Thai nhi 25 tuần tuổi đạp như thế nào là bình thường và lúc nào là báo động nguy hiểm? Bước vào giai đoạn phát triển quan trọng của bé sẽ khiến mẹ có vô vàn lo lắng.
- Thai nhi 25 tuần tuổi phát triển như thế nào trong bụng mẹ?
- Thai 25 tuần tuổi đạp như thế nào?
- Những điều mẹ cần lưu ý ở tuần 25 của thai kỳ
Cùng tìm hiểu để lo mà liệu và an tâm, chứ không phải lo mà sợ các mẹ nhé.
Thai nhi 25 tuần tuổi đã phát triển như thế nào trong bụng mẹ?
Thời điểm 25 tuần, tức tháng thứ 6 của thai kỳ, là giai đoạn có nhiều sự thay đổi ở bé và mẹ. Lúc này, kích cỡ của bé trong bụng mẹ bự khoảng một củ cải hay trái bắp ngô. Trọng lượng trung bình của thai nhi 25 tuần tuổi dao động khoảng 680-785 gram. Chiều dài cơ thể từ đầu đến gót chân trung bình khoảng 33,6-37,6cm.
Cơ thể bé sẽ bắt đầu tích tụ mỡ khiến các vết nhăn trên da mờ đi và trông bé sẽ tròn trịa hơn khi siêu âm. Màu và chất tóc của bé cũng sẽ dần xuất hiện nếu con có xu hướng phát triển tóc sớm.
Vỏ não đang hình thành các lớp. Hầu hết các hành động vẫn được kiểm soát bởi các khu vực não khác đã phát triển sớm hơn. Ngoài não, các bộ phận khác của hệ thần kinh vẫn đang tiếp tục phát triển. Hệ thống quan trọng này sẽ giúp bé học cách tiếp nhận thông tin từ thế giới bên ngoài, xử lý và phản ứng.
Mặc dù các mí mắt vẫn đóng kín, những tế bào thụ cảm thị giác – tế bào nón và tế bào que đã hình thành và cảm nhận được sáng hay tối. Thính giác của thai nhi 25 tuần tuổi đang phát triển nhanh chóng và bé có thể nghe được các tiếng động quen thuộc như giọng nói của mẹ. Vận động nhiều hơn nên bé cũng rất thích “nhảy múa” trong bụng mẹ. Đây là thời khắc mẹ cảm nhận rõ nhất.
Thai nhi 25 tuần tuổi đạp như thế nào?
Từ tuần thứ 25, có thể bạn sẽ được cảm nhận những “cú đạp” đầu tiên của con. Nhưng cũng có thể đã trải nghiệm những chuyển động của con từ những tuần 16 của thai kỳ. Nhưng ở thời điểm này, thai nhi 25 tuần tuổi đạp trung bình khoảng 3-5 lần/giờ, 12 giờ tầm 30-40 lần.
Thực tế, việc quan sát bé chuyển động cho mẹ thấy sức khoẻ của con. Vì đây là một trong những cách con giao tiếp với mẹ và phản ứng với thế giới bên ngoài. Đây là thời điểm bé khá “hiếu động” nên việc thai máy nhiều là việc bình thường.
Tuy nhiên, nếu mẹ nhận thấy những biểu hiện sau thì hãy lập tức đến thăm khám với bác sĩ:
- Nhận thấy thai máy ít hơn 10 lần/ 2 tiếng
- Bé không phản ứng ngay cả khi mẹ tạo tiếng ồn, xoa bụng để kích thích
- Các chuyển động thai nhi có xu hướng giảm dần hơn 2 ngày liên tiếp
Những điều mẹ bầu cần lưu ý ở tuần 25 thai kỳ
- Thăm khám thai theo đúng lịch hẹn của bác sĩ sản khoa để kiểm tra sức khoẻ thai nhi;
- Đau thần kinh toạ do tử cung phát triển gây áp lực lên dây thần kinh tọa, gây đau hông và thắt lưng. Để giảm đau, bạn có thể chườm đá hoặc túi lạnh vào khu vực đau; hoặc thực hiện các bài tập căng cơ an toàn cho bà bầu;
- Tử cung phát triển cũng tạo áp lực lên trực tràng, kết hợp với nồng độ hormone progesterone cao hơn, có thể gây táo bón. Hãy đảm bảo uống đủ và nhiều nước; bổ sung nhiều chất xơ cho cơ thể. Đồng thời đi bộ hay các hình thức thể dục khác để giúp hệ tiêu hoá hoạt động tốt hơn;
- Loại bỏ các thực phẩm dầu mỡ và cay nóng vì có thể gây ợ nóng;
- Chuột rút cũng là hiện tượng mẹ bầu hay gặp ở 3 tháng giữa thai kỳ. Cố gắng duy trì tập thể dục vừa phải, và kéo căng cơ bắp chân trước khi đi ngủ để giảm thiểu khó chịu. Tắm nước ấm hoặc túi nước đá ở chân khi mang thai 25 tuần cũng giúp khắc phục tình trạng này.
Cảm giác cảm nhận được sự chuyển động của con trong bụng là một trong những niềm vui tuyệt vời của thai kỳ, và là một mối liên kết mãnh liệt của tình mẫu tử. Hiểu được thai nhi 25 tuần tuổi đạp như thế nào sẽ giúp mẹ phần nào hiểu và bớt lo lắng không cần thiết.
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!