Tiêm phòng cúm trước khi mang thai là hết sức cần thiết vì nó có thể giúp giảm các biến chứng nguy hiểm cho thai nhi, đặc biệt là đối với Covid-19. Hãy đọc bài viết này của theAsianparent Việt Nam để biết:
- Vì sao chị em nên tiêm phòng cúm trước khi mang thai?
- Tiêm phòng cúm trước khi mang thai nên thực hiện vào thời điểm nào là tốt nhất?
- Nên tiêm vắc-xin cúmở đâu và chi phí thông thường là bao nhiêu?
- Những lưu ý dành cho chị em sắp mang thai về việc tiêm phòng
Vì sao chị em nên tiêm phòng cúm trước khi mang thai?
Không như người bình thường, phụ nữ mang thai thường có sức đề kháng yếu do hệ thống miễn dịch của cơ thể hoạt động kém hơn. Chính vì vậy nguy cơ nhiễm bệnh của người mẹ cũng theo đó mà tăng lên.
Việc tiêm vắc xin phòng chống cúm không những giúp bảo vệ sức khỏe người mẹ mà còn có 2 tác dụng quan trọng đối với thai nhi như sau:
- Giúp em bé phòng ngừa được các dị tật, đặc biệt là trong 3 tháng đầu của thai kỳ
- Tiêm phòng vắc xin cúm cho người mẹ cũng giúp trẻ sau khi chào đời có được miễn dịch thụ động từ mẹ. Bé không những sẽ được bảo vệ ngay từ khi nằm trong bụng mẹ mà thậm chí ngay sau khi chào đời, vắc xin này vẫn còn tác dụng bảo vệ trẻ
Trong tình hình dịch bệnh do vi rút Covid-19 đang ngày càng bùng phát và trở thành mối nguy cơ đe dọa với sức khỏe con người nói chung và phụ nữ mang thai nói riêng, tiêm phòng cúm được xem là vô cùng cần thiết.
Mặc dù vi rút gây bệnh cúm và bệnh Covid-19 là hai loại hoàn toàn khác nhau. Tuy nhiên, một nghiên cứu mới đây của Đại học Florida (Mỹ) đã chỉ ra rằng, tiêm phòng cúm không chỉ giúp giảm nguy cơ nhập viện do Covid-19 mà còn hạn chế khả năng phải vào phòng chăm sóc đặc biệt (ICU) khi mắc bệnh.
Lời khuyên hữu ích từ các chuyên gia y tế là nếu bạn đang có kế hoạch mang thai, hãy tư vấn với bác sĩ về các mũi tiêm cần thiết, đặc biệt là tiêm phòng cúm.
Mẹ đã biết chưa?
Bệnh cảm cúm ở phụ nữ mang thai thường tương đối lành tính nhưng có một số chủng virus cúm có khả năng khiến thai nhi bị dị tật bẩm sinh như sứt môi, sinh non hoặc thai lưu. Đặc biệt bà bầu bị cảm cúm trong những tuần đầu thai kỳ nên đến cơ sở y tế để kiểm tra nhằm xác định tác nhân gây cảm cúm, đặc biệt là Rubella, vì khi đó nguy cơ thai nhi nhiễm Rubella bẩm sinh lên đến 90%.
Để tránh bị cúm khi mang thai, mẹ bầu cần hạn chế đến nơi đông người, tăng cường rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng và nước ấm, khi cơ thể không khỏe, mẹ không nên tự tiện sử dụng thuốc mà nên đến cơ sở y tế để được bác sĩ kiểm tra và tư vấn phù hợp.
Tiêm phòng cúm trước khi mang thai nên thực hiện vào thời điểm nào là tốt nhất?
Cần khoảng hai tuần sau khi tiêm vắc xin để kháng thể phát triển trong cơ thể và cung cấp tác dụng bảo vệ khỏi vi rút cúm. Trong thời gian đó, chị em vẫn có nguy cơ bị cúm.
Vì lý do nói trên mà các chuyên gia khuyến cáo phụ nữ chuẩn bị mang thai nên tiêm trước thời điểm thụ thai tốt nhất là 3 tháng, tối thiểu là 1 tháng.
Với các trường hợp bạn đã có thai nhưng chưa kịp tiêm phòng, các mẹ bầu có thể tiêm bổ sung một số loại vắc xin như ngừa cúm dạng bất hoạt.
Ngoài ra, chị em cũng nên lưu ý về việc cần tiến hành tiêm vắc xin cúm sớm trước khi vào mùa cúm (từ tháng 10 đến tháng 5 năm sau).
Tuy nhiên, tiêm ngừa cúm cũng có thể được tiến hành bất cứ lúc nào trong thai kỳ. Nếu bạn chưa kịp chuẩn bị để tiêm phòng sớm trước mùa cúm, thì vẫn có thể tiêm ngừa trong và sau mùa dịch.
Nên tiêm ở đâu và chi phí thông thường là bao nhiêu?
Hiện nay việc tiêm phòng trước khi mang thai đều rất phổ biến đối với các chị em phụ nữ và cũng có nhiều cơ sở y tế có thể thực hiện việc tiêm phòng.
Tiêm phòng cúm trước khi mang thai bao nhiêu tiền? Chị em có thể tham khảo tại các bệnh viện lớn, các trung tâm tiêm chủng có uy tín chất lượng để được tư vấn về chi phí và dịch vụ của mũi tiêm. Về mức giá, tùy thuộc vào nơi tiêm chủng mà chi phí cho một mũi tiêm phòng cúm có thể dao động trong khoảng 290.000 – 360.000 đồng.
Mẹ đã biết chưa?
Những lưu ý dành cho chị em sắp mang thai về việc tiêm phòng
Hầu hết các tác dụng phụ của vắc xin cúm là rất nhẹ, chẳng hạn như đau cánh tay hoặc sốt nhẹ, và thường biến mất chỉ trong một hoặc hai ngày. Tác dụng phụ và phản ứng nghiêm trọng là rất hiếm gặp.
Tuy nhiên để phòng tránh các biến chứng có thể xảy ra, chị em nên thực hiện khám sàng lọc hoặc tư vấn với bác sĩ về tình trạng của bản thân trước khi tiêm.
Các bước khám sàng lọc trước khi tiêm thường bao gồm:
- Bác sĩ, chuyên viên y tế hỏi tiền sử và các thông tin có liên quan.
- Tiến hành đánh giá nhanh tình trạng sức khỏe hiện tại: kiểm tra tim phổi, đo thân nhiệt…
- Đề xuất thực hiện các xét nghiệm bổ sung, chuyên sâu (nếu cần).
- Kết luận tình trạng sức khỏe và đưa ra chỉ định tiêm chủng phù hợp.
Với những thông tin khoa học và hữu ích trên, hi vọng bạn đã hiểu rõ thêm về các bước cũng như chi phí cần thiết để chuẩn bị tốt nhất cho một mũi tiêm phòng cúm trước khi mang thai.
Xem thêm:
Vào ngay Fanpage của the Asianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!