Thuốc trị nấm miệng cho trẻ sơ sinh phổ biến là miconazole và nystatin. Tuy có thể dễ dàng mua nhưng lúc nào mẹ cũng nên đưa trẻ đi khám và được bác sĩ chỉ định và hướng dẫn sử dụng thuốc.
Sơ lược về nấm miệng ở trẻ sơ sinh
Nấm miệng hay còn gọi là tưa miệng khá phổ biến ở trẻ sơ sinh. Bệnh do loại nấm Candida albicans gây ra.
Candida là một sinh vật thường xuất hiện trong miệng hoặc âm đạo và thường bị các vi sinh vật khác khống chế. Nhưng nếu bị ốm, bắt đầu sử dụng thuốc kháng sinh hoặc trải qua những thay đổi về nội tiết tố (như khi mang thai), sự cân bằng có thể bị xáo trộn, tạo điều kiện cho nấm Candida phát triển và gây nhiễm trùng.
Nấm miệng là bệnh này phổ biến nhất ở trẻ sơ sinh và trẻ sơ sinh dưới 2 tháng. Nguyên nhân trẻ bị tưa lưỡi
- Hệ thống miễn dịch của bé yếu bẩm sinh hoặc do bị bệnh ung thư hay HIV,…
- Bé có đang sử dụng kháng sinh hay corticoid để điều trị bệnh
- Mẹ bị nhiễm nấm âm đạo trong quá trình mang thai và truyền cho con trong quá trình sinh nở.
- Trong quá trình nuôi con bằng sữa mẹ thì người mẹ bị nhiễm trùng nấm men vùng vú hoặc núm vú, và những loại nấm này truyền qua con khi bé bú.
- Hội chứng Raynaud hay bệnh chàm cũng có thể là nguy cơ cao khiến trẻ bị tưa lưỡi.
Triệu chứng bệnh nấm miệng
Mảng bám bên trong miệng trẻ
Xuất hiện những mảng trắng hình tròn, nhỏ giống như nổi cục bên trong lưỡi, vòm họng, má hoặc môi. Đôi khi những mảng bám này có thể khiến mẹ dễ nhầm lẫn với cặn sữa – thường đọng lại trên lưỡi trẻ sau khi bú nhưng thường tan trong một giờ. Để phân biệt thì mẹ chỉ cần dùng miếng gạc thử lau nhẹ nhàng.
Nếu những mảng bám này dễ lau, và thấy lưỡi con màu hồng và trông khỏe mạnh thì không có vấn đề gì. Trong trường hợp những đốm trắng này rất khó làm sạch. Sau khi cạo bỏ được những đốm này sẽ thấy bên trong miệng xuất hiện nhiều nốt đỏ thì bé có khả năng bị nấm miệng.
Trẻ khó chịu
Cáu kỉnh trong khi bú hoặc khi trẻ đang ngậm núm vú giả (trẻ bắt đầu bú, sau đó quay đi vì đau) là một dấu hiệu khác cho thấy trẻ có thể bị nấm miệng.
Khi bị nấm miệng thì thường sẽ không gây ra đau đớn cho trẻ. Tuy nhiên trong một số trường hợp, những đốm này có thể làm trẻ rất khó chịu, biếng ăn, quấy khóc khi bú sữa vì bị đau. Khi không điều trị sớm, nấm mọc dày và có thể lây lan rất nhanh xuống cổ họng, thực quản, khí quản gây viêm phổi hoặc tiêu chảy ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe của trẻ.
Hai loại thuốc trị nấm miệng cho trẻ sơ sinh
Khi phát hiện con có khả năng hay biết chắc chắn bé bị nấm miệng. Điều đầu tiên mẹ nên làm là đưa bé đi bác sĩ để được thăm khám và đưa ra phương án điều trị thích hợp. Thông thường, có hai loại thuốc trị nấm miệng cho trẻ sơ sinh phổ biến bác sĩ.
Nystatin
Đây là thuốc kháng nấm thông dụng, được sử dụng điều trị nhiễm trùng nấm miệng, hoạt động bằng cách ngăn chặn sự phát triển của nấm. Thuốc có dạng viên uống được nghiền nát hoặc dạng bột hòa tan trong nước để rơ miệng cho trẻ nếu trẻ không thích hợp dùng Miconazole.
Thường bác sĩ sẽ hướng dẫn dùng thuốc này bằng cách bôi ở miệng cho trẻ 100.000 đơn vị/lần, 4 lần một ngày, thường điều trị trong 7 ngày. Thuốc ít hấp thu qua niêm mạc và hầu như không hấp thu qua đường tiêu hoá nên nhìn chung không gây tác dụng phụ.
Miconazole
Với thành phần chính của thuốc là miconazole nitrate, thuốc trị nấm miệng cho trẻ sơ sinh được bào chế dưới dạng gel dùng cho họng, dạng kem bôi ngoài da rất dễ sử dụng. Không nên dùng thuốc này nếu bé bị dị ứng với miconazole hoặc có bệnh về gan.
Ngoài điều trị thuốc, mẹ có thể áp dụng các mẹo trị nấm miệng cho trẻ sơ sinh như dùng rau ngót, lá hẹ, nước muối sinh lý, lá trà xanh,…
Phòng bệnh nấm miệng cho trẻ sơ sinh như thế nào?
Theo TS.BS Lê Minh Trác –Giám đốc Trung tâm chăm sóc và điều trị sơ sinh, BV Phụ sản TW thì tỉ lệ nấm miệng tái phát có thể lên tới 60%. Do đó, để phòng bệnh, bác sĩ khuyên mẹ nên áp dụng một số biện pháp sau:
- Làm sạch và khử trùng bình sữa, núm vú và dụng cụ cho ăn, và các đồ chơi khác mà bé có thể cho vào miệng.
- Vệ sinh núm vú của mẹ trước khi cho con bú.
- Sau khi con bú thì dùng gạc rơ lại miệng cho bé như 1 cách vệ sinh răng miệng.
Nấm miệng rất dễ tái nhiễm, do đó khi thấy bé có các dấu hiệu trên trong khoang miệng thì mẹ cần đưa trẻ đi bác sĩ ngay để điều trị dứt điểm. Và trong quá trình điều trị, hãy quan sát và tạo điều kiện tốt nhất để bé thoải mái nhé.
Xem thêm:
Vào ngay Fanpage của theAsianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!