Theo thống kê cứ 1000 lượt phụ nữ mang thai thì có khoảng 17 trường hợp gặp phải tình trạng không mong muốn là thai ngoài tử cung. Vậy có dấu hiệu nào để nhận biết sớm được vấn đề này? Thai ngoài tử cung siêu âm có thấy không? Đây cũng là băn khoăn của nhiều mẹ trong thời kỳ đầu mang thai nhất là những phụ nữ có tiền sử chửa ngoài tử cung bởi tình trạng này là 1 trong những biến chứng nguy hiểm có thể ảnh hưởng đến tính mạng của người mẹ.
Mang thai ngoài tử cung là gì?
Mang thai ngoài tử cung hay còn gọi là chửa ngoài dạ con là tình trạng thai nghén bất thường khi bào thai không làm tổ đúng vị trí. Thông thường, trứng sau khi được thụ tinh ở 1/3 ngoài của vòi trứng sẽ di chuyển vào trong buồng tử cung và phát triển tại đây. Tuy nhiên, do các nguyên nhân khác nhau ngăn cản sự di chuyển này mà hợp tử không nằm trong lòng tử cung mà bám vào 1 vị trí khác.
Hơn 95% thai ngoài tử cung thường làm tổ là ở vòi trứng và hơn 50% xảy ra ở vòi trứng bên phải. Đây là cấu trúc nối tử cung với buồng trứng 2 bên. 1 số trường hợp được phát hiện thấy trong ống cổ tử cung, trong dây chằng treo tử cung hoặc tại vết mổ cũ lấy thai. Rất hiếm gặp thai ở buồng trứng và trong ổ bụng.
Thai ngoài tử cung là 1 bệnh lý sản phụ khoa cấp tính tiềm ẩn nguy cơ vỡ túi thai bất cứ lúc nào do các vị trí ngoài buồng tử cung không đủ điều kiện để trứng làm tổ và phát triển. Nếu không được phát hiện sớm và xử lý kịp thời khi thai vỡ sẽ gây chảy máu ồ ạt trong ổ bụng.
Đây là nguyên nhân gây tử vong cao nhất ở 3 tháng đầu thai kỳ, đồng thời làm tăng khả năng vô sinh ở sản phụ. Ngoài ra, 10% số người có thai ngoài tử cung 1 lần có khả năng bị lại và 25% trường hợp tiếp tục gặp phải tình trạng này khi đã có tiền sử 2 lần chửa ngoài dạ con trước đó.
Thai ngoài tử cung siêu âm có thấy không?
Thai phụ chửa ngoài tử cung thường có những thay đổi cơ thể khá giống với biểu hiện mang thai bình thường khi ốm nghén như chậm kinh, rỉ máu, mệt mỏi, đau đầu, chóng mặt, nôn mửa. Do đó, nhiều trường hợp chủ quan nên chỉ có thể phát hiện được vấn đề khi tình trạng đã trở nên nghiêm trọng. Vậy làm sao để nhận biết được biến chứng sản khoa này? Thai ngoài tử cung siêu âm có thấy không?
Theo giải đáp của các bác sĩ chuyên khoa, hoàn toàn có thể phát hiện tình trạng mang thai ngoài tử cung ngay trong 3 tháng đầu bằng phương pháp siêu âm. Đây cũng được đánh giá là cách giúp chẩn đoán bệnh lý an toàn và hiệu quả nhất.
Tùy vào từng trường hợp cụ thể, thai phụ sẽ được chỉ định siêu âm qua thành bụng, siêu âm đầu dò qua ngả âm đạo hoặc cả 2. Thông thường, khi bào thai còn nhỏ, phần lớn các bác sĩ sẽ tiến hành siêu âm đầu dò để kiểm tra toàn bộ âm đạo, tử cung, cổ tử cung, buồng trứng, vị trí và kích thước của khối thai. Hình ảnh siêu âm sẽ cho kết luận chính xác có mang thai ngoài tử cung hay không.
Các phương pháp chẩn đoán thai ngoài tử cung
Độ chính xác của kỹ thuật siêu âm có thể phát hiện khoảng 75 – 80% các trường hợp thai ngoài tử cung. Tuy nhiên, đôi khi bào thai có thể phát triển ở các vị trí khó quan sát, dẫn đến tình trạng không kiểm tra thấy phôi thai khi siêu âm. Lúc này, thai phụ tiếp tục được tiến hành thêm các phương pháp chẩn đoán khác.
Xét nghiệm máu, kiểm tra nồng độ beta hCG
Xét nghiệm máu kiểm tra nồng độ beta hCG là phương pháp cho kết quả nhanh và chính xác nhất hiện nay.
- Thông thường nồng độ hCG tăng lên gấp đôi hoặc gấp ba lần trong 2 – 3 ngày đầu tiên của thai kỳ. Nếu nồng độ hCG > 1500UI/mL tức là thai đã làm tổ an toàn trong tử cung
- Ở phụ nữ mang thai ngoài tử cung, nồng độ hCG tăng lên chậm hơn so với bình thường. Nếu xét nghiệm ra chỉ số này < 1500UI/ml hoặc đã đạt mức > 1500UI/ml mà chưa thấy hình ảnh túi thai trong buồng tử cung thì khả năng cao là chị em đã chửa ngoài dạ con
Mặc dù vậy, có khoảng 20% các trường hợp mang thai ngoài tử cung có nồng độ hormone hCG tăng bình thường. Trong trường hợp này, bác sĩ có thể chỉ định thêm các biện pháp thăm khám khác kết hợp kiểm tra các triệu chứng và biểu hiện của thai phụ để đưa ra kết quả chẩn đoán chắc chắn nhất.
Nội soi ổ bụng
Nếu bác sĩ đã thực hiện cả siêu âm thai và xét nghiệm hCG mà vẫn chưa xác định được thai nhi ngoài tử cung thì phương pháp cuối cùng là nội soi ổ bụng. Phương pháp này có thể chẩn đoán thai ngoài tử cung chuẩn xác vì thấy rõ được vị trí khối thai. Quá trình thực hiện nhanh chóng, không gây đau đớn cho chị em. Trong khi nội soi, nếu bác sĩ phát hiện thai ngoài tử cung thì có thể xử lý luôn trong lúc nội soi.
Các yếu tố làm tăng nguy cơ chửa ngoài tử cung
Mặc dù đây là tình trạng y tế khẩn cấp cần điều trị dứt điểm nhưng thực chất có khoảng 50% bệnh nhân chửa ngoài dạ con không xác định được yếu tố nguy cơ. Vì vậy, các bác sĩ chuyên khoa đưa ra khuyến cáo rằng phụ nữ trong độ tuổi sinh sản cần hết sức cảnh giác với vấn đề bất thường, đặc biệt là những trường hợp sau:
- Dị tật bẩm sinh tại vòi trứng khiến vòi trứng bị kéo dài , gập góc hoặc hẹp tự nhiên
- Viêm tắc vòi trứng thứ phát do mắc các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục như bệnh lậu, bệnh Chlamydia hoặc các bệnh viêm nhiễm phụ khoa khác như viêm phần phụ, viêm vùng chậu
- Từng can thiệp tại vòi trứng như nạo phá thai, phẫu thuật vòi trứng, phẫu thuật vùng chậu
- Mẹ bầu bị u nang buồng trứng, lạc nội mạc tử cung khiến cho vòi trứng bị tắc hẹp
- Người mẹ có thói quen hút thuốc lá, trên 35 tuổi, có tiền sử điều trị hiếm muộn hoặc sử dụng các biện pháp hỗ trợ sinh sản khác
- Vòi trứng bị xoắn, co bóp và có nhu động bất thường
Lời ngỏ
Như vậy, việc thai ngoài tử cung siêu âm có thấy không còn tùy thuộc vào tình trạng của thai phụ. Các bác sĩ sẽ tiến hành chẩn đoán bằng phương pháp phù hợp hoặc tiến hành song song các phương pháp với nhau để có kết luận chính xác và sớm nhất nhằm đưa ra hướng xử lý và điều trị thích hợp, tránh nguy cơ xuất huyết, nhiễm trùng, gây hậu quả vô sinh và thậm chí dẫn đến tử vong khi thai vỡ.
Ngoài ra, mẹ bầu luôn phải cảnh giác đối với các dấu hiệu bất thường trong khi mang thai và tiến hành siêu âm định kỳ, đặc biệt là trong 3 tháng đầu để có thể phát hiện kịp thời biến chứng nguy hiểm này.
Xem thêm:
Vào ngay Fanpage của theAsianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!