng văc xin viêm gan B là trước hoặc trong thai kỳ. Vắc xin này gốm 3 mũi, tiêm trong vòng 4 tháng. Nếu không hoàn thành 3 mũi viêm gan siêu vi B trước mang thai, mẹ bầu có thể tiêm phòng khi mang thai.
Sởi-Quai bị-Rubella
Sởi: Nếu bà mẹ mắc bệnh sởi khi mang thai, nguy cơ dị dạng thai nhi rất cao. Ngoài ra, phụ nữ bị sởi khi mang thai có thể gây sẩy thai, sinh non hoặc thai chết lưu.
Quai bị: Virus quai bị có thể làm viêm nhiễm buồng trứng, đồng thời phá hủy tế bào trứng, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe sinh sản của phụ nữ. Ngoài ra, quai bị có thể gây dị tật bẩm sinh, sinh non và thai chết lưu. Đặc biệt, nguy cơ càng cao hơn nếu mẹ bầu bị nhiễm quai bị trong tam cá nguyệt thứ nhất và thứ ba của thai kỳ.
Rubella: 90% trường hợp người mẹ nhiễm rubella trong 3 tháng đầu thai kỳ có thể gây dị tật thai nhi hoặc sẩy thai. Virus này ảnh hưởng đến não, tim, tai và mắt của em bé trong bụng, thậm chí có thể để lại di chứng khi trẻ chào đời.
Nếu mẹ bầu đã tiêm vắc xin phòng sởi, quai bị, rubella ở lần mang thai trước rồi thì với lần mang thai thứ 2, mẹ bầu không cần tiêm lại nữa.
Bà bầu nào cũng muốn mình có một thai kỳ khỏe mạnh để tạo tiền đề sức khỏe tốt nhất cho thai nhi. Mỗi loại vắc xin đều giữ vai trò như một lá chắn bảo vệ bà mẹ mang thai và thai nhi trước các bệnh nguy hiểm. Cùng với chế độ dinh dưỡng, nghỉ ngơi hợp lý, các mẹ hãy ghi nhớ lịch tiêm phòng để không bỏ lỡ mũi vắc xin nào nhé!
Xem thêm:
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!