Siêu âm nhiều có hại cho thai nhi không? Dựa trên cơ chế hoạt động của máy siêu âm cho thấy, việc siêu âm không ảnh hưởng tới sự an toàn của em bé. Tuy nhiên siêu âm nhiều chưa hẳn đã tốt bằng siêu âm đúng thời điểm.
Siêu âm nhiều có hại cho thai nhi không
Khi mang thai, một trong những phương pháp đầu tiên mà các mẹ bầu được tiếp cận chính là siêu âm. Đây được coi như một dạng kiểm tra chẩn đoán y khoa không xâm lấn sử dụng sóng âm để tạo ra hình ảnh của con yêu cũng như nhau thai, tử cung, cùng các cơ quan khác nằm trong khung xương chậu. Phương pháp này cho phép các bác sĩ phụ sản thu thập thông tin có giá trị về sự tiến triển của thai kỳ và sức khỏe của bé.
Để trả lời cho câu hỏi siêu âm nhiều có hại cho thai nhi không, các mẹ hãy cùng tìm hiểu về cơ chế hoạt động của máy siêu âm nhé!
Cơ chế hoạt động của máy khi siêu âm thai nhi
Siêu âm dựa trên nền tảng là nguyên lý định vị bằng sóng siêu âm (sonar)-một kỹ thuật dùng để phát hiện các vật thể dưới nước. Trong khi siêu âm, bác sỹ sử dụng đầu dò (transducer) tỳ sát lên da, đầu dò có chức năng vừa phát vừa thu sóng siêu âm.
Khi siêu âm, các tinh thể bên trong đầu dò phát ra các sóng siêu âm truyền vào bên trong cơ thể. Các mô, xương và chất lỏng trong cơ thể – một phần hấp thụ hoặc truyền qua – một phần phản xạ lại sóng âm và quay ngược trở lại đầu dò.
Đầu dò thu nhận sóng âm phản hồi, gửi các thông tin này tới bộ xử lý, sau khi phân tích các tín hiệu phản hồi bằng các phần mềm và thuật toán xử lý ảnh, kết hợp các thông tin để xây dựng và tái tạo thành hình ảnh siêu âm mà bác sĩ và mẹ bầu sẽ nhìn thấy trên màn hình.
Siêu âm nhiều có hại cho thai nhi không
Cho tới thời điểm hiện nay, khoa học vẫn chưa tìm thấy tác hại của máy siêu âm đối với cơ thể con người vì những lý do sau:
- Hầu hết các phương pháp siêu âm đều không xâm lấn (không dùng kim cũng như không cần phải tiêm thuốc) và thường không gây đau
- Siêu âm không ảnh hưởng tới sức khỏe do không dùng tia xạ ion hóa như X-quang hay CT
Do đó, mẹ bầu có thể yên tâm là siêu âm thai không gây nguy hại cho thai nhi. Tuy nhiên có một số mẹ mang tâm lý phải siêu âm liên tục mới biết được thai nhi có khỏe mạnh, phát triển bình thường hay không.
Theo các bác sĩ sản khoa, siêu âm nhiều cũng chưa chắc đảm bảo con không dị tật nếu việc siêu âm đó không diễn ra theo đúng thời điểm thích hợp để xét nghiệm dị tật trước sinh.
Chính vì vậy lời khuyên dành cho mẹ bầu là bạn nên siêu âm vừa phải theo đúng lịch hẹn của bác sĩ sẽ tốt hơn.
Siêu âm nhiều có hại cho thai nhi không – Những mốc siêu âm cần thiết mẹ bầu nên ghi nhớ
Tuần 5-6
Mốc siêu âm giúp xác định chính xác xem chị em có thật sự mang thai hay không.
Siêu âm 8 tuần
Lần siêu âm lần thứ hai này về cơ bản khá giống với lần đầu nhưng bác sĩ sẽ kiểm tra toàn diện hơn. Mục đích siêu âm nhằm xác định tim thai cùng các vấn đề phát triển của phôi thai nếu có.
Tuần 11-13
Vào tuần thai thứ 11 đến 13 tuần 6 ngày, các dị tật biểu hiện bên ngoài cơ thể thai nhi đã có thể quan sát rõ khi thực hiện siêu âm cơ bản. Đây chính là thời điểm thai phụ nên kịp thời đến bệnh viện để kiểm tra xem thai nhi có đang phát triển bất thường hay không.
Siêu âm tuần thai thứ 16-20
Phương pháp siêu âm giai đoạn này giúp mẹ xác định các bất thường về lượng ối cũng như xác định xem thai có đang phát triển ổn định hay không. Bác sĩ cũng đồng thời đo tim thai và tử cung, phục vụ cho việc chuẩn bị sinh nở sau này.
Tuần 24-28
Bác sĩ siêu âm sẽ giúp mẹ kiểm tra tình trạng nhau thai, nước ối, cân nặng, các bất thường về hình thái và tim thai của con.
Siêu âm nhiều có hại cho thai nhi không – Mốc siêu âm cần thiết mẹ nên biết ở tuần thứ 32 – 36
Khi thực hiện siêu âm, bác sĩ sẽ kiểm tra ngôi thai của bé yêu trong bụng mẹ. Ngoài ra bác sĩ cũng giúp mẹ kiểm tra tử cung để phát hiện các dấu hiệu sinh non nếu có.
Siêu âm tuần 36-40
Mẹ bầu cần thực hiện siêu âm cơ bản mỗi tuần một lần thay vì định kỳ hàng tháng như trước đây. Khi siêu âm bác sĩ sẽ kiểm tra ngôi thai cho con, kiểm tra sự tăng trưởng của con.
Hi vọng với những thông tin hữu ích trên, mẹ bầu đã nắm vững lịch khám thai định kỳ cùng các mốc siêu âm cần thiết trong suốt quá trình mang thai của mình.
Xem thêm:
Vào ngay Fanpage của the Asianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!